Suốt hơn 100 năm qua, người dân TP.HCM vẫn truyền tụng câu nói nổi tiếng: nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa (hay tứ Định) khi nhắc đến bốn vị đại phú hào giàu có bậc nhất Sài Gòn xưa.

Sở hữu ruộng đất bao la, khối tài sản khổng lồ, vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, độ giàu có của những nhân vật này không chỉ bó hẹp trong Sài Gòn mà còn đứng ở vị trí nhất, nhì ở Đông Dương.

Tuyến bài Gia sản khổng lồ của đại phú hào Sài Gòn xưa lật mở những thông tin tư liệu để bạn đọc có thể hình dung được phần nào về mức độ giàu có đến choáng ngợp của những nhân vật nổi tiếng này.

Bài 1: Người giàu nhất Sài Gòn xưa, giai thoại thuê nhân công phơi tiền cho khỏi mốc

Bài 2: Gia tộc xưa có trăm nhà mặt phố, căn phòng bí mật nuôi gia nhân chỉ để đếm tiền

Xuất thân nghèo khó

Xếp sau Tổng đốc Phương về mức độ giàu có tại Sài Gòn những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 là bá hộ Xường Lý Tường Quang. Ông là chính là nhân vật “tam Xường” trong câu truyền miệng nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa của người Sài Gòn xưa.

Hiện nay, tại TP.HCM vẫn còn những dấu tích, tư liệu về mức độ giàu có “của ăn mấy đời không hết” của bá hộ Xường. Thế nhưng ít ai biết rằng, bá hộ Xường có xuất thân nghèo khó và sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Chúng tôi may mắn có cuộc trò chuyện với ông Lý Thanh Liêm (69 tuổi, cháu đời thứ 5 của bá hộ Xường) và được ông cung cấp những tư liệu hiếm hoi về vị đại phú hào có xuất thân đặc biệt này. Theo ông Liêm, bá hộ Xường tên thật là Lý Tường Quang.

W-dai-phu-hao-1.jpg
Di ảnh bá hộ Lý Tường Quang và vợ được đặt tại ngôi mộ của ông bà

Ông Quang là người con trai thứ 2 của ông Lý Sáng Ế (1781 – 1855) và bà Trần Thị Thơ. Năm 1842, bà Thơ sinh Lý Tường Quang trong bọc điều. Lúc này, gia đình vợ chồng ông Ế vẫn sống trong nghèo khó. Cả hai thường xuyên đau bệnh.

Ít năm sau, bà Thơ qua đời vì thiếu thuốc trị bệnh. Không lâu sau, ông Ế cũng theo vợ về miền cực lạc. Lúc ấy, cậu bé Lý Tường Quang vừa tròn 13 tuổi. Vì còn quá nhỏ, cậu chưa học được nghề thuốc của cha để nuôi sống bản thân.

Dẫu vậy, cậu bé Tường Quang nổi tiếng thông minh, kiên cường và đặc biệt khéo tay, học gì nhớ nấy nên được nhiều người yêu quý, giúp đỡ. Để nuôi sống mình, Tường Quang học lỏm được nghề nặn tò he.

Ngày ngày, cậu ra góc đường nặn tò he. Cậu nặn tò he đẹp, có hồn đến nỗi thu hút không chỉ trẻ con, người lớn mà cả lính Pháp cũng đến xem, mua. Sức hút của cậu cũng khiến quán nước của người Hoa gần đó đắt khách

Tiếp xúc với lính Pháp nên Tường Quang cũng bập bẹ học tiếng Pháp. Tiệm nước nhiều lần nhờ cậu bé Tường Quang thông dịch cho mình mỗi khi phục vụ người Pháp. Do đó, tiệm nước cho phép Tường Quang đến trước cửa quán nặn tò he. Thậm chí, chủ quán còn cho cậu hùn vốn làm ăn chung với mình.

Tài liệu Cuộc đời và sự nghiệp của ông Lý Tường Quang do ông Lý Thanh Liêm cung cấp ghi nhận, sau khi tích lũy được vốn, Lý Tường Quang tự mở một tiệm buôn bán nhỏ cho riêng mình.

Nổi tiếng thông minh, giỏi cả tiếng Hoa, tiếng Việt và tiếng Pháp, ông Lý Tường Quang giúp nhiều người Hoa xin được việc làm. Việc này khiến ông được mọi người tín nhiệm, bầu làm bang chủ Triều Châu.

W-dai-phu-hao-3.png
Một góc từ đường họ Lý, nơi ông Lý Tường Quang từng sinh sống và cũng là trụ sở kinh doanh của ông

Khi biết ông Lý Tường Quang giỏi cả tiếng Hoa, tiếng Việt và tiếng Pháp, chính quyền Pháp thuộc đã mời ông làm thông ngôn và giao cho chức bang trưởng cai quản cả 7 bang người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn.

Trong thời gian này, ông có nhiều sáng kiến, đem lại lợi ích cho người dân nơi mình sinh sống. Một trong số này là việc đề xuất lập sở rác, sở thùng để vệ sinh đô thị. Nhận thấy đề xuất của ông hợp lý, chính quyền Pháp thuộc đồng ý, cho ông Quang tạm đảm trách cả 2 sở này. Khi công việc vệ sinh, dọn rác ở đô thị hoạt động tốt, ông Lý Tường Quang giao lại cho bang Triều Châu đảm trách.

Sau đó, ông cũng rút khỏi quan trường, từ bỏ công việc thông ngôn để kinh doanh. Ban đầu, ông mua cá tươi ở lục tỉnh rồi bán ở Sài Gòn, Chợ Lớn. Sau đó, ông lại chế biến cá khô, mắm để bán ra các vùng xa hơn. Thậm chí, ông còn xuất khẩu cá khô sang Pháp, Mỹ.

Nhờ có mối quan hệ tốt với chính quyền Pháp thuộc, ông Lý Tường Quang lập công ty Kim Bảo. Công ty của họ Lý thu mua thực phẩm ở miền Tây rồi bán ở Sài Gòn, Chợ Lớn.

Ngược lại, ông cũng mua nhu yếu phẩm từ Sài Gòn – Chợ Lớn rồi đem ngược xuống miền Tây bán. Dần dần ông mở rộng thu mua, bán thực phẩm rộng khắp Nam kỳ lục tỉnh và phất lên nhanh chóng.

Giàu thứ 3 Sài Gòn xưa

Thời điểm ấy, hoạt động kinh doanh của đại gia họ Lý rộng lớn đến nỗi người dân kháo nhau rằng một nửa dân miền Tây đều mua nhu yếu phẩm từ Lý Tường Quang. Ông trở thành vua nhu yếu phẩm.

Có vốn, ông Quang mở rộng việc kinh doanh sang bất động sản. Ông mua các khu đất có vị trí, địa thế đẹp tại Sài Gòn để xây nhà rồi cho thuê. Nhiều giai thoại cho rằng, tại Sài Gòn xưa, bá hộ Xường sở hữu hơn 30.000 căn nhà.

Sau vài năm nhà đất của ông đã chiếm phân nửa khu vực Chợ Lớn, lan ra tận Gia Định và trở thành phú hộ giàu có nổi tiếng ở đất Sài Gòn xưa.

Do có tên đệm là Tường nhưng được người trong gia đình phát âm theo tiếng Hoa là “xường”, nên ông Lý Tường Quang được người dân thời bấy giờ gọi là bá hộ Xường. Từ đó, danh tiếng bá hộ Xường nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh.

W-dai-phu-hao-4.jpg
Khu mộ của vợ chồng bá hộ Lý Tường Quang bề thế và được xây dựng với kiến trúc đẹp mắt

Tài liệu Cuộc đời và sự nghiệp của ông Lý Tường Quang ghi lại việc sau khi trở thành phú hộ giàu nứt đố, đổ vách, bá hộ Xường quyết tìm mua những khu đất gắn liền với thời thơ ấu của mình. Ông mua liền 3 miếng đất nhỏ, nơi ông sinh ra, lớn lên, trở thành bá hộ giàu có.

Ông cũng mua cả khu rừng Xóm bột xưa kia vốn là nơi ông chôn cất ông Sáng Ế. Sau đó, bá hộ Xường mua luôn khu đất rộng lớn nơi cha mẹ ông chào đời.

Nhớ thời thiếu niên nghèo khổ, ông bá hộ mua cả góc phố nơi ông từng ngồi nặn tò he ngày trước. Hiện nay, góc phố này là góc đường Trần Hưng Đạo và Châu Văn Liêm.

Sau này, ông tiếp tục mở rộng các khu đất trên. Tại mỗi khu đất, ông cho trồng 5 cây lý với ý định để con cháu không quên nguồn cội.

Giàu có, bá hộ Xường cũng cho con ăn học ở những ngôi trường danh giá. Các con ông sau này đều thành đạt, trở thành kỹ sư, bác sỹ, công chức, hoặc chọn con đường kinh doanh.

Hiện nay, tại quận 5 (TP.HCM) còn dấu tích một thời giàu có tột đỉnh của bá hộ Xường. Đây là ngôi nhà cổ có kiến trúc đẹp mắt và là từ đường của họ Lý. Ngôi nhà đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố. 

W-dai-phu-hao-2.jpg
Khu mộ của người giàu có thứ 3 Sài Gòn xưa được nhiều khách lạ đến tham quan, nhang khói

Sinh thời, căn nhà này là nơi ở và là trụ sở giao dịch, buôn bán của ông bá hộ Xường. Căn nhà được xây dựng từ năm 1873 bằng gỗ quý, trang trí bởi những tác phẩm điêu khắc tinh xảo.

Nội thất căn nhà như: Hoành phi, trang thờ, tượng thờ cúng, bàn thờ gỗ, đi văng, trường kỷ… đều được làm từ loại gỗ cực phẩm. Những sản phẩm này đều được ông bá hộ mua và dùng tàu, thuyền chở về từ Trung Quốc.

Do đó, dù đã ngoài trăm năm, các sản phẩm này vẫn nguyên vẹn. Thậm chí, càng sử dụng chúng càng đen bóng, lên nước, lên vân rất đẹp.

Tại quận Tân Phú (TP.HCM) còn có ngôi mộ cổ bề thế của vợ chồng bá hộ Lý Tường Quang và vợ là bà Nguyễn Thị Lâu. Hai ngôi mộ được xây dựng kiên cố trên diện tích đất khoảng 200m2.

Mặc dù đã xây dựng cách đây hơn 100 năm, 2 ngôi mộ vẫn giữ nguyên nét đẹp đặc trưng của mỹ thuật Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Đây cũng là một trong 3 cổ mộ được TP.HCM công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật.

Ông Lý Thanh Liêm cho biết, hiện con cháu của bá hộ Lý Tường Quang vẫn còn đông. Đa số sống rải rác tại TP.HCM. Một số khác đang định cư ở nước ngoài.

Mỗi năm đến ngày cúng giỗ ông Lý Tường Quang, con cháu đều tề tựu đông đủ bên lăng mộ của ông thắp nhang, bày cỗ tỏ lòng tri ân. Ngôi mộ cổ cũng được nhiều người dân mến mộ tiếng tăm của bá hộ Xường đến viếng, nhang khói mỗi ngày.