Tự hào dân tộc, những thành tựu, những vĩ nhân, nên được giáo dục thế nào để người trẻ có một niềm tin, một niềm tự hào thật sự, như một động lực nền tảng để trở thành nhân tố tốt.
Hôm trước bạn tôi nhắn tin từ Ấn Độ, nói rằng đó là ngày buồn của người Tamil - một bộ phận dân cư sống ở miền Nam Ấn Độ.
Bạn tôi còn gửi ảnh một phụ nữ xinh đẹp, xuất thân là diễn viên nổi tiếng của điện ảnh Ấn, sau đó trở thành bộ trưởng chăm lo các vấn đề xã hội và đấu tranh cho phụ nữ và trẻ em. Bà bộ trưởng lâm bạo bệnh và ra đi trong niềm tiếc thương của người Tamil, đặc biệt là của một người trẻ chỉ mới 24 tuổi như bạn tôi.
Niềm tiếc thương của bạn xuất phát từ niềm tự hào về một người con ưu tú của dân tộc Tamil - một dân tộc nhỏ bé. Tôi nghĩ anh bạn này cũng kỳ lạ, ảnh tự hào đủ thứ, từ âm nhạc đến những chính khách người Tamil và hết sức hăng hái giới thiệu cái hay đó với bạn bè một cách chân thành. Tôi hiểu, trong cái tự hào đó ẩn chứa niềm tự hào vì bà cố bộ trưởng là người con của dân tộc Tamil.
Cũng nghĩ lan man, tự hào dân tộc, những thành tựu, những vĩ nhân, nên được giáo dục thế nào để người trẻ có một niềm tin, một niềm tự hào thật sự, như một động lực nền tảng để trở thành nhân tố tốt.
Một lần tham dự hội nghị có rất nhiều đại biểu đến từ Trung Quốc, tôi nhận ra mỗi khi họ phát âm hai chữ "Trung Quốc" thường đọc hoặc nói rất to, rất trịnh trọng, nên hai từ đó vang lên mạnh mẽ.
Sau tò mò hỏi một người bạn, thì bạn này giải thích rằng kể từ bậc tiểu học, mọi học sinh đều được dạy đứng thẳng và phát âm thật lớn hai từ "Trung Quốc" với một niềm tự hào, hãnh diện về một tổ quốc hùng cường - một đất nước lớn mà mỗi công dân có nhiệm vụ thể hiện lòng tự hào đó ngay trong cách phát âm.
Có thể hiểu Trung Quốc muốn đưa vào trong ý thức hệ của mỗi công dân hình ảnh nước lớn, quyết tâm giữ vị trí nước lớn trong tư duy, trong tim của mỗi người.
Còn người Hàn? Vào một mùa đông giá cách đây 5 năm, có dịp đi Hàn Quốc, tôi thấy học sinh trung học đều mặc áo khoác in hình cờ tổ quốc sau lưng, bỗng cảm nhận một thông điệp: sau lưng mỗi con người chính là tổ quốc.
Bỗng nhớ bộ phim Thời đại anh hùng chiếu năm 2014, trong đó có đoạn Tổng thống Park Chung-hee đã khóc vì thấy dân khổ quá. Ông tuyên bố sau 10 năm nữa sẽ có nhiều nước trên thế giới phải đến làm thuê cho Hàn Quốc. Bây giờ, với hiện trạng phát triển, Hàn Quốc đang đứng trong top 24 quốc gia thịnh vượng nhất thế giới, lại là quốc gia tiêu biểu trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Đó là một minh chứng người Hàn Quốc đã đi trên hành trình đưa lòng tự hào dân tộc vào mọi công cuộc cải cách, từ giáo dục đến phát triển kinh tế.
Người Hàn dùng mọi thứ hàng hóa "Made in Korea" từ thủa sản phẩm còn nhem nhuốc cho đến lúc nổi tiếng thế giới. Trên tivi chỉ có 2 chương trình nổi bật là "Dạy làm người" và "Dạy làm ăn".
Điều đó mọi công dân Hàn đều hiểu, muốn tự hào về dân tộc thì tự bản thân mỗi người đều phải tham gia vào hành trình tạo dựng giá trị đó, chứ không phải ảo tưởng dựa vào tài nguyên hay lịch sử.
Trong chuyến đi mới đây, một đạo diễn người Việt kể chuyện trí thức lớn tuổi người Hàn hay hỏi liệu người Việt có tha thứ việc Hàn Quốc đưa lính đánh thuê vào chiến trường miền Nam Việt Nam thập niên 1970. Họ luôn đối diện với 2 điều buồn: chép sách giáo khoa Nhật và đưa lính đánh thuê sang nước khác.
Họ đối diện với sự thật phũ phàng đó để hiểu rằng, để đi đến sự thịnh vượng, con đường có vết nhơ, phải biết rõ vết nhơ để giá trị dân tộc không trở thành giá trị đẹp trong ảo ảnh và ảo tưởng, mà phải có những giá trị thật sự, hướng tới cái giàu đẹp thật như hôm nay!
Phan Hòa Bình/ theo Doanh nhân Sài Gòn