Thu nhập tới 15 triệu đồng/tháng sau 6 tháng học

Tình cờ gặp nhau tại Ngày hội Máy tính cho cuộc sống lần thứ nhất vừa diễn ra tại Thái Nguyên, chị Nguyễn Thảo Vân, Giám đốc Trung tâm Nghị lực sống hồ hởi khoe với ICTnews về mô hình đào tạo "ngược đời" mà Trung tâm đang áp dụng rất hiệu quả.

Ở các trung tâm đào tạo thông thường, học viên sau khi học xong mới vất vả đi tìm việc. Nhưng tại Trung tâm Nghị lực sống thì mô hình lại có tính đảo chiều: tìm việc trước rồi mới kiếm người phù hợp cho vị trí việc làm đó và triển khai đào tạo để sau khi học xong học viên không phải chịu rủi ro thất nghiệp.

Chị Nguyễn Thảo Vân cho biết: "Vẫn có nhiều công ty sẵn sàng nhận người khuyết tật vào làm việc với lượng nhân sự tuyển dụng hàng năm khá cao, thậm chí lên tới 20 – 30 người. Trung tâm Nghị lực sống tìm đến những doanh nghiệp này để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng cũng như những yêu cầu cụ thể về kỹ năng công việc, sau đó tuyển người phù hợp vào các vị trí công việc. Trước đây, các doanh nghiệp đối tác đều đòi hỏi người lao động phải có bằng đại học, sau khi Trung tâm nỗ lực thuyết phục thì đã hạ dần tiêu chuẩn xuống bằng cấp 3, cấp 2, và nay không còn đòi hỏi bằng cấp, chỉ cần biết đọc để đọc hợp đồng, hiểu rõ nội dung cam kết với doanh nghiệp và biết tính toán để tính lương hàng tháng. Doanh nghiệp sẽ duyệt người ứng tuyển trước khi Trung tâm Nghị lực sống triển khai đào tạo. Hàng tuần, hàng tháng, doanh nghiệp đều có bài kiểm tra cho học viên, giao sản phẩm để học viên làm thử,... Học viên không đạt yêu cầu sẽ bị loại luôn. Sau khi kết thúc chương trình đào tạo, 100% học viên đều được ký ngay hợp đồng lao động với mức lương khá cao, tệ nhất cũng phải là 5 triệu đồng/tháng, còn cao nhất lên tới 15 triệu đồng/tháng".

Mô hình này mới được triển khai từ năm 2013, đến nay đã có 40 học viên tốt nghiệp và có việc làm ngay, còn nhiều học viên khác đang tiếp tục được đào tạo. "Đầu ra" việc làm của Trung tâm Nghị lực sống đang được "bao tiêu" bởi một số doanh nghiệp nước ngoài từ Đức, Đan Mạch và mới đây nhất có cả đối tác từ Canada, vốn có nhu cầu lớn về nhân sự làm gia công ảnh, thiết kế đồ họa.  

Chỉ cần vài câu chữ ngắn gọn để mô tả về thành quả của mô hình đào tạo CNTT tại Trung tâm Nghị lực sống, thế nhưng tiến trình để có được điều này không hề đơn giản. Nhiều học viên ở Trung tâm Nghị lực sống là người khuyết tật khá nặng như bị tổn thương cột sống, không còn cảm giác từ phần bụng dưới trở xuống, không kiểm soát được vệ sinh cá nhân. Không ít lần tình nguyện viên của Trung tâm phải hướng dẫn cho học viên cả về cách đóng bỉm, băng gạc,.. trước khi dạy kiến thức, kỹ năng CNTT. Nếu không có nhiệt huyết và tình người thì khó có thể làm được như vậy.

Mong có sự hỗ trợ để không phải rơi nước mắt từ chối học viên

Hồ hởi trước những kết quả ban đầu trong việc hỗ trợ người khuyết tật có việc làm ổn định để tự nuôi sống bản thân và hòa nhập cộng đồng, song trong ánh mắt của nữ Giám đốc Trung tâm Nghị lực sống vẫn hiển hiện nhiều suy tư, trăn trở. Nỗi lo lớn nhất hiện giờ là không có đủ máy tính để đào tạo CNTT cho người khuyết tật, và không có trụ sở ổn định để yên tâm dạy miễn phí cho các học viên.

"Năm 2009, nhờ có 15 chiếc máy tính được tặng bởi Chương trình Máy tính cho cuộc sống (PCs for Life), Trung tâm Nghị lực sống mới đủ máy tính để đào tạo được nhiều học viên cùng lúc. Tính đến nay thì số máy tính này cũng đã hết thời gian khấu hao. Học viên chủ yếu học đồ họa nên cần có máy tính có cấu hình cao, luôn cập nhật được các phần mềm mới. Thế nhưng thực tế thì máy tính tại Trung tâm nhiều khi chạy chạy è è. Đợt vừa rồi tổ chức thi, học viên trượt hết vì máy bị đơ, cứ làm nửa chừng thì máy tắt. Sau phải xin công ty cho các em thi lại ở công ty. Trung tâm không thể đi thuê máy tính về cho học viên thi vì không có tiền để trả, bản thân những giảng viên cũng đều là tình nguyện viên, dạy không lấy tiền công", chị Nguyễn Thảo Vân băn khoăn chia sẻ.

Trụ sở để đào tạo cũng là một "bài toán" nan giải. Nhiều năm qua, Trung tâm phải chật vật lo kinh phí để thuê địa điểm, và do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều khi chưa "ấm chỗ" đã bị đề nghị dọn đi nơi khác. Cá biệt như năm 2012, chỉ trong vòng 1 năm, Trung tâm đã phải chuyển nhà tới 6 lần.

Với những khó khăn hiện hữu như vậy, nhiều khi khó tránh khỏi tình huống "lực bất tòng tâm". "Vẫn có nhiều trường hợp học viên đến xin học nhưng buộc phải ra về lắm chị ơi. Có những vị phụ huynh đầu tóc bạc phơ bồng bế con đến, xong chỉ nhận được cái lắc đầu. Rơi nước mắt chị ạ, nhưng mình thực sự không có đủ điều kiện để giúp đỡ được tất cả các em", tâm sự của chị Nguyễn Thảo Vân khiến cho câu chuyện chùng hẳn xuống.