Thực hiện Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, những năm qua, các đơn vị, địa phương tỉnh Quảng Ninh đã gắn kết việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, hướng tới mục tiêu xây dựng văn hoá, con người Quảng Ninh phát triển toàn diện.
Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch về việc triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó nhấn mạnh tới "Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới"; các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tổ chức học tập, quán triệt nội dung chuyên đề năm 2024 về học và làm theo Bác gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; các chi, đảng bộ trong tỉnh cũng tổ chức sinh hoạt thường kỳ và sinh hoạt chuyên đề….
Trong đó, thông qua chuyên đề năm 2024 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, nhất là về văn hóa trong Đảng và đạo đức cách mạng trong tình hình mới”, cán bộ, đảng viên nắm cốt lõi tư tưởng của Hồ Chí Minh về “văn hóa”, “văn hóa Đảng”; về nhiệm vụ xây dựng và phát huy văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững; đi sâu thảo luận chuyên đề học và làm theo Bác tại các buổi sinh hoạt chi bộ, các chi, đảng bộ đã đưa ra giải pháp cụ thể hóa chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới gắn với nhiệm vụ của địa phương, đơn vị, cá nhân mỗi đảng viên.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người rất coi trọng việc nêu gương, nói đi đôi với làm. Người cho rằng, nêu gương có vai trò to lớn và là một giá trị trong chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Ghi nhớ lời dạy của Người, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là lãnh đạo quản lý, người đứng đầu ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm, vai trò, tính nêu gương, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong làm việc, hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân, đơn vị, địa phương.
Với tinh thần “5 thật, 6 dám” đã trở thành phương châm hành động của từng cấp ủy, chính quyền, từ người đứng đầu tỉnh đến đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh; nêu cao quyết tâm trở thành “hạt nhân” lan tỏa trong các phong trào thi đua yêu nước về hình ảnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Quảng Ninh chuyên nghiệp, kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, nói đi đôi với làm… Nhờ nâng cao ý thức, trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã góp phần to lớn vào những thành tựu mà Quảng Ninh đạt được trong thời gian qua.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng chỉ đạo xây dựng, thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ sát với điều kiện, tình hình của cơ quan, đơn vị. Đến nay, có 945 cơ quan, đơn vị đã rà soát, bổ sung, xây dựng chuẩn mực đạo đức bảo đảm yêu cầu và phù hợp với đặc điểm của cơ quan, đơn vị. Trong đó có 912 cơ quan, đơn vị đánh giá việc thực hiện chuẩn mực đạo đức đã đề ra.
Điển hình như trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các cấp ngành, địa phương trong tỉnh luôn nhận thức sâu sắc, giải quyết thấu tình, đạt lý những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; từ đó tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Những năm qua, người đứng đầu tỉnh và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, sở, ngành, địa phương đã nghiêm túc chấp hành chế độ tiếp công dân định kỳ. Hằng tháng, tại trụ sở tiếp công dân tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh cũng như người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã thực hiện tiếp công dân định kỳ. Tại các buổi tiếp công dân đã có sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội,... để đảm bảo công khai, minh bạch; đồng thời các buổi tiếp tỉnh đều kết nối trực tuyến với các địa phương có công dân kiến nghị, khiếu nại để nghe thấu đáo vụ việc, từ đó có hướng chỉ đạo, giải quyết phù hợp, kịp thời.
Ở cấp huyện, cấp xã, các đồng chí bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND hằng tháng đã bố trí thời gian để trực tiếp tiếp công dân, lắng nghe và giải quyết các kiến nghị của công dân từ cơ sở theo quy định, góp phần giảm tải kiến nghị vượt cấp.
Từ năm 2019 đến nay, các lãnh đạo cấp tỉnh đã dành thời gian, tổ chức 56 lượt, tiếp gần 5.000 công dân; trong đó có 248 đoàn đông người, 3 vụ việc thuộc diện phức tạp, kéo dài; rất nhiều vụ việc đã được giải quyết đảm bảo dân chủ, khách quan, công bằng, được người dân đồng thuận, nhất trí cao.
Người lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh còn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; trách nhiệm trong công tác, luôn có nhiều sáng kiến cải tiến chất lượng công việc. Điển hình như nêu cao vai trò trách nhiệm trong công tác cải cách hành chính; lựa chọn được những khâu đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đổi mới nhận thức, nâng cao chất lượng và trách nhiệm công chức, công vụ; thực hiện 3 đột phá chiến lược; chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường; xây dựng nông thôn mới...
Chính vì vậy, việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các phong trào, cuộc vận động trên địa bàn được nhân dân tích cực hưởng ứng, đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng vào sự phát triển của địa phương.
Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, với phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, “nói đi đôi với làm”, những năm qua, các địa phương đã đẩy mạnh việc học và làm theo Bác, luôn nêu cao vai trò gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, hoạt động để bà con tin tưởng, làm theo. Thời gian qua đã xuất hiện các mô hình, gương điển hình ngày càng đa dạng, phong phú trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề, nhiệm vụ. Trong đó, nhiều mô hình, tập thể, cá nhân điển hình học và làm theo Bác với gắn với chương trình xây dựng nông thôn như phong trào hiến đất, góp công làm đường giao thông, xây trường học; phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; ngày Chủ nhật xanh dọn dẹp vệ sinh môi trường, tổ liên gia tự quản về an ninh trật tự……, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần xây dựng Quảng Ninh ngày càng đổi mới, phát triển, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Phát huy tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong những việc làm cụ thể, thiết thực với đời sống cơ sở đã góp phần giúp các địa phương thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao. Từ địa phương còn nhiều khó khăn trong những năm đầu đổi mới, đến nay, Quảng Ninh đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, diện mạo đô thị ngày một khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao.
Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh phát triển đi đầu của cả nước. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của Quảng Ninh ở mức cao hơn hẳn so với mức trung bình của cả nước, GRDP đạt 9.469 USD, gấp 1,4 lần so với năm 2020; đây cũng là năm lần thứ 7 liên tiếp (2017-2023), Quảng Ninh đứng ở vị trí quán quân PCI và là năm thứ 11 (từ năm 2013 - 2023) trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.
Bên cạnh đó, tỉnh còn thực hiện tốt các chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Quảng Ninh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo.
Để có được kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công là tỉnh đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức luôn đề cao và thực hành văn hoá phục vụ người dân, doanh nghiệp; là sự nêu gương, làm gương của người đứng đầu.