Đạt học bổng toàn phần của ĐH Bắc Kinh, nghiên cứu tại các trường Oxford hay Cornell và làm việc tại các cơ quan của Liên Hợp Quốc, Nguyễn Đăng Đạo đang trên hành trình khẳng định trí tuệ và dấu ấn người trẻ Việt trên đấu trường quốc tế.
Hành trình vạn dặm khởi đầu từ quyết định bất chợt
Con đường trở thành công dân toàn cầu của chàng trai Nguyễn Đăng Đạo (SN 1996) bắt đầu bằng một cú “twist” bất ngờ. 10 năm về trước, nhân duyên dẫn lối và chàng trai đất Nghệ đã lựa chọn chuyên ngành Quan hệ quốc tế tại Học viện Ngoại giao (DAV).
“Mình có giải Quốc gia được tuyển thẳng, vậy nên dự định không thi đại học. Buổi chiều cuối trước khi nộp đơn, bạn thân khuyên mình thi vào trường Ngoại giao vì tính cách quảng giao của mình. Ngay lúc đó, mình đã mượn hồ sơ của bạn và đăng ký vào ngành cao điểm nhất là Quan hệ Quốc tế”, Đăng Đạo chia sẻ.
Quyết định này đánh dấu sự khởi đầu một hành trình mới của chàng trai 9x.
Tại Học viện Ngoại giao, Đăng Đạo nhanh chóng nhận ra rằng để trở thành nhà ngoại giao đòi hỏi nhiều thứ hơn. Đó là trình độ ngoại ngữ, khả năng nghiên cứu, kỹ năng giải quyết vấn đề, hiểu biết sâu rộng và đặc biệt bản lĩnh, tinh thần dám nghĩ dám làm, theo đuổi đến cùng nhiệm vụ vì lợi ích quốc gia dân tộc.
Nhận thức được điều đó, chàng trai không ngừng nỗ lực trau dồi bản thân. “Trong 4 năm ở DAV, mình đã thực tập ở Liên Hợp Quốc, Ban thư ký APEC và Ban thư ký ASEAN thuộc Bộ Ngoại Giao, Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU). Đây là bước khởi đầu vững chắc để tiếp tục học tập và làm việc sau này”.
Tốt nghiệp DAV, Đăng Đạo đã xuất sắc giành được học bổng toàn phần Erasmus Mundus danh giá của Liên minh Châu Âu. Chương trình thạc sĩ Erasmus Mundus nam sinh theo đuổi được sáng lập bởi bốn trường ĐH thuộc Mạng lưới nghiên cứu châu Âu EUROPAEUM tại ĐH Oxford gồm 19 trường hàng đầu châu Âu.
Bên cạnh bức tranh “màu hồng” mọi người thường thấy như hỗ trợ tài chính rất hào phóng, cơ hội học đa quốc gia, bằng thạc sĩ kép, Đăng Đạo cũng cho biết có nhiều khó khăn chỉ người trong cuộc mới hiểu. Việc thường xuyên phải di chuyển, làm visa, chuyển nhà, chuyển trường, làm giấy tờ tuỳ thân ở hai nước trở lên trong thời gian ngắn là những điều nam sinh không ngờ tới trước khi theo học 2 năm ở châu Âu.
Năm 2021, vượt qua hàng trăm “học bá” toàn cầu, Đăng Đạo đã xuất sắc giành được học bổng toàn phần Nhà lãnh đạo châu Á tương lai do Học Viện Yên Kinh thuộc ĐH Bắc Kinh và Viện Châu Á Baixian tài trợ.
“Trong một hội thảo tại ĐH Oxford, cuộc nói chuyện với Hiệu trưởng của trường - GS Chris Patten, đã thay đổi hướng tiếp cận đối tượng của mình, vốn tập trung vào EU. Sau đại dịch Covid-19, GS Patten chia sẻ với mình rằng việc xem xét kỹ lưỡng vai trò của Trung Quốc trong các vấn đề toàn cầu và quan hệ Trung Quốc-EU trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Điều này đã thôi thúc mình quay lại ĐH Bắc Kinh, nơi mình đã từng trao đổi ở bậc cử nhân để nghiên cứu thêm về Trung Quốc, đặc biệt là quá trình đô thị hoá thần kỳ của quốc gia này, bắt tay vào một nỗ lực học thuật khác, lấy bằng thạc sĩ về nghiên cứu Trung Quốc”.
Được biết, chương trình học tại Yên Kinh nhấn mạnh vào sự nắm vững kiến thức chuyên môn và tương tác thực địa. Trong thời gian 9 tháng ở Trung Quốc, chàng trai đã có cơ hội đi 12 thành phố, sinh sống với người dân bản địa để phục vụ các nghiên cứu của anh về đô thị hoá và số hoá đây.
Năng động và luôn tự vượt qua giới hạn bản thân, Đăng Đạo chủ động, tích cực trong các hoạt động nghiên cứu và ngoại khóa. Chàng trai đã đi đến 54 quốc gia trên khắp châu lục và trở thành diễn giả tại nhiều diễn đàn tổ chức như Ngân hàng Phát triển Châu Á hay ĐH Cambridge.
“Bất đồng thường xuất hiện trong các mối tương tác, đặc biệt khi sống, học tập và làm việc tại môi trường đa văn hóa, Đông-Tây kết hợp như vậy. Tuy nhiên, mình nhận ra rằng, thay vì quá chú ý vào điểm khác biệt, mình thường tập trung nhiều hơn vào việc tìm ra điểm chung và tạo ra kết nối giữa những điều khác biệt.
Nhìn nhận và giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh, đặt bản thân mình vào hoàn cảnh của người khác, cố gắng nhìn nhận từ lăng kính văn hoá của họ và giao tiếp dựa trên tình thần cùng giải quyết vấn đề", Đăng Đạo chia sẻ về cách làm việc trong môi trường đa văn hóa.
Cơ duyên với Liên hợp quốc và quyết định về Việt Nam
Đăng Đạo đã gắn bó với Liên hợp quốc (LHQ) từ năm 2017. Khởi đầu với Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) ở Việt Nam, rồi sau đó trở thành tư vấn viên của Quỹ nhi đồng LHQ (UNICEF) trong một thời gian ngắn trước khi đi du học và sau đó là Chiến dịch hành động SDG ở Đức và trụ sở chính của UNESCO ở Pháp.
“Thực ra trước khi trở lại Việt Nam, mình có nhận được lời mời làm việc ở LHQ ở New York và Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Ở Thuỵ Sĩ. Tuy nhiên, mình nghĩ rằng muốn có kinh nghiệm thực tiễn tại khu vực Đông Nam Á trước và đã quyết định trở về Việt Nam”.
Theo Đăng Đạo, mỗi vị trí ở các cơ quan của LHQ có những yêu cầu khác nhau tuỳ theo đặc thù và địa bàn hoạt động, nhưng có ba yếu tố có thể giúp một người nổi bật: khả năng ngoại ngữ và giao tiếp, kĩ năng làm việc nhóm và kiến thức chuyên môn. Hiện tại, chàng trai đang làm việc tại một viện nghiên cứu ở Việt Nam.
Song song với đó, Đăng Đạo tiếp tục gắn bó với việc phát triển giới trẻ với tổ chức Những nhà đô thị trẻ Đông Nam Á để kết nối những người quan tâm đến thành phố và phát triển đô thị ở Đông Nam Á, chia sẻ những bài học phát triển và hiểu biết chung, cũng như tăng cường tiếng nói của người trẻ trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.
Nhắn nhủ đến thế hệ trẻ, chàng trai bộc bạch: "Mình là một người khá tự ti, không giỏi ăn nói cũng như thành tích học tập từng không xuất sắc. Thế nhưng mình nghĩ sự tò mò và dám dấn thân vào một lĩnh vực mới đã giúp mình đạt được một vài thành tựu như hiện nay.
Mình rất tâm đắc một câu, nếu mình thử còn có 0.1% cơ hội thành công, còn nếu mình không dám thử, mãi mãi cơ hội thành công là 0%”.
Thành tích của Nguyễn Đăng Đạo:
- Học bổng toàn phần Nhà lãnh đạo châu Á tương lai của Học Viện Yên Kinh, ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc) và tham gia chương trình trao đổi tại ĐH Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) và ĐH Waseda (Nhật Bản)
- Học bổng toàn phần Erasmus Mundus của Liên minh Châu Âu, Học bổng trao đổi Viện Nghiên cứu châu Âu Europaeum tại ĐH Oxford (Anh)
- Chuyên gia tư vấn tại trụ sở chính của UNESCO tại Pháp và đồng điều phối Chương trình hành động về Gắn kết người trẻ vào chương trình nghị sự toàn cầu của UNESCO (2021-2023)
- Trưởng Phái đoàn ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh G20 dành cho giới trẻ (2022)
- Điều phối viên Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo trẻ Á-Âu (ASEF) và nghiên cứu viên về giải pháp dựa vào thiên nhiên đô thị tại Quỹ Á-Âu (ASEF) (2022-2023)
- Chuyên gia nghiên cứu của chương trình Chương trình Đối thoại Nghiên cứu EU-ASEAN (EANGAGE) của Liên minh Châu Âu và Ban thư ký ASEAN (4/2021- 11/2022)
-Sáng lập tổ chức Những nhà đô thị trẻ Đông Nam Á (Young Urbanists of Southeast Asia - YUSEA) và Tổ chức hợp tác trẻ Âu-Á (Student Think Tank for Europe-Asia Relations – STEAR)
- Xuất bản nhiều ấn phẩm đăng tải trên các tạp chí quốc tế uy tín