Dưới ảnh hưởng của quá trình hội nhập, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng khoa học - công nghệ phát triển như vũ bão, theo TS Bùi Thị Như Ngọc, Học Viện Báo chí Tuyên truyền, văn hóa đã, đang và vẫn sẽ tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động truyền thông vùng dân tộc thiểu số nước ta với những xu hướng tác động đa dạng:

Trước nhất, tác động của văn hóa đến hoạt động truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số nước ta ngày càng đa dạng và rộng khắp, thể hiện trong mọi hoạt động truyền thông. Ví dụ, trong lập kế hoạch truyền thông, người truyền thông luôn cần tìm hiểu văn hóa (phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa…) của địa phương/vùng nơi mình sẽ tiến hành các hoạt động truyền thông để tạo sự kết nối, gắn kết giữa hoạt động truyền thông với sự tương thích, thẩm thấu văn hóa nói chung, văn hóa địa phương nói riêng nhằm tạo hiệu quả, tác động truyền thông đến đối tượng truyền thông.

Bế mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số các tỉnh vùng biên giới Việt Nam - Lào, khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2019 có chủ đề “Đoàn kết, hữu nghị và phát triển”

Hoặc, trong kỹ năng truyền thông trực tiếp, người truyền thông ngày nay ngày càng chú trọng đến việc tìm hiểu văn hóa địa phương để vận dụng trong văn hóa giao tiếp với đối tượng truyền thông nhằm tạo thiện cảm ngay từ ban đầu, từ đó có thể dễ dàng hơn trong việc chuyển tải thông điệp truyền thông đến đối tượng cần tác động.

Bên cạnh đó, tác động của văn hóa đến hoạt động truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số nước ta ngày càng đi vào chiều sâu, hướng đến mục tiêu đạt hiệu quả truyền thông về cả chất lượng, số lượng một cách bền vững, lâu dài, có sự tương tác, phản hồi nhanh, kịp thời để có thể điều chỉnh hoặc sửa đổi, rút kinh nghiệm cho những lần truyền thông tiếp theo. Xu hướng này kéo theo việc thúc đẩy sự ngày càng chuyên sâu hóa, chuyên nghiệp hóa trong vận dụng tác động của văn hóa đến hoạt động truyền thông, thúc đẩy sự hình thành, phát triển của đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp am hiểu, vận dụng hiệu quả văn hóa trong hoạt động truyền thông; đồng thời thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của những ngành, nghề liên quan đến văn hóa truyền thông và truyền thông văn hóa ở nước ta.

Thêm nữa, tác động của văn hóa đến hoạt động truyền thông không chỉ dừng lại ở văn hóa đất nước ta hay văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số nước ta mà còn đến từ văn hóa của các dân tộc, đất nước khác trong khu vực và trên thế giới do ảnh hưởng mạnh mẽ của quá trình hội nhập và toàn cầu hóa.

Với xu hướng này, văn hóa của các cộng đồng, dân tộc, quốc gia trên thế giới sẽ tác động ngày càng nhanh, mạnh và len lỏi vào mọi ngóc ngách của hoạt động truyền thông nói chung, truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số nước ta nói riêng với những hình thức biểu hiện mới và phạm vi tác động mới.

Về hình thức biểu hiện, càng ngày người ta càng nói nhiều đến “văn hóa truyền thông thời @” với sự trợ giúp của điện thoại, điện thoại thông minh (smart phone), máy vi tính, mạng internet cùng các phương tiện khoa học - kỹ thuật hiện đại khác khiến hình thành văn hóa truyền thông kiểu mới, khác với kiểu truyền thống (chủ yếu qua truyền thông trực tiếp và gián tiếp với sự trợ giúp của các phương tiện truyền thông thô sơ, lạc hậu).

Về phạm vi tác động, không chỉ tác động đến các hoạt động truyền thông trong đời sống thực mà còn trong đời sống “ảo” (trên mạng internet, qua các trang mạng xã hội, kênh chia sẻ thông tin…) của người dân ở vùng dân tộc thiểu số; tác động không chỉ trong lúc thực hiện hoạt động truyền thông mà cả sau khi hoạt động truyền thông đã được thực hiện hoặc đã hoàn thành bởi người dân và người thực hiện hoạt động truyền thông, cũng như bất kỳ người nào trên thế giới có thể giao tiếp, tương tác, phản hồi với nhau qua điện thoại, hoặc mạng internet, đặc biệt qua Facebook, Twitter, Youtube...

Tác động của văn hóa đối với hoạt động truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số nước ta đã được khẳng định và thể hiện không chỉ trong quá khứ, mà còn ở hiện tại cũng như sẽ còn tiếp tục trong tương lai. Tất nhiên, hoạt động truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số nước ta trong giai đoạn hiện nay không chỉ chịu tác động từ văn hóa, mà còn từ chính trị, kinh tế, xã hội… Tất cả tạo thành tổng thể tác động có sự đan xen, tương tác, ảnh hưởng lẫn nhau, đòi hỏi hoạt động truyền thông cần chú trọng đến tổng thể các yếu tố, không nên quá coi trọng hay thiên lệch yếu tố nào bởi sẽ dễ dẫn đến những bất bình đẳng, mâu thuẫn, xung đột…, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của hoạt động truyền thông cả trước mắt lẫn lâu dài.

Đồng thời, với sự đa dạng và khác biệt về văn hóa của các cộng đồng dân tộc trên đất nước ta, đòi hỏi hoạt động truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số cần có sự chọn lựa, chọn lọc các giá trị văn hóa để vừa đảm bảo bình đẳng, đa dạng văn hóa, tránh sa vào định kiến, vị chủng, không đi ngược lại các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm các nhu cầu, lợi ích chính đáng của người dân và hướng đến các giá trị văn hóa phổ quát của nhân loại: chân - thiện - mỹ. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động truyền thông, tăng cường nhận thức, hướng đến những hành động tích cực của người dân vùng dân tộc thiểu số nhằm mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững các cộng đồng dân tộc, góp phần thúc đẩy sự phát triển vững bền của đất nước, con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

 Như Sỹ, Đình Thành, Đỗ Khôi, Quốc Tiến, Thu Hằng