Lâu nay dân ta có câu “Nói hay như đài” hay “Báo đăng đây này” với hàm nghĩa tích cực: Đã là đài nói, báo đăng thì chỉ có đúng, trung thực, chính xác. Thế nên có một thời người dân từng động viên, cổ vũ nhau học tập, làm theo những điều đài nói, báo đăng.
Niềm tin mà đông đảo thính giả, khán giả, độc giả dành cho các cơ quan báo chí từng là niềm vinh dự, tự hào của những người cầm bút chân chính!
Từ khi bước vào thế giới mở cửa, hội nhập, trước trào lưu “ngành ngành ra báo, nghề nghề ra báo”, báo chí bỗng “trăm hoa đua nở”. Thực tế đó có mặt tích cực là góp phần làm cho thông tin đời sống xã hội sôi động hẳn lên, công chúng có thêm cơ hội lựa chọn “món ăn tinh thần” phù hợp với nhu cầu, sở thích và môi trường thông tin cũng đa dạng, phong phú hơn.
Nhưng trước guồng quay nghiệt ngã của cơ chế thị trường, nhiều cơ quan báo chí, nhất là các báo có xu hướng chạy theo thị trường, báo mạng điện tử muốn tồn tại đòi hỏi phải lao vào cuộc chạy đua tìm kiếm thông tin - thậm chí là “cuộc chiến” cạnh tranh thông tin - vô cùng quyết liệt.
Trong cuộc chạy đua đó, có người tỉnh táo, minh mẫn, biết giữ “đạo cầm bút” và “lòng thẳng dạ ngay”, bền bỉ bước tiếp con đường đã chọn một cách đường đường chính chính. Tuy nhiên, cũng có người hấp tấp, vội vàng, lại thiếu kiên tâm giữ “lửa nghề” và bị chuếnh choáng, liêu xiêu bởi “cái bả” vật chất, danh lợi nên đã “sa chân, lỡ bước”, tự đào thải chính mình và “phản bội” cái nghiệp đã một thời từng thiết tha say đắm.
Những hiện tượng như thế không chỉ khiến hàng ngũ những người cầm bút và nghề báo tổn thất, mà mất mát lớn hơn chính là niềm tin của công chúng với báo chí, với nhà báo bị lung lay, chao đảo!
Ngày nay tốc độ truyền tải thông tin ngày càng trở nên nhanh chóng, lan tỏa cực mạnh, đến với rất nhiều đối tượng trong cùng một lúc. Do đó, một thông tin sai có thể tạo ra những hệ lụy khó lường. Khi ấy, không chỉ một độc giả (thính giả, khán giả), mà hàng nghìn, hàng vạn độc giả cũng sẽ vợi bớt tình cảm, niềm tin nơi báo chí.
Thực tế là từng có những thông tin sai trái trên báo chí do không được ngăn chặn kịp thời, đã “nhân bản, tăng tốc” chóng mặt khiến có lúc, có nơi rơi vào tình trạng khủng hoảng truyền thông, làm rối ren, phân tâm dư luận xã hội. Do đó hơn lúc nào hết, người cầm bút nói riêng và báo chí càng phải luôn trung thực, thận trọng và có trách nhiệm trước những thông tin của mình đưa ra trước công chúng.
Sự thật báo chí phải vì sự phát triển của đất nước. Ảnh minh họa |
Hiểu đúng về sự thật của báo chí
Sự thật thường được hiểu là diễn biến đúng như thật, trạng thái chân thực của sự việc diễn ra hay trạng thái đúng như thật của hành động diễn ra. Hiểu đơn giản hơn, sự thật là bản chất cốt lõi của sự vật hiện tượng.
Báo chí ngay từ khi ra đời đã mang trong mình sứ mệnh cao cả là thông tin, phản ánh đúng sự thật. Vì vậy, sức mạnh của báo chí trước hết là ở sự thật, nằm trong sự thật. Không thông tin, phản ánh những gì sự thật vốn có, báo chí không còn lý do để tồn tại.
Tuy vậy, sự thật trong hoạt động báo chí cần hiểu một cách biện chứng. Bởi không phải sự thật nào cũng công khai, nhất là những sự thật liên quan đến bí mật an ninh quốc gia, bí mật quân sự - quốc phòng và những vấn đề có ảnh hưởng mật thiết, tác động trực tiếp đến vận mệnh của cộng đồng nói chung, của mỗi số phận con người nói riêng.
Với báo chí cách mạng, những sự thật được thông tin, tuyên truyền chỉ có ý nghĩa, giá trị khi mang lại lợi ích chính đáng cho đại đa số người dân, vì sự phát triển ổn định của đất nước và phẩm giá tốt đẹp của con người. Xem nhẹ, hạ thấp điều căn bản đó sẽ làm cho báo chí đi “chệch hướng” và tự gây tổn hại đến chính mình.
Làm báo không đơn giản là một nghề thuần túy, mà hơn thế, đó là một sứ mệnh. Sứ mệnh đó thể hiện ở chỗ: Thông tin báo chí có tác động, ảnh hưởng tích cực (hoặc tiêu cực) đến dư luận xã hội, tâm thế xã hội. Thông tin báo chí thuộc phạm trù tinh thần nhưng có thể biến thành “lực lượng vật chất” nếu nó khơi thông đúng dòng chảy xã hội, kết nối sức mạnh cộng đồng thông qua việc thường xuyên gieo trồng, nuôi dưỡng, bồi đắp niềm tin cho công chúng.
Khi báo chí chủ động định hướng dư luận, tạo dựng “bệ đỡ tinh thần” cho công chúng có niềm tin tích cực, đồng thuận về tư tưởng và hành động, sẽ góp phần thúc đẩy xã hội phát triển tiến lên. Điều này hoàn toàn có cơ sở vì thực tế đã cho thấy, hầu hết công chúng tìm đến báo chí là tìm đến thông tin, muốn cậy nhờ thông tin, hưởng thụ thông tin để mong muốn sống hữu ích hơn, học tập tốt hơn, lao động sản xuất hiệu quả hơn, được “tắm mình” trong “bầu khí quyển thông tin” trong lành, văn minh hơn.
Những người làm báo cần nhận thức thấu đáo vấn đề này để bảo đảm những thông tin mình đưa ra đủ sức lôi cuốn, hấp dẫn công chúng ở những điều nhân văn, tốt đẹp ấy. Thông tin báo chí đưa ra chính xác, kịp thời, bổ ích bao nhiêu sẽ mang lại sự hài lòng cho công chúng bấy nhiêu.
Một khi nhà báo bền bỉ, thành tâm nuôi dưỡng niềm tin, ngày ngày tháng tháng- thông qua những tác phẩm báo chí tốt đẹp của mình- để gieo trồng niềm tin cho công chúng, vun đắp niềm tin cho xã hội, thì nhất định sẽ được công chúng và xã hội dành trọn tình cảm mến yêu và tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho báo chí hoạt động. Lúc đó, giới báo Việt Nam tự tin trở lại với niềm hãnh diện từ lời đánh giá “Nói hay như đài”, “Báo đăng đây này” mà công chúng từng cất lên từ tấm lòng chân thật, niềm tin hồn hậu của mình.
Hoàng Hải