Với đặc thù là huyện vùng cao, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhiều phong tục tập quán, hủ tục lạc hậu còn tồn tại. Chính vì vậy, trong những năm qua cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Hoàng Su Phì luôn quan tâm chú trọng đến công tác xây dựng văn hóa, con người trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trọng tâm là xóa bỏ các phong tục, hủ tục lạc hậu..
Ngay khi tỉnh ủy Hà Giang ban hành Chỉ thị 09-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong bài trừ các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030, huyện ủy Hoàng Su Phì đã vào cuộc quyết liệt, thường xuyên để duy trì công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn gia đình, người thân, bạn bè và nhân dân trên địa bàn quyết tâm thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.
Để triển khai, thực hiện tốt Chỉ thị 09-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết 27-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sớm đi vào cuộc sống, huyện Hoàng Su Phì đã triển khai, quán triệt nội dung chỉ thị, nghị quyết đến các chi, đảng bộ trực thuộc và toàn thể cán bộ, đảng viên; ban hành 76 văn bản nhằm cụ thể hóa nội dung Chị thị 09-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết 27-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương, trong đó có Nghị quyết số 10-NQ/HU ngày 27/7/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về thực hiện xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc huyện Hoàng Su Phì giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Xoá bỏ những tập tục lạc hậu đã hằn sâu vào cuộc sống của người dân, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số là một bài toán khó. Việc đầu tiên Hoàng Su Phì bắt tay vào làm là phân biệt giữa nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng và các hủ tục lạc hậu trong cuộc sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc để bài trừ, cải tiến và làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng người dân cùng chung tay xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.
Từ đó, thành lập 04 tổ công tác đi rà soát, khảo sát thực tế tại 24 xã, thị trấn. Các Tổ công tác đã trực tiếp đến tận các thôn, hộ gia đình gặp người dân để khảo sát các trình tự, thủ tục, phong tục, tập quán của 8/13 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn huyện là Nùng, Tày, Dao, Mông, La Chí, Clao, Phù Lá… để thống kê theo 04 lĩnh vực liên quan đến “việc cưới, việc tang, lễ hội và nếp sống sinh hoạt”.
Tiếp đó, huyện đã tổ chức hội thảo “Bài trừ các hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021 - 2025” quy mô cấp huyện, thu hút 150 người tham dự là các nghệ nhân, thầy mo, thầy cúng cùng bàn thảo, nhận diện những nội dung nào là hủ tục, phong tục lạc hậu cần thay đổi, cải tiến, bài trừ, xóa bỏ; nội dung nào là nét đẹp văn hóa truyền thống, lễ hội mang bản sắc dân tộc cần gìn giữ, lan toả.
Sau khi hoàn tất việc nhận diện, Ban Chỉ đạo huyện, xã tích cực vào cuộc chỉ đạo, phát động tổ chức triển khai được 3.227 buổi tuyên truyền tại cơ sở bằng nhiều hình thức khác nhau như tuyên truyền trực tiếp; tuyên truyền trên loa phát thanh của xã, qua các kênh mạng xã hội; các hội nghị, hội thi, các buổi sinh hoạt chi bộ.
Với phương châm “để người dân tự nói với người dân”, các cơ sở cấp xã đã chủ động xây dựng các tiểu phẩm sân khấu, cán bộ và nhân dân trong thôn, xã trực tiếp tham gia đóng vai tuyên truyền và thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu gây lãng phí, tốn kém, ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe, tinh thần của người dân như: Người chết chưa đưa vào áo quan, giết mổ nhiều gia súc, tổ chức đám tang dài ngày, tục ném cơm trong đám tang; tục cúng bói giải hạn; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; chuồng trại gia súc để trước cửa nhà; tục bắt vợ, kéo vợ; tục té nước chú rể trong lễ cưới; tục thách cưới cao…
Đặc biệt, không chỉ chung tay nhận diện hủ tục, tại Hoàng Su Phì, các nghệ nhân, các thầy mo, thầy cúng, người có uy tín, người am hiểu về phong tục tập quán đã tích cực vào cuộc, trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào các dân tộc thực hiện tốt các nội dung cần cắt giảm, cải tiến, bài trừ các phong tục lạc hậu. Từ đó, giúp cộng đồng các dân tộc nâng cao nhận thức, ý thức và thay đổi theo hướng phù hợp, văn minh.