Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Anh Cầm ra đi ở tuổi vẫn còn ngập tràn cảm hứng sáng tác

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là con người của thi ca. Cả cuộc đời anh đã đem đến những câu ca đẹp nhất về tình yêu, con người về sự sống. Anh đã dâng hiến cho cuộc đời những bài thơ hay, để lại nhiều cảm hứng đối với giới thi ca. 

Nếu nói nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã thay đổi cả gương mặt của văn xuôi đương đại thì nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã đem đến một tinh thần mới mẻ, những câu thơ mãnh liệt vượt qua cả biên giới.

{keywords}
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là người em thân thiết với cố nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.

Tôi có rất nhiều kỷ niệm về anh, nhưng tôi nhớ nhất vào năm 1993, khi anh được nhận giải thưởng của Hội nhà văn cho tập thơ Xúc xắc mùa thu. Năm ấy tôi cũng được nhận giải thưởng dù chỉ mới bước chân vào thi ca. Lúc ấy nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã rất nổi tiếng và tôi khi ấy cực kỳ ngưỡng mộ anh. Sau này, nhà thơ có nói rằng: “Giải thưởng năm đó rất trọn vẹn, mỗi người một vẻ nhưng cộng lại là chân dung thơ ca của những năm tháng đó”. Kể từ đó chúng tôi trở thành anh em thân thiết và chia sẻ với nhau rất nhiều điều.

Những năm gần đây, tôi biết sức khỏe của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm không được tốt lắm do ảnh hưởng của bệnh phổi, nhưng không ai có thể nghĩ anh ra đi sớm như thế. Hoàng Nhuận Cầm ra đi ở cái tuổi vẫn còn tràn ngập cảm hứng sáng tác. Chỉ cách đó mấy ngày, được nghe anh nói, nghe anh đọc thơ mà vẫn thấy ở anh là năng lượng của một chàng trai tuổi 18.

Sự ra đi của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là một mất mát to lớn, nhưng anh đã để lại những cột mốc quan trọng trong thi ca và văn học Việt Nam. Nếu anh còn sống, tôi tin rằng những tác phẩm sau này của Hoàng Nhuận Cầm sẽ sâu sắc hơn nữa và có thể đạt được những tầng cao của nghệ thuật hơn. Sẽ rất khó tìm được nhà thơ nào có thể thay thế và theo đuổi được anh.

NSND Lý Thái Dũng: Tôi có trách nhiệm với các con đang học ngành Đạo diễn của nhà thơ

Tôi gặp anh Hoàng Nhuận Cầm ở nhà giáo sư văn học Nguyễn Đức Nam. Nhóm quay phim chúng tôi chơi thân với anh Nguyễn Đức Việt là con của giáo sư. Anh Cầm là một trong những người rất ngưỡng mộ thầy.

Giáo sư Nguyễn Đức Nam có một tập thơ mang tên Tình bạn, tình yêu và thơ, trong đó có in hai bài thơ của anh Cầm là: Chiếc lá đầu tiên và Khóc đồng đội. Bác Nam có tặng tôi một cuốn và tôi yêu thơ của anh Cầm từ đó.

Chúng tôi biết anh Cầm như thế, yêu thích thơ của anh và dần trở thành những người bạn bè thân thiết. Chúng tôi gắn bó với nhau rất lâu, trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, từ những năm 80 cho đến khi tôi trở về làm Hãng phim truyện Việt Nam. Gần đây, tôi biết anh yếu đi rất nhiều.

Thế nhưng, khi lái xe đi làm, tôi vẫn thường nghe anh Cầm dẫn một chương trình VOV trên radio. Chứng kiến sự ra đi của một người anh lớn là một nỗi buồn khó nói thành lời. Anh từ giã cõi trần là một mất mát lớn, không chỉ của gia đình, những người yêu thơ mà của cả những thế hệ sinh viên quay phim của tôi, những người ngưỡng mộ người lính chiến trường Quảng Trị những năm 1972.

{keywords}
NSND Lý Thái Dũng.

Anh Cầm có hai người con trai đang học chuyên ngành Đạo diễn – Điện ảnh tại ngôi trường mà hiện nay tôi đang làm trưởng khoa. Những năm tháng còn sống, anh có nói với tôi một điều: "Hai chàng trai của anh, nếu nó yêu nghề đạo diễn thì phần đó là phần của Dũng". Giữa chúng tôi không cần nói quá nhiều, chỉ một câu nói cũng khiến tôi đủ hiểu về trách nhiệm của mình cũng như của thế hệ các chàng trai quay phim, làm sao để phát huy niềm đam mê điện ảnh trong hai người con trai của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Đó cũng là cách để tôi chia sẻ tình cảm với anh và các con của anh.

Nhà văn Bình Ca: Bạn đọc sẽ nhớ mãi Cầm cùng những dòng thơ đầy lửa cháy

Gia đình của nhà văn Bình Ca có mối quan hệ thân tình với cố nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Sau khi viếng người anh thân thiết, ông nán lại khá lâu để viết trong cuốn sổ tang: "Sáng nay, gia đình cố nhà văn Hữu Mai đã đưa tiễn người Cầm gọi là Mẹ lên an nghỉ ở nghĩa trang Lạc Hồng Viên. Cuộc đời thật ngắn ngủi, vô thường.

Chỉ vài hôm trước, Cầm còn ngồi với gia đình trong giỗ 49 ngày của mẹ. Vậy mà hôm nay Cầm đã đột ngột ra đi. Mẹ, và cả cha, sẽ đón Cầm ở nơi đấy, lại cùng Cầm nói chuyện tâm tình và đàm đạo văn chương. Vĩnh biệt Cầm. Điều quan trọng nhất đối với người nghệ sĩ là sau khi họ ra đi, tác phẩm của họ sẽ đọng lại trong lòng mọi người. Bạn đọc sẽ nhớ mãi Cầm cùng những dòng thơ đầy lửa cháy”.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sinh năm 1952. Ông đột ngột qua đời vào chiều 20/4 vì suy hô hấp. Sự ra đi của “bác sĩ hoa súng” Hoàng Nhuận Cầm khiến giới văn chương và cả những người yêu thơ của ông bàng hoàng, đau xót.

Phương Linh 
Ảnh: Hoàng Dương

Trung Hiếu, Bùi Bài Bình và giới văn chương tiễn biệt Hoàng Nhuận Cầm

Trung Hiếu, Bùi Bài Bình và giới văn chương tiễn biệt Hoàng Nhuận Cầm

Chiều 24/4, đông đảo văn nghệ sĩ và người yêu thơ đã đến Nhà tang lễ thành phố để chào vĩnh biệt nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.