Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến của người tiêu dùng băn khoăn về dòng chữ "Dành riêng cho thị trường Việt Nam. Không được xuất khẩu" xuất hiện trên bao bì của nhiều sản phẩm thuộc công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam.

Dòng chữ này hiện được in trên bao bì của lon cũng như chai nhựa một số sản phẩm như Coca-Cola, Fanta, Sprite.

Trong khi đó, nhiều sản phẩm của các thương hiệu nước giải khát khác trên thị trường cạnh tranh với Coca-Cola hay chính dòng sản phẩm nước đóng chai Dasani, nước tăng lực Aquarius của công ty này không hề xuất hiện thông tin "không được xuất khẩu".

Chị Minh Tú (23 tuổi), một khách hàng thường xuyên sử dụng các loại nước giải khát có gas, tỏ ra bất ngờ khi phát hiện thông tin này. "Tại sao lon Coca ở Việt Nam lại không được xuất khẩu? Tiêu chuẩn khác nước ngoài hay sao?", chị Tú thắc mắc.

{keywords}
Dòng chữ "Dành riêng cho thị trường Việt Nam. Không được xuất khẩu" trên lon sản phẩm Coca-Cola và Fanta.

Trong khi đó, giá bán các lon Coca trong nước thấp hơn tương đối nhiều với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ nước ngoài. 

Ví dụ, một lon Coca với thể tích 500 ml nhập khẩu từ Nhật Bản được bán tại Việt Nam với giá 49.000 đồng. Trong khi đó, một lon Coca Cola được sản xuất trong nước với thể tích 330 ml nhưng bán với giá chỉ có 9.000 đồng.

Thành phần nguyên liệu in trên bao bì giữa 2 lon Coca Cola sản xuất ở Việt Nam và Nhật cũng khác nhau.

Đại diện Coca-Cola Việt Nam khẳng định dòng chữ "sản phẩm Coca-Cola được sản xuất tại Việt Nam chỉ được dùng riêng cho thị trường Việt Nam" không thể hiện sự chênh lệch về chất lượng của các dòng sản phẩm.

"Điều này chỉ đảm bảo sự công bằng về hoạt động kinh doanh bán hàng cũng như phát triển thị trường của các đối tác đóng chai ở các quốc gia khác nhau".

Hãng khẳng định tất cả sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam đều được kiểm soát chặt chẽ theo đúng quy trình nghiêm ngặt, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định về chất lượng của Bộ Y tế cũng như các quy định nghiêm ngặt hơn từ chính tập đoàn.

Cách đây không lâu, việc hơn 18.000 chai tương ớt Chinsu của công ty hàng tiêu dùng MasanMSN0.0% bị thu giữ tại Nhật vì chứa chất bảo quản axit benzoic trong khi tiêu chuẩn tại Việt Nam và một số quốc gia khác cho phép chất phụ gia này xuất hiện trong sản phẩm với nồng độ không quá 1 g/1 kg làm dấy lên nhiều ý kiến lo ngại về việc tiêu chuẩn cho sản phẩm tại Việt Nam thấp hơn những nước khác. 

(Theo Zing)