Chạy xe hàng chục km để đặt rau, đu đủ, chuối sạch hay phải lọ mọ từ sáng sớm để tìm mối lấy hàng hóa bán…hành trình tìm hàng hóa buôn bán tăng thu nhập của chị em công sở không hề đơn giản.
Thức khuya, dậy sớm bán hàng
4 rưỡi sáng, tôi theo xe chị Ngọc An (42 tuổi) ở Thanh Xuân, Hà Nội để ra bến xe Mỹ Đình lấy hàng hóa từ quê gửi lên bán cho bạn bè, đồng nghiệp cùng cơ quan từ tuần trước đó đã đặt mua của chị. Nào là thit bò, thịt lợn, trướng gà, giò, chả và một ít bánh đa… tất cả những loại này đều là thực phẩm sạch, được gửi ra từ Nghệ An - quê của chị An và do tự tay người nhà chị tự đi đặt hàng, tự nuôi và đóng gói.
“Trước đây mình chỉ nhờ bố mẹ mua rồi gửi ra cho gia đình dùng. Nói chuyện ở cơ quan, ai cũng thích và nhờ mua hộ. Thôi thì đằng nào cũng một công lụi cụi ra bên xe từ sáng sớm , mình mua giúp luôn chị em”, chị An cho hay.
|
Tuần nào đều đặn 3 - 4 giờ sáng chị Ngọc An đều ra bên xe để lấy hàng từ quê gửi ra |
Chị Ngọc ở Chính Kinh (Thanh Xuân, Hà Nội) quê gốc ở Hà Giang, cũng cho biết, vì sợ thực phẩm bẩn nên nên chị thường nhờ người nhà ở quê gửi thực phẩm xuống Thủ đô để dùng dần trong cả tuần. Hàng xóm, đồng nghiệp cơ quan thấy vậy cũng gửi tiền nhờ chị mua hộ.
Thấy nhu cầu cao trong khi nguồn hàng ở quê vừa nhiều lại rẻ nên chị quyết định mở thêm một trang website trên mạng để bán thực phẩm sạch.“Buổi tối ở nhà, tôi tranh thủ chụp ảnh những món hàng bán. Lên cơ quan tôi chỉ việc đăng chúng lên rồi chào mời chị em mua hàng. Tất cả những mặt hàng này đều là của người nhà, họ hàng tôi làm ra để ăn nên đảm bảo hàng sạch, chất lượng tốt”, chị Ngọc cho hay.
Mỗi tuần, cứ hai ngày, mẹ chị ở quê đều đặn gửi hàng xuống Hà Nội cho chị. Khách muốn mua đồ khô như nám, măng thì lúc nào cũng sẵn, nhưng là thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt vịt… thì phải đặt trước vài ba ngày vì không bảo quản được lâu nên không có sẵn.
Rồi chị Ngọc cho hay: “ Để vừa có thời gian làm việc, vừa có thời gian đi lấy hàng tôi thường phải dậy từ 3h, 4h sáng để chia nhỏ, đóng gói. Đến 7 giờ sáng lại tất bật ăn uống để đi làm. Trưa thì ăn vội vài miếng rồi lại đi giao hàng, chiều làm xong cơ quan cũng thế, tranh thủ giao hàng đến khi về được đến nhà đã 7, 8 giờ tối mới lo đi ăn cơm, tắm giặt, xong xuôi để được đi ngủ cũng gần nửa đêm, chợp mắt được 3, 4 tiếng lại đi lấy hàng cho ngày hôm sau. Quanh năm trong cái vòng luẩn quẩn đó, ngày nắng ráo còn đỡ chứ những hôm rét mướt, mưa gió vẫn phải đi, mệt lắm!”.
Bị khách hàng gạ…tình
Chính vì tâm lý muốn tăng thêm thu nhập mà không ít chị em đã xao nhãng công việc chính của mình. Họ tìm mọi cách để buôn bán, tìm những mối hàng hóa giá bèo kiếm lời cao. Từ đây, những câu chuyện dở khóc dở cười cũng xuất hiện.
|
Chị em công sở cũng mang vác như con buôn thực thụ |
Hải Minh là nhân viên kinh doanh cho công ty Bất động sản, thế nhưng do không tìm kiếm được nhiều khách hàng, lương lại giảm nên chị phải nhập thêm một số mặt hàng quần áo từ Quảng Châu về bán.
Ban đầu chị bán cho những mối quen biết và tranh thủ vào giờ nghỉ trưa, thế nhưng dần dà thấy có lời nên chị nhập hàng về với số lượng nhiều và công khai rao bán trên mang internet để nhiều người biết đến. Cũng từ đây, chị thường xuyên xao nhãng công việc chính của mình ở cơ quan, toàn bộ thời gian chỉ dành riêng cho việc update hàng, trả lời và giải thích với khách hàng.
Vì công khai bán hàng trên mạng nên chị gặp rất nhiều khách hàng khó tính. Chị chia sẻ: “Có khách hàng nói chuyện thô lỗ, cộc cằn, thậm chí còn quát tháo, bảo tôi là lừa đảo khi tôi gửi quần áo cho họ mặc không hài lòng. Có khách cá biệt hơn còn kỳ kèo giảm giá. Khi tôi không chịu thì đòi trả lại hàng, những khách như thế, tôi cũng phải nhún nhường chấp nhận không có lãi ”.
|
Nhiều chị em tất bật thức khuya dậy sớm để dọn hàng hóa |
Không chỉ thường xuyên gặp phải các khách hàng khó tính mà một số chị em còn bị nhiều "thượng đế" khiếm nhã quấy rầy.
Chị Ngọc sau khi bán thực phẩm cho nhiều chị em trong cơ quan, chị còn lấn sân sang bán đồ lót. Từ khi bán hàng này, chị bị nhiều khách hàng gạ gẫm, rủ đi nhà nghỉ. “ Vì bán đồ lót nên hơi nhạy cảm, lại có cả số điện thoại tôi rao bán khi cần liên hệ. Lần đó tôi bị một ông khách gọi điện tới gạ gẫm rủ tôi đi nhà nghỉ. Có khách kinh khủng hơn còn gọi điện bắt tôi phải mặc đồ lót theo mẫu cho ông ta xem thì ông ta mới chịu mua đồ".
Ngoài chuyện người mua có thái độ bất lịch sự thì nhiều chị em đều từng bị khách "bùng tháo chạy", không chịu lấy hàng đã đặt. Nguyên do thì rất đa dạng nhưng thường là khách không mặc vừa, không thấy đúng mẫu hoặc chỉ đơn giản là không thích nữa...
Chị Hoài Thương cũng từng bán hàng chia sẻ: “ Chuyện khách đổi trả lại hàng đã đặt là chuyện bình thường. Tuy nhiên nhiều khách không lấy hàng cũng chẳng thanh toán tiền vận chuyển. Một số khách khác thì "bùng" không lấy, trốn trong nhà, kiên quyết không ra nhận đồ dù chúng tôi gọi điện nhiều lần. Số khác còn tắt máy, block (chặn) facebook... Thậm chí có khách còn tìm cách chơi khăm bằng cách hẹn lấy đồ ở địa chỉ vu vơ”.
Bên cạnh đó, nhiều chị em mải mê với việc buôn bán nên đã phần xao nhãng công việc cơ quan. Chị Trần Tâm, nhân viên một công ty truyền thông ở Hà Nội chia sẻ: “Bỗng dưng cơ quan xuất hiện hàng loạt đầu mối cung cấp hàng, đủ thứ từ quần áo, giày dép đến bánh kẹo, gạo, gà, rau xanh, trứng... Chị em nhập buôn về bán cho nhau, hoặc lấy hàng từ quê lên bán nên cứ đầu giờ sáng, giờ nghỉ trưa, hoặc ngay cả trong giờ làm việc cũng tranh thủ tiếp thị nguồn hàng, rồi mang hàng cho nhau xem, xì xào bàn tán, cân đong đo đếm, thử mẫu, ăn thử... nhiều lúc thấy đau cả đầu”.
Chị Thùy Linh, nhân viên khác thì cho hay : “Bán hàng dù là ở thời gian nào cũng một phần ảnh hưởng tới công việc. Có lần tôi bị sếp bắt gặp trốn việc tay xách nách mang đi giao hàng cho khách. Bây giờ nhắc lại vẫn thấy sợ, may mà lần ấy không bị đuổi việc”.
Hạnh Thúy
(còn tiếp)