Hoàng Đình Giong, người dân tộc Tày, sinh ngày 1/6/1904, tại làng Thâm Hoáng, xã Hạ Hoàng (nay là phường Đề Thám, thị xã Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng). Ông là một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng được giác ngộ cách mạng, đặc biệt là người trực tiếp gây dựng nên Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Cao Bằng.

Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của ông gắn liền với những chiến công hiển hách của dân tộc, đất nước.

Ngay từ nhỏ, ông đã sớm có tinh thần yêu nước, chống thực dân Pháp. Những năm 1925-1926, theo học Trường Bách nghệ ở Hà Nội, ông hoà mình vào cuộc đấu tranh của thanh niên trí thức tham gia phong trào bãi khoá tại Hà Nội và tham gia tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Sau khi bị thực dân Pháp đuổi học, ông trở về quê hoạt động cách mạng và tổ chức tuyên truyền tư tưởng yêu nước.

{keywords}
Ảnh tư liệu

Năm 1927, Hoàng Đình Giong ra nước ngoài để bắt liên lạc với tổ chức Hội. Tháng 12/1929, ông cùng Hoàng Văn Thụ và Hoàng Văn Nọn được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và thành lập chi bộ ở Long Châu (Trung Quốc). Ngày 1/4/1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập. Hoàng Đình Giong đã xây dựng Cao Bằng thành cầu nối giữa Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng với phong trào cách mạng trong nước. 

Từ năm 1932 - 1935, ông đã có nhiều đóng góp trong chỉ đạo, khôi phục phong trào cách mạng, chắp nối liên lạc các cơ sở Đảng ở Bắc Kỳ. 

Tháng 2/1936, ông bị bắt và bị thực dân tra tấn rất dã man, bị tuyên án 5 năm tù giam tại các nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La, Bắc Mê (Hà Giang). Năm 1941, mãn hạn tù, biết ông là cán bộ cấp cao của Đảng, nên thực dân Pháp đày ông đến đảo Madagascar (châu Phi). Năm 1944, ông vượt ngục. Năm 1945, Đảng bộ Cao Bằng cử ông làm Trưởng Ban khởi nghĩa và giành được chính quyền cách mạng.

Cách mạng thành công, Hoàng Đình Giong được Bác Hồ và TƯ Đảng giao nhiều trọng trách: Tháng 10/1945, Chỉ huy trưởng bộ đội Nam tiến, Tổng Chỉ huy Mặt trận Sài Gòn - Gia Định; tháng 11/1945 làm Chủ nhiệm Chính trị Bộ (Chính uỷ) Quân giải phóng Nam Bộ. Sau đó được bổ nhiệm làm Khu Bộ trưởng Khu 9, Khu Bộ trưởng Khu 6.

Tháng 5/1947, trong khi đang làm nhiệm vụ tại Sở Chỉ huy Khu bộ Khu 6, bị địch tấn công bất ngờ, ông đã chiến đấu dũng cảm và anh dũng hy sinh.     

Ghi nhận những cống hiến và công lao đóng góp to lớn của ông Hoàng Đình Giong đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, năm 1998, Đảng và Nhà nước đã truy tặng Huân chương cao quý - Huân chương Hồ Chí Minh. Năm 2009, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Cao Bằng vinh dự và tự hào là quê hương cách mạng, quê hương thứ 2 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là quê hương anh hùng Hoàng Đình Giong - người chiến sĩ cộng sản trung kiên, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để tưởng nhớ và ghi tạc công lao to lớn của ông, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng Khu di tích lưu niệm Hoàng Đình Giong ở làng Nà Toàn, phường Đề Thám (quê nội ông). Khu di tích được xây dựng với các hạng mục trang nghiêm, trở thành địa chỉ quen thuộc để các thế hệ trẻ tổ chức sinh hoạt giáo dục truyền thống.

{keywords}
Khu lưu niệm ông Hoàng Đình Giong tại TP Cao Bằng

Kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương cách mạng, học tập tấm gương Hoàng Đình Giong, tỉnh Cao Bằng không ngừng đoàn kết, nỗ lực phấn đầu hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra qua các nhiệm kỳ Đại hội, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta gần 9 thập kỷ qua.

Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của ông Hoàng Đình Giong (1/6/1904-1/6/2019), chào mừng 74 năm Ngày Quốc khánh, 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ôn lại cuộc đời cách mạng và công lao, đóng góp to lớn của ông, chúng ta càng thêm tin tưởng, tự hào và tỏ lòng tri ân sâu sắc tới Đảng, Bác Hồ và các thế hệ đi trước.

Người bắt sống tướng De Castries kể chuyện nửa đêm Bác Hồ tới thăm

Người bắt sống tướng De Castries kể chuyện nửa đêm Bác Hồ tới thăm

Nửa đêm, lúc 6 chiến sĩ Điện Biên đang ngủ say, một ông cụ đến bên giường giắt màn cho họ, ông hỏi thăm sức khỏe khiến ai nấy đều rưng rưng.

Thành Nam