Kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương với Văn phòng Chính phủ là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử.
Được ban hành tháng 10/2015, Nghị quyết 36a của Chính phủ hướng tới mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hiệp quốc. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
Thông tin về tình hình thực hiện Nghị quyết 36a tính đến trung tuần 9/2017, Văn phòng Chính phủ vừa cho biết, đối với nhiệm vụ kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản của bộ, ngành, địa phương với hệ thống của Văn phòng Chính phủ, đã có 26/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản tới Văn phòng Chính phủ, hình thành một hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất, thông suốt từ trung ương đến địa phương, cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa các cơ quan.
Là đơn vị chủ quản hệ thống quản lý văn bản 4 cấp chính quyền, Văn phòng Chính phủ đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện nhiệm vụ kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản. Để đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống, việc trao đổi văn bản điện tử trong hệ thống sẽ phải áp dụng chữ ký số.
Văn phòng Chính phủ cho hay, tính đến cuối tháng 9/2017, đã hoàn thiện liên thông gửi nhận văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số chuyên dùng với UBND 3 tỉnh, thành phố gồm TP.HCM, Đà Nẵng và Quảng Ninh.
Tiếp đó, từ ngày 5/10/2017, Văn phòng Chính phủ tiếp tục gửi nhận văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số chuyên dùng với các Bộ: Y tế; Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND 5 tỉnh Bắc Ninh, Long An, Bình Định, Gia Lai và Đắk Lắk.
Theo kế hoạch, trong quý IV năm nay, Văn phòng Chính phủ tiếp tục hoàn thiện liên thông với 2 Bộ Công Thương, Xây dựng và UBND 15 tỉnh, thành phố gồm Đồng Nai, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Hòa Bình, Hà Giang, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng.
Ngoài ra, Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục với các bộ, ngành, địa phương còn lại sớm hoàn thiện kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ.
Cùng với đó, thời gian qua, Văn phòng Chính phủ cũng tổ chức xây dựng và hoàn thiện quy chế gửi, nhận văn bản điện tử trên hệ thống quản lý văn bản 4 cấp chính quyền trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; đồng thời hoàn thiện dự thảo Nghị định một cwarl iên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý IV/2017.
Liên quan đến công tác đảm bảo an toàn thông tin cho Chính phủ điện tử, theo Văn phòng Chính phủ cho biết, thời gian qua, triển khai Luật An toàn thông tin mạng và Nghị định 85 ngày 1/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 05 ngày 16/3/2017 về hệ thống phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia và Quyết định 632 ngày 10/5/2017 ban hành Danh mục 11 lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên đảm bảo an toàn thông tin mạng và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.
Có hiệu lực từ ngày 16/3/2017, Quyết định 05 quy định về hệ thống ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia được áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động ứng cứu sự cố bảo đảm an toàn thông tin mạng tại Việt Nam. Hệ thống thông tin do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định 05. Quyết định 05 được nhận định là một văn bản quan trọng, chi tiết, có giá trị đối với các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT, đặc biệt trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng.
Còn tại Quyết định 632, cùng với ban hành Danh mục 7 hệ thống thông tin quan trọng quốc gia thuộc các lĩnh vực thông tin và chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ban hành Danh mục 11 lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên đảm bảo an toàn thông tin mạng. Theo đó, 11 lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin mạng gồm có: giao thông; năng lượng; tài nguyên và môi trường; thông tin; y tế; tài chính; ngân hàng; quốc phòng; an ninh, trật tự an toàn xã hội; đô thị; chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.