Những năm gần đây, biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra khốc liệt, thời tiết dị biệt xuất hiện nhiều hơn. Việt Nam nằm trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng bởi hạn hán, mưa lũ… Thế nên, những thông tin dự báo khí tượng thuỷ văn không chỉ giúp chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại từ thiên tai, mà còn là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng cho các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Đơn cử, trong nông nghiệp, dữ liệu khí tượng thuỷ văn cung cấp nhiệt độ, lượng mưa trung bình, số giờ nắng, độ ẩm, nhiệt độ chi tiết theo từng thời kỳ mùa vụ. Mặt khác, dữ liệu còn có thể cảnh báo sâu bệnh và dự báo năng suất cây trồng dựa trên điều kiện thời tiết. Từ đó, người nông dân có thể đưa ra những kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo năng suất và chất lượng nông sản.
Theo thống kê của Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), hiện cả nước có 7.315 đập, hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích trữ khoảng 15,2 tỷ m3 (chưa tính các hồ chứa thủy điện).
Thế nên, dữ liệu dự báo khí tượng thuỷ văn còn là cơ sở để thực hiện điều tiết lượng nước ở các hồ đập, đáp ứng nhiều nhiệm vụ trọng yếu như: cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt kết hợp cắt, giảm lũ và phục vụ đa mục tiêu như cấp nước phát điện, tạo không gian phát triển điện mặt trời, nuôi trồng thủy sản…
Theo ông Hà Ngọc Tuấn- Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên danh KIV - Weather Plus, có thể ứng dụng Trí tuệ nhân tạo - AI trong dự báo khí tượng thuỷ văn. Tuy nhiên, muốn ứng dụng công nghệ số này cần xây dựng cơ sở dữ liệu đầu vào đầy đủ.
Từ đó có thể thấy việc sử dụng công nghệ số và các hệ thống hỗ trợ trong quản lý hồ chứa là yếu tố quan trọng, ông nhấn mạnh.
Weather Plus đang áp dụng toàn bộ kỹ thuật và tiêu chuẩn của Nhật Bản để tăng độ chính xác trong tính toán và vận hành, chuyên môn hóa dự báo, nhằm phục vụ dự báo nước mưa về hồ trước khi có cơn lũ.
Hiện nay, có khoảng 40 hồ chứa lớn nhỏ chạy thương mại và thử nghiệm các hệ thống hỗ trợ vận hành hồ chứa (HNT). Ông Tuấn cho biết, với ngành thủy điện, hệ thống chứng minh hiệu quả khi kinh tế cao, giúp tăng thu nhập từ 3-15% thông qua tiết kiệm nguồn nước. Với ngành thủy lợi đã có những thử nghiệm ban đầu, như tại hồ Định Bình (Bình Định), hệ thống này đã giúp tiết kiệm được 100 triệu m3 nước cho vụ đông xuân 2019.
Ngoài ra, HNT cũng được đánh giá là một công cụ quan trọng, giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên nước, điều tiết lũ an toàn và giảm thiểu việc xả lũ không cần thiết. Hệ thống này còn đóng vai trò thiết yếu trong việc tăng hiệu quả hoạt động của các công trình thủy lợi, thủy điện.
Cùng với đó, hệ thống HNT sẽ xây dựng các kịch bản ứng phó với thiên tai, đưa ra các dự báo có độ chính xác cao về lũ lụt, hạn hán hay các biến đổi khí hậu khác. Việc áp dụng các công nghệ số hóa giúp HNT ứng nhanh trong các tình huống khẩn cấp, tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên nước bền vững trong dài hạn.
Tuy nhiên, để phát triển và duy trì các hệ thống HNT thành công, ông Tuấn cho rằng cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước và khu vực tư nhân. Sự hợp tác này không chỉ giúp xây dựng cơ sở hạ tầng và các chính sách quản lý phù hợp, mà còn tạo điều kiện để Việt Nam xây dựng thu thập bộ dữ liệu dự báo nhanh chóng và đầy đủ nhất.
Liên quan đến vấn đề xây dựng Cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) khẳng định, đã và đang đầu tư xây dựng, hoàn thiện những cơ sở dữ liệu này.
Theo đó, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn đang phối hợp với Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường thực hiện xây dựng và từng bước hoàn thiện Cơ sở dữ liệu khí tượng thuỷ văn trong khuôn khổ dự án “Xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường (giai đoạn I)”.
Sau khi hoàn thành việc xây dựng, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thực hiện tích hợp Cơ sở dữ liệu khí tượng thuỷ văn với các nền tảng kết nối và chia sẻ dữ liệu theo đúng quy định của pháp luật.