Nhanh chóng xử lý sự cố kịp thời

Trước đó, theo đúng quy trình kỹ thuật đối với nhiều tình huống đã từng xảy ra, ngay khi hệ thống quan trắc thông tin cho thấy hiện tượng tuyến cáp quang AAG hoạt động không được ổn định, VNPT đã chủ động thông báo cho các doanh nghiệp có liên quan biết trình trạng sự cố; tích cực làm việc với Ban điều hành quản lý tuyến cáp các nước có liên quan triển khai những biện pháp ứng phó; định tuyến, san tải sang các tuyến khác, bù đắp lưu lượng sụt giảm.

VNPT thực hiện san tải, định tuyến lưu lượng qua hướng ưu tiên trên tuyến cáp đất liền qua Trung Quốc; làm việc với các đối tác quốc tế mở Backbone ứng cứu trên hệ thống ALU mới đầu tư để lưu thoát lưu lượng, kết nối trực tiếp với Google nhằm đáp ứng đủ nhu cầu về dung lượng, đảm bảo chất lượng ổn định cho người sử dụng Internet.

VNPT hiện là doanh nghiệp viễn thông duy nhất có hệ thống hạ tầng truyền dẫn hoàn chỉnh với cáp quang biển, cáp đất liền và vệ tinh. VNPT cũng có phương án đầu tư tuyến cáp quang biển mới, giảm bớt sự phụ thuộc vào tuyến AAG, cung cấp dịch vụ băng thông rộng, bảo đảm an toàn hệ thống. 

VNPT sẽ dùng cáp quang APG để thay thế cho AAG

Theo thông tin từ VNPT, trong thời gian tới doanh nghiệp này sẽ dùng cáp quang APG để thay thế AAG. APG - (Asia Pacific Gateway) là tuyến cáp quang biển nối từ Singapore, Malaysia, qua Đà Nẵng (Việt Nam) tới Nhật Bản, có băng thông dự kiến 54 Tb/s (gấp gần 20 lần so với mức 2,88 Tb/s của AAG). Tổng chiều dài của tuyến cáp APG là 10.400 km.

Cùng với những nhà mạng lớn của Nhật Bản (NTT Docomo), Trung Quốc (China Telecom, China Unicom), VNPT và một doanh nghiệp khác là những nhà đầu tư chính của tuyến cáp này. Tổng giá trị đầu tư toàn tuyến là khoảng 600 triệu USD.

Khi đi vào hoạt động, APG sẽ giúp đảm bảo lưu lượng băng thông truy cập ra quốc tế đang tăng nhanh tại Việt Nam, kết nối trực tiếp với các nền kinh tế lớn trong khu vực Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hong Kong, tạo vòng ring đi quốc tế của VNPT và các doanh nghiệp khác; tăng khả năng dự phòng cho các kênh quốc tế đang hoạt động như AAG…

Dự án xây dựng tuyến cáp này khởi công từ tháng 5/2009, đang triển khai đúng lịch trình và dự kiến được đưa vào khai thác tháng 4/2016.

Ngoài ra, VNPT cũng phối hợp với các đối tác khác mở rộng dung lượng tuyến SMW3 (SEA-ME-WE 3); đầu tư xây dựng mới tuyến AAE1 (Asia Africa Euro 1), có tổng chiều dài 25.000 km, nối từ Việt Nam và các nước châu Á đến châu Âu, châu Phi. Dự kiến, 3/2017 tuyến này sẽ được đưa vào khai thác.

Với sự đầu tư của VNPT và  các doanh nghiệp khác, chắc chắn sẽ không có tình trạng mất liên lạc, đảm bảo an toàn vững chắc thông tin kết nối Việt Nam với quốc tế.

AAG là hệ thống cáp quang biển có chiều dài 20.000 km, dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Tuyến cáp quang được đưa vào khai thác từ năm 2009, đi qua Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong, Philippines và Hoa Kì (Guam, Hawaii và California).

Trong đó tuyến AAG là tuyến cáp quang biển xuyên Thái Bình Dương đầu tiên nối trực tiếp Malaysia, Thái Lan, Singapore, Brunei, Việt Nam, Hong Kong, Philippines, Guam, Hawaii và Mỹ. AAG là kết quả sự hợp tác của 19 công ty viễn thông, trong đó có 4 doanh nghiệp Việt Nam là VNPT, Viettel, FPT và SPT, cùng tham gia xây dựng và bảo dưỡng. Tuyến cáp có chiều dài 20.191km (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314km) với tổng chi phí đầu tư khoảng 560 triệu USD, trong đó VNPT với tư cách thành viên sáng lập là doanh nghiệp Việt Nam góp vốn nhiều nhất, 40 triệu USD. AAG được chính thức đưa vào phục vụ từ ngày 10/11/2009. NEC và Alcatel-Lucent là hai công ty được giao phụ trách hoạt động khai thác tuyến cáp

Việt Nam hiện có 4 tuyến cáp quang biển quốc tế cập bến gồm: AAG (Asia-America Gateway) và TGN-IA (TGN-Intra Asia Cable System) cập bến tại trạm Vũng Tàu, SMW3 (SEA-ME-WE 3) và APG (Asia Pacific Gateway) cập bến tại Đà Nẵng.