Ý kiến được nêu ra tại Diễn đàn Người lao động năm 2023 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn” do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Văn phòng Quốc hội tổ chức chiều 28/7.

Hoan nghênh doanh nghiệp giảm giờ làm xuống 44 giờ/tuần

Ông Lại Hoàng Dũng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Samsung Electronic (tỉnh Bắc Ninh) nhắc lại năm 2019, khi thông qua Bộ luật Lao động, Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu đề xuất giảm thời gian làm việc bình thường với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần.

Theo ông Dũng, đây cũng là mong muốn của hầu hết công nhân, để họ có thêm thời gian chăm sóc gia đình và tái sản xuất sức lao động. Quy định này cũng đảm bảo công bằng giữa lao động làm việc trong khu vực Nhà nước (40 giờ/tuần) và khu vực doanh nghiệp (48 giờ/tuần), trong khi hầu hết các nước đã duy trì chế độ làm việc 35-40 giờ/tuần.

Ông Dũng phân tích thêm, việc giảm giờ làm rất cần thiết cho người lao động, khi các doanh nghiệp cần huy động làm thêm giờ, người lao động luôn sẵn sàng nhằm nâng cao thu nhập và giúp doanh nghiệp đáp ứng đơn hàng.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh 

Còn theo bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, việc khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động là không mới.

Bộ luật Lao động trước đây đã khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện thời giờ làm việc thấp hơn 48 giờ/tuần. Tuy nhiên, quy định này vẫn chỉ là khuyến khích chủ sử dụng lao động áp dụng.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, đây cũng là trăn trở của các cơ quan quản lý lao động và hoan nghênh các công đoàn cơ sở thông qua thỏa ước lao động tập thể đã ký kết với người sử dụng lao động về việc giảm thời gian lao động đối với người lao động từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần.

Bà đề nghị công đoàn tiếp tục phát huy, nhân rộng mô hình, cách làm hay đối với việc giảm thời gian làm việc trong tuần của người lao động. 

Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những người không dám làm

Là công chức ở TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, ông Đoàn Trung Hiếu chia sẻ lo lắng về thực trạng né tránh, sợ trách nhiệm làm chậm tiến độ công việc, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và nhân dân. 

Nêu thực tế, cải cách hành chính đang được đẩy mạnh, nhưng thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp và việc làm của người lao động, ông Hiếu đề nghị tăng cường giám sát, xử lý vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Triệu Văn Cường thừa nhận đây là việc “ai cũng biết”. Vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, Thủ tướng đã có 3 công điện chấn chỉnh tình trạng này.

Theo ông Cường, Bộ Nội vụ cùng các cơ quan đang xây dựng nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

“Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để đội ngũ cán bộ phục vụ nhân dân tốt hơn”, Thứ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức theo hướng nâng cao chất lượng, bổ sung làm rõ thêm trách nhiệm công chức và người đứng đầu; dự thảo Nghị định ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ.

Cùng với đó, theo ông Cương cần đẩy mạnh cải cách hành chính công vụ, tăng cường kiểm tra hoạt động công vụ, xử lý nghiêm cán bộ né tránh, thoái thác công việc, kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy, thay đổi vị trí công tác những người không dám làm; biểu dương người năng động, sáng tạo.

Bà Hoàng Thị Nguyệt Thu, Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc

Bà Hoàng Thị Nguyệt Thu, Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm đến chính sách tinh giản biên chế và cho rằng, tinh giản biên chế hiện nay chưa đảm bảo mục tiêu “giảm nơi thừa và người yếu”. 

“Có cơ quan, trường học còn thiếu nhân lực, cần biên chế mà vẫn phải giảm, không được tuyển mới, dẫn đến áp lực công việc cho các công chức, viên chức rất lớn. Có nơi, không giảm được người có năng lực yếu, dẫn đến bức xúc”, bà Thu dẫn chứng.

Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Triệu Văn Cường cũng thừa nhận, kết quả tinh giản biên chế dù cơ bản đạt yêu cầu về giảm số lượng nhưng chưa đạt về chất lượng. 

Vì vậy, tới đây, cần tiếp tục sắp xếp cơ cấu bộ máy hành chính tinh gọn, nhất là bộ máy bên trong và cấp trung gian; thu gọn đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập; nâng cao tự chủ tài chính; hoàn thiện vị trí việc làm.

Cùng với đó, là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; lấy hiệu quả công việc để đánh giá xếp loại. Từ đó tinh giản những người không hoàn thành nhiệm vụ.