- Trước đây từng có tranh cãi khá gắt gao về việc một trường chuyên ở Vĩnh Phúc yêu cầu học sinh phân tích bài hát “Lạc trôi” của ca sĩ Sơn Tùng M-TP. Hoặc, việc đưa nhân vật Chi Pu vào đề kiểm tra Ngữ văn lớp 10 của Trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ) vẫn đang gặp sự phản đối là chủ yếu.

Có người hỏi: “Chi Pu là ai? Có đóng góp gì không? Tại sao lại bắt các em hóa thân thành Chi Pu? Chẳng lẽ các thầy/ cô muốn biến môn Văn thành một công cụ học sinh trình bày những hả hê, cay cú với một nhân vật trong làng giải trí?”.

Phải khẳng định, đối với giáo dục phổ thông thì việc giáo dục, kiểm tra và đánh giá đều phải dựa trên những qui định, chuẩn mực đã được xác định.

Những đề thi cử trên đây có phải là một sự dập khuôn máy móc, có phần nào đó sai về quan điểm giáo dục không?

Dẫu biết, học văn thì rất cần những chất liệu mang tính gần gũi với hiện thực cuộc sống. Có điều, hãy nhớ là mở chứ không phải “thoáng” và đó phải là những hiện thực tinh lọc, có giá trị nâng cao năng lực thẩm mỹ, hướng tới mục đích nhận thức, giáo dục nhân cách cho học sinh.

Ấy vậy mà, những chuyện vẫn được xem là ‘tầm phào’ trong đời sống showbiz, những chuyện chưa xác định tính đúng đắn khoa học… lại được khuếch trương trong những đề thi, đề kiểm tra chính thức ở các trường phổ thông.

Xin thưa, môn văn không phải là một “diễn đàn Facebook” mở rộng, không phải là nơi cụ thể hoá những câu chuyện ngoài quán trà chanh. Làm như thế thì chẳng khác gì đang nhặt nhạnh mọi thứ hiện thực xô bồ, thậm chí không giá trị để mang vào môi trường học đường.

Nói cách khác, để kích thích được trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo về mặt giáo dục cũng như tính sư phạm, các thầy cô hoàn toàn có thể ra những đề thi với các hiện tượng tích cực hơn của đời sống.

Còn biết bao sự vật, hiện tượng rất nhân văn, rất tinh tế, rất phổ biến trong xã hội cơ mà.

Đừng biến các em học sinh – những nhà nghiệp dư về âm nhạc phải đánh giá về âm nhạc. Không phải nhà khoa học đi đánh giá về một ý tưởng khoa học.

Khi đề thi luôn được “hóa thân” vào những sự vật hiện tượng ‘tầm phào’, dễ trở thành trò “lố”.

Lầu Thanh (giảng viên đại học)

Đề kiểm tra học kỳ 1 năm học 2017-2018 môn Ngữ văn lớp 10 của Trường THPT Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ:

Câu 2 (chiếm 7 điểm)

Chi Pu tên thật là Nguyễn Thùy Chi. Cô bắt đầu nổi danh từ cuộc thi Miss Teen năm 2009, hiện là một hot girl được nhiều bạn trẻ yêu thích. Tháng 10 vừa rồi, Chi Pu tung MV "Từ hôm nay" đánh dấu chuyển mình trở thành ca sĩ. Ngay lập tức, cô vấp phải nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Hương Tràm là người đầu tiên đưa ra quan điểm mạnh mẽ: “Không biết hát thì đừng mang nghề ca sĩ ra để kiếm tiền”. Tóc Tiên, Thanh Lam, Thu Minh, Quốc Thiên, Văn Mai Hương... cũng có cùng quan điểm. Không chỉ vậy, ảnh chế về cô xuất hiện ở khắp nơi. Những đoạn clip xuyên tạc thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.

Mặc cho dư luận “ném đá”, giọng ca “Từ hôm nay” cho biết cô không bị ảnh hưởng nhiều bởi điều này. Hiện, cô vẫn tập luyện thanh nhạc để chứng minh con đường mình chọn là đúng, mỗi tháng cô sẽ cho ra mắt một MV".

Qua đó, đề yêu cầu học sinh hãy hóa thân vào Chi Pu, viết một bài văn tự sự có sử dụng yếu tố biểu cảm kể về một ngày của mình sau khi ra mắt MV “Từ hôm nay”.

Đề thi này sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội, đã nhận được sự quan tâm của nhiều người với những bình luận trái chiều. Trong đó, nhiều ý kiến không ủng hộ đề thi dạng này bởi không mang tính giáo dục cao.
 
Chia sẻ với VietNamNet, nhiều giáo viên cho rằng điểm được của đề văn này là cho học sinh được bày tỏ quan điểm và suy nghĩ riêng của mình, kích thích khả năng sáng tạo và thể hiện việc quan tâm đến các vấn đề thực tiễn của đời sống xã hội. Tuy nhiên, về mặt sư phạm, các giáo viên cho rằng đề thi này tính giáo dục không cao, đặc biệt còn liên quan đến việc các nghệ sĩ “ném đá” nhau. Do đó, nó có tác động không tốt về mặt giáo dục với các em.

Trong khi nhà trường và các thầy cô hoàn toàn có thể đưa những chất liệu, ví dụ thực tế, hiện tượng khác tích cực hơn của đời sống vào đề thi.

Cô Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, đề bài nói riêng và những tri thức cung cấp cho học sinh nói chung phải gần gũi với hiện thực cuộc sống. Tuy nhiên, đó phải là những hiện thực tinh lọc, có giá trị nâng cao năng lực thẩm mỹ, hướng tới mục đích nhận thức, giáo dục nhân cách cho học sinh chứ không phải đưa mọi thứ hiện thực xô bồ, thậm chí “rẻ tiền” đều cho vào.

Do đó, bản thân cô rất thất vọng khi có những đề thi như thế này.

“Những đề thi yêu cầu học sinh luận bàn về các hiện tượng của đời sống xã hội ngày càng trở nên quen thuộc, đem lại sự hứng thú cho thí sinh, góp phần đưa văn chương tới gần với cuộc sống. Những suy ngẫm sâu sắc, những hồi chuông báo động cho những tình trạng đạo đức bị băng hoại, méo mó hay những xúc cảm chân thành, tích cực... đã được tạo lập qua các đề thi gần đây.

Tuy nhiên, khi lạm dụng tâm lí đám đông, bỏ qua những yêu cầu chuẩn mực của môi trường sư phạm về đạo đức, thẩm mĩ..., đề bài có thể tạo hứng thú cho một bộ phận học trò nhưng lại không có giá trị định hướng cho xúc cảm thẩm mĩ, đạo đức tích cực vốn luôn là nhiệm vụ sư phạm của nhà trường. Những ngữ liệu đưa vào nhà trường, vào các đề thi, đặc biệt là các đề thi có tác động lớn tới tâm thế cộng đồng cần phải đảm bảo tính chuẩn mực, tính sư phạm, không giới hạn năng lực tư duy sáng tạo và quan điểm cá nhân nhưng cũng không được ảnh hưởng tới mục đích cao nhất của giáo dục là hướng tới Chân- Thiện- Mỹ. Do vậy, từ bản thân các phát ngôn, ca từ, hiện tượng xã hội...cho đến nguồn gốc xuất xứ của chúng luôn cần có sự lựa chọn thấu đáo, thận trọng trước khi trở thành ngữ liệu, học liệu trong nhà trường”.

Cô Tuyết cho rằng những việc ít nhiều gợi sự phản cảm về ca sĩ này, người mẫu kia...hoàn toàn có thể xuất hiện trong bài làm của học trò khi các em luận bàn về một vấn đề xã hội mang tính khái quát (như quan niệm về văn hóa, về giá trị bản thân, về ước mơ, hoài bão, về đồng tiền...), chứ không thể trở thành bản thân đối tượng luận bàn, nhất là trong những đề thi.

Thanh Hùng