Từ ngày 12-30/6, hoạ sĩ Nguyễn Quang Minh sẽ cùng 2 hoạ sĩ Vũ Anh và Nguyễn Thị Hoài Thương tham gia cuộc triển lãm Những khuôn mặt mới tại TP.HCM. Sau thời gian Covid-19, họ cùng trở lại trong một năng lượng tích cực, với bảng màu dịu nhẹ, tình cảm.
Là một hoạ sĩ thuộc thế hệ đầu 7X, sinh ra và lớn lên ở làng quê Bắc bộ nên dễ hiểu vì sao Nguyễn Quang Minh lại hướng cảm hứng sáng tác của mình đến đề tài thuộc về nông thôn và thiếu nữ. Khi thưởng thức tác phẩm thuộc đề tài thôn quê của anh, không khó để người xem có thể nhận ra rằng anh không hề có ý định tái hiện lại phong cảnh hoặc đời sống thôn dã. Mà ở đó Nguyễn Quang Minh đang bộc lộ sự mặc tưởng trầm tư của mình với một thứ làng quê rất khác, rất thanh tao, chập chờn về những hình ảnh trong tâm trí, tâm hồn.
Chữ “kiệm” đủ để mô tả về những gì mà Nguyễn Quang Minh thể hiện trên tranh: kiệm màu - kiệm nét - bố cục tối giản. Lối vẽ này của Nguyễn Quang Minh làm nhiều người liên tưởng đến tranh của vài họa sĩ tối giản khác. Tuy nhiên, nơi hoạ sĩ 7X vẫn có điều gì đó rất tự nhiên. Anh không cố ý tạo nên những ký hiệu, biểu tượng theo kiểu sắp đặt sẵn. Mà ở đây hoạ sĩ tạo nên một thế giới sắc màu như thể đó là nét vẽ của những ánh nhìn rất hồn nhiên, thơ trẻ, ngây ngô. Thế nhưng điều ấy không hề qua loa hoặc đơn giản.
Những mảng trống trong tranh của anh làm người xem tự do chìm sâu vào những gợi tưởng mông lung, mơ hồ. Như người lớn cố nhớ lại những hồi ức thuở ấu thơ, chỉ còn vài đường nét hiện hữu, giữa những vùng trắng xám mênh mông của trí nhớ. Những nét gợi nhớ ấy tưởng như sắp chạm vào điều gì đó rất thân thiết nhưng kỳ thực lại vô định, khó gọi thành tên.
Với Minh, dường như việc bước qua những lằn ranh của kỹ thuật nhằm đạt tới độ cảm xúc lay động trong mỗi bức tranh mới là điều mà anh chú tâm. Như có lần nam họa sĩ đã chia sẻ: “Kỹ thuật hay chất liệu với tôi chỉ là phương tiện. Sự chuyển tải cảm xúc vào tác phẩm mới là điều quan trọng nhất”.
Còn đối với đề tài thiếu nữ, Nguyễn Quang Minh cũng đặc biệt chú trọng đến những cô thôn nữ đương thì. Cái hay của anh ở chỗ những thiếu nữ ấy hiện lên trong không gian tranh như những thực thể của mộng mơ của sự hồi tưởng miên man. Đó gần như là cái đẹp của sự tự nhiên, nguyên sơ, thuần khiết.
“Phụ nữ Á Đông dịu dàng sâu lắng, tôi yêu vẻ đẹp đó, trong sự mặc tưởng vô thức của mình. Vẽ tranh thiếu nữ cũng giống như yêu vậy, chẳng bao giờ có sự hoàn mỹ, chuẩn mực. Đôi khi chỉ là những dáng hình thoáng qua, chút nét duyên ngầm với nụ cười thoảng nhẹ”, nam họa sĩ từng chia sẻ.
Thiếu nữ của Quang Minh không đô thị hiện đại, vẫn cứ truyền thống như cách anh tự nuôi dưỡng và gợi nhớ trong mình. Có lẽ vì điều này mà các hình ảnh ấy làm người xem thấy quen, thấy gần. Những đường cong mượt mà trong dáng dấp tà áo, thế ngồi của cô gái chính là những khoảnh khắc mà góc nhìn trữ tình trong chàng hoạ sĩ trỗi dậy, trôi qua tâm trí.
Nguyễn Quang Minh không cố đi tìm thêm những chủ đề mới mà chỉ đang lặn sâu hơn vào những cảnh trí đang mỗi ngày một đầy lên trong anh. Đó là những cảnh trí của một chủ thể đa diện, đa chiều. Mỗi bức tranh như là một trích đoạn, một “minh hoạ”, một sự tái hiện cái chủ thể đa diện, đa chiều ấy. Điều này đòi hỏi người xem dường như phải kiên trì song hành với hoạ sĩ, nếu không, đôi khi ta lại vô tình lướt qua một mảnh ghép quan trọng - mảnh ghép góp phần định hình tâm hồn, cá tính nghệ thuật của Nguyễn Quang Minh.
Thúy Ngọc