Cách đây một tháng, tôi được tặng 2 bó hoa phi yến. Con gái tôi đã ngắt cánh hoa cho vào miệng sau đó con bị ngứa và sưng môi. Xin chuyên gia tư vấn giúp tôi vì sao có hiện tượng này. (Nguyễn Minh Hà - Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội).
Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (Hội Đông y Hà Nội) tư vấn:
Hiện tượng này chứng tỏ con của bạn đã bị trúng độc từ hoa phi yến. Nhiều cửa hàng hoa có thông báo các hoa có độc, chỉ cắm không được tiếp xúc gần, ngắt cánh hoa ăn. Tuy nhiên, một số người vẫn không biết điều đó.
Cây hoa phi yến là loài hoa được ưa chuộng ở châu Âu vì vẻ đẹp nhẹ nhàng, tươi tắn và thanh thoát. Hoa phi yến có màu sắc phong phú, gồm trắng, hồng, đỏ, tím, xanh hay màu pha lẫn, hoa phi yến được ưa chuộng trong các đám cưới, buổi tiệc, trang trí dịp Tết. Những cánh hoa phi yến giữ được màu và tươi rất lâu, trong khoảng 3 tới 4 tuần sau khi hái.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, tất cả loài phi yến đều có độc tố diterpene alkaloid. Chất này ức chế thần kinh, gây ngừng hoạt động các cơ, bao gồm cả tim, do đó có thể gây tử vong nếu tiêu thụ lượng đủ lớn.
Cây phi yến độc nhất trong thời kỳ đầu sinh trưởng, giảm dần khi trưởng thành. Độc tố tập trung nhiều nhất trong hoa, hạt và quả. Hai miligam hạt cây này đủ để giết chết một người trưởng thành. Các nhà khoa học hiện chưa có cách điều trị đặc hiệu với độc từ cây này.
Ngoài hoa phi yến, các loại hoa có độc người dân cần cảnh giác như hoa hồng môn, hoa loa kèn, cây vạn niên thanh, hoa trúc đào.
Đặc biệt, toàn thân cây hồng môn đều có độc tố Calcium oxalate và Asparagine. Thông thường, những chất này không gây ảnh hưởng gì đến chúng ta. Tuy nhiên, nếu trong nhà có trẻ nhỏ hoặc thú cưng, cần lưu ý khi trồng bởi nếu chúng ăn phải bất kỳ bộ phận nào của cây cũng gây ra bỏng rát họng, dạ dày và ruột. Lá hay hoa nếu nát dính vào da sẽ dễ tạo ban và rộp mụn nước.
Tất cả bộ phận của cây vạn niên thanh cũng đều có độc, nếu ăn phải dễ bị tê môi, đỏ lưỡi, nói khó, ngứa họng, đau rát, nôn mửa.