Đúng 14h ngày 2/9 tại Nhà hát Lớn, giây phút thiêng liêng của dân tộc, thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bài Quốc ca vang lên, mở màn Hòa nhạc Quốc gia Điều còn mãi 2024 do Báo VietNamNet phối hợp với IBgroup Việt Nam tổ chức sản xuất.

Quốc ca do nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng phối khí, Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời trình diễn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Pháp Olivier Ochanine, là điểm đặc biệt chưa từng có ở Điều còn mãi những năm trước.

dieuconmai1.jpeg
Hòa nhạc Quốc gia "Điều còn mãi" đặc biệt bởi các đại biểu và khán giả chào cờ, nghe Quốc ca trước khi thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật.

PGS. TS. Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương: May mắn và hạnh phúc được xem "Điều còn mãi"

W-6665879021bd86e3dfac.jpg
PGS. TS. Nguyễn Thế Kỷ

Tôi may mắn và hạnh phúc khi được xem Điều còn mãi từ những năm đầu tiên. Năm nào cũng thế, dù dịp Quốc khánh nghỉ dài hay ngắn, tôi luôn chọn ở lại Hà Nội để thưởng thức những thanh âm đẹp đẽ.

Đây là chương trình nghệ thuật có tầm vóc về chính trị, văn hóa và nghệ thuật. Từ ý tưởng đến thực hiện đều công phu, vừa mang tính hàn lâm, vừa gắn với đời sống đương đại. Mỗi năm, Điều còn mãi nương theo các sự kiện lớn của đất nước để điều chỉnh, nhưng mở màn luôn là Tiến quân ca.

Hòa nhạc Quốc gia Điều còn mãi là điểm gặp gỡ đầy xúc động và thiêng liêng. Tôi chia sẻ với Tổng biên tập Báo VietNamNet Nguyễn Văn Bá rằng chương trình đã trở thành một thương hiệu, một sự kiện văn hóa mang tầm quốc gia. Một năm chỉ diễn ra một lần, cùng nhau sống lại với lịch sử dân tộc qua âm nhạc và nghệ thuật. Điều đó giáo dục tâm hồn và tình cảm con người rất lớn lao.

Cảm ơn VietNamNet đã khơi gợi không chỉ riêng tôi mà với công chúng niềm tự hào dân tộc, tình cảm gắn bó với đất nước, nhân dân và quân đội ta.

Việc mời Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời với nhạc trưởng người Pháp biểu diễn trong Điều còn mãi năm nay là một nét độc đáo. Ngày độc lập của dân tộc, những con người từ hai đất nước đứng chung sân khấu, thân thiết như bạn bè. Âm nhạc và nghệ thuật giúp chúng ta kết nối và cùng hướng tới hòa bình.

Nhạc sĩ Doãn Nho: Bước tiến mới của âm nhạc Việt Nam

dieucomai2.jpeg
Nhạc sĩ Doãn Nho chúc mừng Tổng biên tập Báo VietNamNet vì buổi hòa nhạc thành công rực rỡ.

Toàn bộ chương trình toát lên được tính hiện đại, không kém nền âm nhạc thế giới nhưng hồn dân tộc vẫn đậm nét, hấp dẫn, chinh phục cả những khán giả khó tính nhất.

Các bài hát được dàn dựng đều mới mẻ, được nâng tầm qua cách tổ chức, biểu diễn, sắp đặt và ngôn ngữ âm nhạc, đặc biệt trong phối âm, phối khí của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng. Đây rõ ràng là một bước tiến mới của âm nhạc Việt Nam, rất đáng mừng!

Giáo sư Seo Jung Rock, Trưởng Khoa Lý luận - Đại học Nghệ thuật quốc gia Hàn Quốc: Việt Nam chào mừng Quốc khánh rất đặc biệt!

Lần đầu tiên thưởng thức hòa nhạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào thời khắc thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, tôi có cảm xúc đặc biệt. Tôi thấy các bạn tổ chức hòa nhạc chào mừng Quốc khánh rất ấn tượng. Ở Hàn Quốc, các chương trình nghệ thuật chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước thường sẽ thuần âm nhạc truyền thống.

Còn ở Điều còn mãi, tôi thấy các bạn kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại. Tôi rất vui vì lần đầu xem hòa nhạc tại Việt Nam nhưng có trải nghiệm trọn vẹn và thú vị.

W-DSC_2877.jpg
Nhóm Áo Lính biểu diễn bài "Hành quân xa".

Chuyên gia truyền thông Trần Đình Thành

Rất tiếc, nếu hôm nay có thêm vé, tôi sẽ cho con đi xem để biết thế nào là một chương trình tổng hòa của sự điêu luyện, tất cả đều vừa vặn, đỉnh cao. Ca sĩ không hề khoe giọng, hát vừa tầm nội lực. Dàn nhạc cũng vậy, các bản phối mới rất lạ khiến tôi ngạc nhiên.

Khi nhóm Áo Lính ra chào khán giả để thể hiện bài Hành quân xa, tôi nghĩ sẽ là bản nhạc hoành tráng, ầm ầm đúng như tính chất ra trận nhưng thực ra lại êm dịu. Bản phối mang lại vẻ đẹp rất mới cho bài hát cũ.

Clip: Nhóm Áo Lính với ca khúc "Hành quân xa'':

Tôi ấn tượng nhất tác phẩm Symphonic Poem Điện Biên Phủ. Khi nghe, tôi cứ nghĩ mãi không biết là người nước ngoài hay người Việt viết vì nó quá đẹp, quá hay, chỉn chu về ngôn ngữ, cách thể hiện. Bản nhạc vẽ ra cả bức tranh về Chiến thắng Điện Biên bằng âm nhạc, người thưởng thức như nhìn thấy tất cả từ đầu tới cuối chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" đó, kinh ngạc vô cùng!

Sau khi bản nhạc kết thúc, tôi mới biết đó là sáng tác của anh Trần Mạnh Hùng - một nhạc sĩ Việt Nam, Giám đốc âm nhạc của Điều còn mãi, thật tuyệt vời! Bản nhạc khiến tôi vấn vương, tự đặt câu hỏi: Nếu vặn ngược thời gian, những cây đại thụ của âm nhạc như Văn Cao, Đỗ Nhuận, xa hơn nữa như Mozart ngồi trong khán phòng hôm nay, họ sẽ nghĩ gì?

Clip giao hưởng thơ ''Điện Biên Phủ'': 

Một người Pháp đang chỉ huy dàn nhạc, biểu diễn ca khúc về Chiến thắng Điện Biên Phủ đã mang lại tính nhân văn rất cao, không còn phân biệt quốc tịch, người Pháp hay người Việt mà là con người với con người. Nó đẹp ở chỗ đấy!

Không phải tự nhiên khán phòng không còn chỗ trống, vé của chương trình lúc nào cũng được săn lùng. Đây là buổi hoà nhạc tuyệt vời, rất đáng để mong đợi.

Xin cảm ơn VietNamNet đã tổ chức một buổi hòa nhạc hay đến thế, xứng đáng tầm quốc gia. Cảm ơn Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời và các nghệ sĩ đã thể hiện sự điêu luyện của họ, nâng tầm Việt Nam lên với quốc tế.

box mới.png