Hướng đến mục tiêu xây dựng xã NTM nâng cao

Ngay sau khi được công nhận danh hiệu xã NTM, Hoà Mỹ chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao đời sống Nhân dân, trọng tâm là phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và khai thác hiệu quả nghề nuôi thuỷ sản. Trong đó, tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, kết hợp nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả để nâng cao năng suất, sản lượng thuỷ sản trên cùng diện tích sản xuất.

Để hướng đến mục tiêu xây dựng xã NTM nâng cao, xã Hoà Mỹ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng tôm nuôi trên cùng diện tích sản xuất. Cụ thể, vận động người dân chuyển đổi loại hình nuôi tôm thâm canh ao đất cho năng suất thấp, sang nuôi tôm theo hình thức siêu thâm canh đối với những hộ dân có đủ điều kiện về vốn, kỹ thuật và có diện tích đất nằm trong vùng quy hoạch để phát triển bền vững.

{keywords}
Hoà Mỹ: Mục tiêu đạt chuẩn xã NTM nâng cao sẽ không xa

Năm ngoái, tổng sản lượng thuỷ sản thu hoạch được trên 4.600 tấn, đạt 110% chỉ tiêu kế hoạch, tăng 1,35% so với năm 2018. Trong đó, tôm nuôi trên 3.200 tấn, chiếm gần 70% so với tổng sản lượng thuỷ sản thu hoạch được. Đây là đối tượng thuỷ sản mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần đưa đời sống kinh tế người dân không ngừng nâng lên.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người gần 50 triệu đồng, diện mạo nông thôn tiếp tục khởi sắc và giữ vững danh hiệu xã NTM.

Tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất để nâng cao năng suất

Theo ông Hà Phương Đông, Phó chủ tịch UBND xã Hoà Mỹ, thực hiện chủ trương nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, xã đang tuyên truyền bà con nông dân chuyển đổi diện tích nuôi tôm quảng canh truyền thống sang nuôi quảng canh cải tiến 2 giai đoạn. Ngoài ra, chỉ đạo các tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã nuôi thuỷ sản liên kết với các doanh nghiệp, cung ứng vật tư đầu vào phục vụ nông dân với giá thành hợp lý, giúp bà con nông dân tiết kiệm chi phí và hướng đến loại hình nuôi tôm sạch, nâng cao giá trị tôm nuôi.

Ông Lê Thanh Sử, ấp Thị Tường, xã Hoà Mỹ, cho biết, hiện gia đình đang áp dụng mô hình nuôi tôm thâm canh ao đất, nhưng thời gian gần đây mô hình này không còn phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế. Chính quyền địa phương tuyên tuyền, vận động nông dân chuyển sang nuôi tôm siêu thâm canh để nâng cao năng suất tôm nuôi trên cùng diện tích sản xuất, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

"Năm 2020 này tôi sẽ chuyển đổi một phần diện tích sang nuôi tôm theo hình thức siêu thâm canh. Tuy loại hình này đòi hỏi vốn đầu tư lớn nhưng bù lại có rất nhiều lợi ích cho bà con nông dân, như nhẹ công xử lý, cải tạo ao đầm, hạn chế được rủi ro thiệt hại và năng suất tôm nuôi cao gấp nhiều lần so với tôm nuôi thâm canh truyền thống", ông Sử cho biết.

Đối với các hộ dân ít đất sản xuất, không có điều kiện áp dụng loại hình nuôi tôm siêu thâm canh, chính quyền địa phương vận động bà con sản xuất theo hướng đa canh, kết hợp nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả sẵn có ở địa phương, tạo bước đột phá mới về năng suất, sản lượng thuỷ sản để phát triển kinh tế gia đình.

Ông Phạm Văn Thuận, ấp Thị Tường, xã Hoà Mỹ, chia sẻ: "Năm 2020, gia đình sẽ tổ chức lại hình thức sản xuất theo hướng đa cây, con trên cùng diện tích. Cụ thể, dưới vuông thả nuôi xen canh tôm, cua kết hợp. Còn trên bờ vuông trồng các loại rau màu vào mùa mưa. Cải tạo mương vườn nuôi cá chình, cá bống tượng và duy trì mô hình nuôi dê thương phẩm".

Với lực, quyết tâm cao của chính quyền địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu, gắn với sản xuất theo chuỗi liên kết để nâng cao giá trị mặt hàng tôm nuôi, đời sống kinh tế của người dân xã Hoà Mỹ không ngừng nâng lên, diện mạo nông thôn tiếp tục khởi sắc, mục tiêu đạt chuẩn xã NTM nâng cao sẽ không xa.

Diệu Bình
Ảnh: Bình Minh