Gừng là loại cây được trồng để lấy củ làm gia vị nấu ăn. Song, từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 9 Âm lịch hàng năm, người trồng gừng còn thu hoạch hoa đem bán. Mấy năm trở lại đây, loại hoa đặc sản ở các tỉnh miền núi xuất hiện nhiều hơn ở Hà Nội.
Thời điểm này đang rộ mùa nên hoa gừng được rao bán tràn ngập “chợ mạng”, giá dao động từ 40.000-60.000 đồng/kg. Các bà nội trợ tranh thủ đặt mua loại hoa đặc sản này về ăn, bởi mỗi năm chỉ có một mùa, hoa gừng cũng không thể bảo quản trong thời gian quá dài.
Trên diễn đàn nấu ăn những ngày gần đây, các món ăn nấu từ hoa gừng xuất hiện ngày càng nhiều. Hoa gừng không chỉ luộc mà còn có thể xào cùng thịt bò, hải sản, rang với thịt gà còn nhiều người còn đem xào với tóp mỡ ba chỉ.
Hoa gừng đang là mặt hàng gây sốt, được nhiều người chọn mua về ăn thời gian gần đây |
Chị Bùi Vân Hương ở Trần Đại Nghĩa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, vì thích mùi thơm của loại hoa gừng này nên tuần này chị cũng đặt mua 2-3 lần.
“Năm ngoái đặt mua khó, nhiều khi phải nhờ người quen ở Sơn La hay Điện Biên mua hộ. Còn năm nay thấy bán trên mạng rất nhiều, đặt hôm trước hôm sau có. Giá cũng không quá đắt đỏ”. Theo chị Hương, hoa gừng không chỉ để xào nấu các món ăn mà còn có thể cắm vào lọ để phòng khách tạo mùi hương rất thư thái, dễ chịu.
Cắm chơi được 2 ngày thì chị đem hoa gừng bóc bỏ lớp vỏ già bên ngoài, cuống hoa thì tước như rau bí lấy phần bên trong. Sau khi sơ chế xong thì chị thường cho vào xào thịt bò, nhưng ngon nhất vẫn cho vào rang cùng thịt gà. Bởi, từ trước đến nay, thịt gà luôn hợp với gừng.
“Hoa gừng xào ăn giòn, ngọt, không ăn như củ gừng, chúng có mùi thơm dịu nhẹ. Có ngày tôi chị sơ chế rồi cho vào luộc không ăn cũng hấp dẫn”, chị nói.
Nhiều người mua hoa gừng về cắm chơi cho thơm nhà |
Nhưng chủ yếu vẫn mua về để nấu ăn |
Chị Ngô Thanh Hải - một đầu mối bán đặc sản Tây Bắc ở Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) khoe, vì đang rộ mùa hoa gừng, hàng dồi dào, giá lại hạ nhiệt nên mỗi ngày chị bán được khoảng trên dưới 70kg, cuối tuần lượng hoa tiêu thụ còn lên tới cả tạ.
Vào đầu mùa, hoa gừng chưa có nhiều, giá lên tới 60.000 đồng/kg, giờ giảm còn 50.000 đồng/kg. Theo chị Hải, hoa gừng chị chỉ lấy đủ số lượng khách đặt, gần như không lấy dư bao giờ vì loại hoa này bên trong có tích nước, để qua ngày hôm sau sẽ bị hao hụt rất nhiều. Và quan trọng hơn, để hoa ở bên ngoài với nhiệt độ thường thì chỉ được 2-3 ngày, thời gian lâu hơn dễ bị thối hỏng.
“Loại hoa đặc sản trên núi cao này đang đắt khách, nhưng mỗi năm chỉ có một mùa kéo dài khoảng gần 2 tháng”. Chị tiết lộ, với lượng hoa gừng bán ra như hiện nay, sau khi trừ hết chi phí chị lãi khoảng 1,5-2 triệu đồng/ngày.
Anh Hoàng Tuấn Bảo, chuyên bán đặc sản Sơn La tại chợ chung cư ở khu vực Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), thừa nhận, hoa gừng đang được dân chung cư khu nhà anh chuộng ăn nên anh tranh thủ nhờ bố mẹ trên Sơn La gom mua rồi chuyển xuống đây bán.
Theo anh Bảo, vì chỉ bán ở chợ chung cư nhà mình nên anh thường nhận đặt hàng trước rồi 2 ngày trả đơn một lần. Mỗi lần trả khoảng 50-60kg hoa.
Hoa gừng hút khách mua, có người bán được cả tạ mỗi ngày |
“Đây chỉ là công việc kiếm thêm thu nhập. Nhưng với lượng hoa gừng bán ra từ 150-200kg mỗi tuần, trừ đi tiền gốc, chi phí vận chuyển, tôi kiếm được khoảng 3-5 triệu đồng/tuần tùy thời điểm”, anh tiết lộ.
Tại các khu chợ đầu mối online, hoa gừng có nguồn gốc từ Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Thanh Hóa,... đang được rao bán với số lượng lớn, giá từ 15.000-25.000 đồng/kg tùy loại.
Trao đổi với PV. VietNamNet, chị Đào chuyên bỏ sỉ hoa gừng ở Điện Biên cho biết, chị đang giao sỉ hoa gừng cho các đầu mối ở Hà Nội với giá 25.000 đồng/kg, tiền vận chuyển về Thủ đô cho mỗi thùng hoa mất thêm 100.000 đồng.
Hoa gừng được chị gom mua của người dân bán tại các khu chợ phiên ở Điện Biên. Song, nguồn hàng mua được phụ thuộc hoàn toàn vào lượng hoa người dân hái được.
Cứ mỗi người dân bán 2-3kg, một phiên chợ chị gom được khoảng 40-50kg, chính mùa thì lượng hàng sẽ mua được nhiều hơn. Hàng gom mua được đến đâu chuyển đi cho các mối lấy sỉ đến đó, nhiều lúc cũng không đủ hàng vì hoa gừng đang vào cuối vụ, chị cho hay.
Lưu Minh