Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Alondra Nelson thuộc Hội đồng Khoa học Quốc gia của Hoa Kỳ về cách Mỹ thực hiện để phát triển AI và những gợi ý cho sự phát triển khoa học, công nghệ ở Việt Nam. Bà được tạp chí Time vinh danh trong 100 nhân vật ảnh hưởng thế giới về trí tuệ nhân tạo.
Theo bà, các chính sách khoa học ở Mỹ đã được xây dựng, triển khai như thế nào trong thời gian qua mà nước Mỹ luôn đi đầu trong lĩnh vực này?
Bà Alondra Nelson: Khoa học và công nghệ đóng vai trò rất quan trọng đối với hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, các vấn lĩnh vực của một quốc gia. Có thời, nhiều người từng nghĩ, chính sách công nghệ tách biệt khỏi các chính sách khác nhưng những năm gần đây, thì khác. Khoa học và công nghệ cũng chính là các vấn đề chính sách của toàn bộ các lĩnh vực khác và được nêu ra toàn diện.
Các chính quyền Mỹ luôn có quan điểm, các chính sách về tăng trưởng kinh tế, tài chính, nông nghiệp, y tế… luôn phải dựa vào chính sách khoa học, đổi mới, nghiên cứu và phát triển. Chính phủ đóng một vai trò hữu ích trong việc thúc đẩy, hỗ trợ cộng đồng hiểu biết và sẵn sàng cho công nghệ.
Tháng 11 năm 2022, Hoa Kỳ ra mắt ChatGPT cho toàn thế giới. Chatbot sẽ phát triển rất nhanh tới đây.
Một phần công việc mà tôi đã làm trong hơn 2 năm qua là phát triển một sáng kiến có tên là Bản thiết kế cho Dự luật về Quyền của AI. Đây là một bộ nguyên tắc của Nhà Trắng về loại hình sử dụng AI an toàn và phù hợp cho mọi việc từ chăm sóc sức khỏe, việc làm đến an ninh quốc gia. Một tháng trước khi ChatGPT được giới thiệu, chúng tôi đã công bố bản thiết kế cho Dự luật về Quyền của AI.
Nó thể hiện trọng tâm trong suy nghĩ của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ. Chính quyền của Tổng thống Barak Obama trước đây đã nghiên cứu về AI. Chính quyền ông Trump đầu tiên đã thực hiện nhiều công việc quan trọng về AI. Chính quyền của ông Biden tiếp tục phát triển AI trên các nền tảng của hai chính quyền trước.
Bà có thể chia sẻ về các xu hướng hoặc công nghệ nổi bật mà bà nghĩ sẽ định hình sự phát triển khoa học và công nghệ của Mỹ trong thập kỷ tới?
Bà Alondra Nelson: Hiện nay chúng ta sử dụng cụm từ công nghệ mới khá thường xuyên. Nhiều công nghệ mới trực tuyến được phát triển trong khu vực tư nhân mà không nhất thiết phải do các trường đại học phát triển. Đó là một số phát triển thú vị.
Vì vậy, một số ưu tiên chiến lược trong các trường hợp sử dụng AI, từ an ninh quốc gia đến chăm sóc sức khỏe, giáo dục, y tế,… là trách nhiệm và đạo đức.
Chúng tôi cũng đang nghiên cứu về khoa học lượng tử và khoa học thông tin lượng tử. Làm thế nào chúng ta có thể sử dụng các trạng thái lượng tử, vật lý lượng tử để giúp tạo ra hình ảnh y tế nhạy bén hơn, mạnh mẽ hơn? Một loạt câu hỏi đặt ra là đối với các hệ thống GPS nằm trong các vệ tinh trên đầu chúng ta giúp chúng ta giữ nguyên vị trí và thời gian không? Khoa học lượng tử có thể giúp chúng ta có độ chính xác cao hơn không? Nếu những vệ tinh đó bị nhiễu thì liệu có thể có một loại khoa học khác giúp giải quyết vấn đề đó không? Khoa học lượng tử có thể giúp chúng ta thực hiện các phép tính và các quy trình khác nhanh hơn không?
Hay các vấn đề quan trọng khác xoay quanh sản xuất sinh học và kỹ thuật sinh học. Thử suy nghĩ về sự giao thoa của các loại khoa học sinh học, nhưng các trường hợp sử dụng của chúng không chỉ cho những lĩnh vực nông nghiệp, mà còn là các hình thức tổng hợp sinh học. Ví dụ, chúng ta có thể sử dụng các loại thực vật và nguyên tố khác nhau từ sinh học để tạo ra các loại vật liệu khác nhau, an toàn hơn cho các loại ứng dụng khác nhau.
Tất nhiên, nghiên cứu và phát triển cho khoa học cần nhiều năng lượng. Trong thời gian tôi ở Nhà Trắng, chúng tôi đã đưa ra chiến lược 10 năm hoặc thậm chí là một thập kỷ cho năng lượng nhiệt hạch. Và vì vậy, làm thế nào chúng ta có thể cố gắng để có được năng lượng xanh vô tận hoặc năng lượng sạch. Năng lượng nhiệt hạch có thể là một trong những cách chúng ta thực hiện điều đó.
Khu vực tư nhân phát triển khoa học công nghệ hơn khu vực công
Bà có thể chia sẻ về những chiến lược chính của Mỹ để duy trì vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ toàn cầu?
Bà Alondra Nelson: Tôi là thành viên của Hội đồng Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ. Đây là cơ quan quản lý giám sát Quỹ Khoa học Quốc gia, là nguồn tài trợ cho nghiên cứu và phát triển khoa học lớn của Hoa Kỳ.
Hội đồng đưa ra các tư vấn cho Tổng thống và Quốc hội về khoa học. Hội đồng có các báo cáo được công bố hai năm một lần có tên là Chỉ số Khoa học và Kỹ thuật. Báo cáo này thu thập rất nhiều dữ liệu liên quan đến khoa học và kỹ thuật.
Một báo cáo năm ngoái có một số dữ liệu xu hướng thực sự thú vị: Trong 20 năm trở lại đây, ngày càng có nhiều nghiên cứu và phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới được thực hiện nhiều trong khu vực tư nhân và ít thực hiện trong khu vực công do chính phủ tài trợ. Chính phủ không nên cạnh tranh với doanh nghiệp.
Từ báo cáo đó, chúng tôi cho rằng, nếu muốn các doanh nghiệp làm ăn lớn và xây dựng các sản phẩm tuyệt vời thì hãy để họ nghiên cứu và phát triển.
Đây là một sự thay đổi quan trọng khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân đang thực hiện nghiên cứu và phát triển. Tôi nghĩ đã đến lúc các chính phủ phải suy nghĩ về những phần nghiên cứu mà chính phủ nên tài trợ. Ví dụ, doanh nghiệp sẽ tài trợ cho nghiên cứu các sản phẩm tiêu dùng, còn Chính phủ cần nghiên cứu và phát triển cho những thứ sẽ không có mục đích thương mại nào.
Chẳng hạn, chúng ta muốn sản xuất một loại thuốc cụ thể cho những người mắc một tình trạng bệnh lý nào đó. Có thể một doanh nghiệp nào đó nói, tôi không thấy có thể kiếm tiền bằng cách sản xuất loại thuốc đó.
Trong trường hợp này, chính phủ cần nói, chúng ta cần phải nghiên cứu và sản xuất loại thuốc đó, bất kể nó có ứng dụng thương mại hay không. Và vì vậy, Chính phủ vẫn đóng một vai trò rất quan trọng.
Chính phủ Mỹ đã thông qua Đạo luật CHIPS và khoa học, kèm theo khoản đầu tư công 50 tỷ đô la nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Theo bà, đạo luật này sẽ tác động như thế nào đến sự phát triển của ngành trong tương lai?
Bà Alondra Nelson: Tôi là người đã chứng kiến, đứng ngay sau Tổng thống và Phó Tổng thống khi ông ký Đạo luật về Chips và Khoa học trong mùa hè vừa rồi. Và đó là một trong những tác phẩm trong thời gian làm việc trong chính quyền mà tôi tự hào nhất. Đó là luật toàn diện.
Toàn bộ dự luật có trong đó là hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển cho sinh viên và người lao động trên khắp Hoa Kỳ. Nó cũng có đào tạo nghề và quan hệ đối tác với chính sách công nghiệp. Vì vậy, quan hệ đối tác với các doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp tại Hoa Kỳ bắt đầu sản xuất nhiều chất bán dẫn hơn và nhiều loại chip hơn.
Đã có các khoản đầu tư của Chính phủ vào các công ty Hoa Kỳ và một phần trong các khoản đầu tư này đã thực hiện như một điều kiện cần phải đáp ứng cho các dịch vụ xã hội.
Bảo vệ quyền công bằng cho AI
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam có thể gặp khó khăn trong việc xây dựng các quy định và luật lệ phù hợp để bảo vệ quyền lợi công dân. Bà có thể chia sẻ một số gợi ý về cách các nước như Việt Nam có thể thiết lập một khung pháp lý phù hợp để không cản trở sự phát triển và sáng tạo?
Bà Alondra Nelson: Tôi thích câu hỏi này. Tôi nghĩ AI đang chuyển động rất nhanh. Chúng ta có các công nghệ mới và mới nổi khác cũng đang phát triển rất nhanh chóng. Tuy nhiên, nó không phát triển quá nhanh đến mức chúng ta không thể nghĩ về các vấn đề về quyền con người, lợi ích và phúc lợi xã hội.
Vì vậy, tôi rất phấn khởi khi các công nghệ mới đang chuyển động nhanh như vậy, thì chúng ta với tư cách là một cộng đồng toàn cầu đã cam kết cố gắng đặt ra những câu hỏi lớn về những tác động của AI với toàn thế giới. Năm ngoái, tôi đã trở thành thành viên của Cơ quan Cố vấn cấp cao của Liên Hợp quốc về AI.
Cơ quan chúng tôi không đại diện cho mọi quốc gia trên thế giới nhưng chúng tôi đã tham vấn và thảo luận với hàng nghìn người từ khắp nơi trên thế giới. Và chúng tôi đã công bố với Liên Hợp quốc bản Báo cáo Quản lý AI vì Nhân loại vào tháng 10 năm ngoái. Báo cáo này đưa ra một loại khuôn khổ mà các quốc gia có thể áp dụng.
Rất nhiều cộng đồng trên thế giới đã đồng ý về bản báo cáo đó. Thay vì mỗi quốc gia thành viên trong Liên Hợp quốc có cách tiếp cận riêng thì giờ đây, chúng ta có thể có cách tiếp cận thống nhất, phối hợp với nhau đối với các vấn đề về quản trị AI.
Đã có hai nghị quyết của Đại hội đồng về AI đều được thông qua nhất trí tại Liên Hợp quốc. Liên Hợp quốc là một cộng đồng toàn cầu và mặc dù có nhiều điều chúng ta không đồng ý giữa các quốc gia nhưng chúng ta đồng ý về những khuôn khổ cơ bản này về cách AI được quản lý và phát triển trong xã hội loài người.
Do đó, tôi nghĩ đó là một nền tảng đáng kinh ngạc cho Việt Nam và cho các cộng đồng khác đang suy nghĩ về khuôn khổ của họ để bảo vệ quyền cho AI công bằng, an toàn và toàn diện. Tôi nghĩ điều này rất hữu ích với Việt Nam.
Việt Nam có một cộng đồng khoa học và công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn gặp phải nhiều thách thức. Bà có lời khuyên nào về cách xây dựng năng lực khoa học và công nghệ trong bối cảnh này?
Bà Alondra Nelson: Bạn biết đấy, cơ sở hạ tầng là một thách thức không chỉ với Việt Nam mà Hoa Kỳ cũng vậy. Chúng ta luôn cảm thấy mình cần nhiều cơ sở hạ tầng hơn cho nghiên cứu và phát triển, và các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu luôn yêu cầu nhiều hơn. Tuy nhiên, rất nhiều khoa học hiện nay được thực hiện bằng dữ liệu, bằng tính toán cho nên chúng ta có thể nghĩ về cơ sở hạ tầng theo cách khác.
Chúng ta có thể nghĩ đến việc xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn thay vì chỉ nghĩ đến xây dựng các phòng thí nghiệm lớn. Đối với các quốc gia chưa có lịch sử lâu dài về đầu tư và cơ sở hạ tầng, thì thời điểm này, Việt Nam có thể sử dụng dữ liệu, thông tin lượng tử AI. Việt Nam có thể thực hiện ngay bây giờ với các tập dữ liệu được chia sẻ và có sẵn một số công cụ tận dụng hệ thống AI mang lại. Đó cũng là một cách đầu tư vào khoa học công nghệ.
Đầu tư vào khoa học công nghệ không chỉ yêu cầu vốn mà còn cần một môi trường sáng tạo và đổi mới. Bà có thể gợi ý một số chính sách hoặc chiến lược mà Việt Nam có thể áp dụng để thúc đẩy sự phát triển của các startup công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nước?
Bà Alondra Nelson: Như tôi đã nói, có rất nhiều đổi mới sáng tạo đang diễn ra ở khu vực tư nhân nhưng chúng ta không thể quên tầm quan trọng của Chính phủ.
Chính phủ chỉ cần hỗ trợ những người tài năng và cung cấp cơ sở hạ tầng để cho họ có thể phát huy được tính sáng tạo. Ở Hoa Kỳ, chúng tôi gọi đó là nghiên cứu “Bầu trời xanh” dành cho những sáng tạo, những ý tưởng lớn, từ đó tạo đột phá cho khoa học và công nghệ.
Những ý tưởng đó có thể khả thi, không khả thi nhưng thực sự nó rất quan trọng cho tương lai. Vì vậy, đầu tư vào con người để họ nghiên cứu và phát triển, để họ phát huy năng lực là những nguồn lực không bao giờ bị lãng phí.
Theo bà, cơ hội nào để Việt Nam hợp tác với Mỹ trong phát triển AI?
Bà Alondra Nelson: Tôi cho rằng, y khoa là lĩnh vực có tiềm năng to lớn. Vậy Việt Nam cần làm gì để cùng Hoa Kỳ đóng góp xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn với AI? Chắc chắn rất nhiều công ty AI hàng đầu là các công ty Hoa Kỳ. Vì vậy, tôi cho rằng, Hoa Kỳ có trách nhiệm và nghĩa vụ đặc biệt đối với thế giới để đảm bảo rằng các công cụ này được phát triển và triển khai theo cách an toàn và không gây rủi ro hoặc gây hại cho con người.
Hoa Kỳ có trách nhiệm đặc biệt với vị thế dẫn đầu của mình trong lĩnh vực công nghiệp này để thực hiện điều đó. Tôi muốn nói rằng, một phần công việc mà chúng tôi đã thực hiện tại Liên Hợp Quốc, một trong những khuyến nghị mà chúng tôi đưa ra là thành lập một Hội đồng khoa học quốc tế. Không chỉ Hoa Kỳ mà tôi nghĩ cách chúng ta tạo ra một hệ sinh thái khoa học công nghệ toàn diện hơn để đảm bảo rằng nhiều quốc gia có quyền truy cập vào những thông tin cơ bản về những gì đang diễn ra trong không gian AI.
Liên Hợp quốc có các báo cáo thường xuyên được gửi đến các quốc gia thành viên về tình trạng của AI, đâu là những gì đang diễn ra và dự đoán tương lai, đâu là những gì đã làm, có thể và không thể làm được. Đâu là những câu hỏi mở cần được giải quyết trong khoa học từ đó tạo cơ sở cho những cuộc đàm phán và thảo luận, hợp tác.
Tổng Bí thư Tô Lâm của chúng tôi đã trực tiếp có hàng loạt các chỉ đạo về phát triển khoa học công nghệ. Theo bà, Việt Nam cần làm gì để phát triển khoa học công nghệ nhanh và đặc sắc?
Bà Alondra Nelson: Tôi cho rằng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có những chỉ đạo thể hiện một khát vọng mạnh mẽ và đúng đắn để phát triển khoa học và công nghệ. Không phải quốc gia nào cũng nói lên được những khát vọng này. Không phải quốc gia nào cũng có thể làm mọi thứ. Tuy nhiên, điều quan trọng là các quốc gia phải tìm ra điều mà họ làm tốt nhất một cách độc đáo và sau đó làm thế nào để hiện thực điều đó.
Tôi đã trò chuyện với các nhà chính trị, các nhà nghiên cứu ở Singapore về chiến lược AI. Chính phủ Singapore hiện đã công bố hai chiến lược AI. Họ biết rằng, họ có các nhà khoa học máy tính tài năng, có nhiều người tài năng trong lĩnh vực tri thức. Họ có thể xây dựng một số trung tâm dữ liệu nhưng họ không cố gắng xây dựng tất cả các mô hình nền tảng và họ không cố gắng cắm cờ vào mọi phần của chuỗi cung ứng AI. Đó là chiến lược của họ.
Bộ trưởng công nghệ Nigeria cũng cho tôi biết, rất nhiều nhà khoa học và nhà nghiên cứu tài năng của Nigeria đang ở nước ngoài như ở Canada, Hoa Kỳ, Úc, Pháp. Ông ấy nói, một phần trong chiến lược AI của họ là những thứ họ cần trong nước về trường học và cơ sở hạ tầng dữ liệu, cơ sở hạ tầng đám mây.
Ông ấy cũng đang thúc đẩy một chiến lược di cư. Ông ấy nói rằng: “Tôi không bảo mọi người quay trở lại Nigeria nhưng tôi sẽ yêu cầu tất cả nhà khoa học máy tính hàng đầu thế giới hoặc người Nigeria làm việc cho Nigeria trên khắp thế giới”. Ý ông ấy yêu cầu họ phải giúp đỡ và đền đáp cho đất nước của họ.
Tôi nghĩ điều này có lẽ cũng đúng với Việt Nam. Ngày hôm nay, tôi đang ngồi đây với các bạn ở Hà Nội, và tôi đang nhìn vào tất cả các nguồn lực và thiên nhiên của Việt Nam thì nhận thấy Việt Nam có rất nhiều lợi thế và tiềm năng hơn Singapore hay nhiều các quốc gia khác.
Bà Alondra Nelson là Giáo sư Harold F. Linder tại Viện Nghiên cứu Cao cấp (Institute for Advanced Study), một trung tâm nghiên cứu độc lập tại Princeton, New Jersey. Bà là một nhà khoa học nổi bật với các nghiên cứu giao thoa giữa khoa học, công nghệ, chính sách và xã hội. Năm 2024, Tổng thống Biden bổ nhiệm bà vào Hội đồng Khoa học Quốc gia, cơ quan xây dựng chính sách cho Quỹ Khoa học Quốc gia và tư vấn cho Quốc hội cũng như Tổng thống. Năm 2023, bà được đưa vào danh sách TIME100 những người có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và được Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres bổ nhiệm làm thành viên của Ủy ban Cố vấn Cấp cao về Trí tuệ Nhân tạo. Bà được Diễn đàn Toàn cầu Boston vinh danh nhà lãnh đạo trong xã hội trí tuệ nhân tạo. Tiến sĩ Nelson cũng từng là Phó Trợ lý của Tổng thống Joe Biden và Quyền Giám đốc Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ Nhà Trắng (OSTP). |