- 'Trong một lần đi thăm Mỹ, tôi tiếp xúc với một số anh em đã từng phục vụ chế độ cũ, một người tâm sự rằng: trong cuộc chiến, chúng tôi là người ngã ngựa, còn các anh là những người chiến thắng, ngồi trên mình ngựa. Nhiều lúc, chúng tôi ước mong, những người ngồi trên mình ngựa hãy cúi xuống chìa bàn tay kéo chúng tôi dậy'.
Trò chuyện với VietNamNet về chủ đề hòa hợp dân tộc nhân 40 năm thống nhất đất nước, Đại sứ Nguyễn Phú Bình, ủy viên Đoàn Chủ tịch TƯ MTTQ VN, Chủ tịch Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm UB Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều trăn trở.
"Chiến tranh đã kết thúc 40 năm, chúng ta cần làm gì nữa để cho chủ trương nhân văn của Đảng và Nhà nước ta thực sự lan tỏa trong cuộc sống, xóa tan mặc cảm và khác biệt về nhận thức trong đồng bào cả trong và ngoài nước" - ông suy tư.
Đại sứ Nguyễn Phú Bình (ngoài cùng) cùng Chủ tịch MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ kiều bào tiêu biểu tại TP HCM. Ảnh: Minh Thăng |
Hãy nhận thức mạnh dạn
Nhìn vào con số thống kê kiều hối hàng năm, hàng trăm nghìn lượt kiều bào về nước, dẫu có ý kiến nào thì cũng phải thẳng thắn với thực tế rằng kiều bào đã trở về quê hương ngày càng nhiều hơn. Chuyện ra đi rồi trở về, gắn bó với đất nước ở mức độ khác nhau của kiều bào có thể hiện những chuyển biến thế nào về triển khai các chính sách, theo ông?
NQ 36 của Bộ Chính trị đã đi vào cuộc sống hơn 10 năm qua với rất nhiều chính sách dành cho đồng bào ta ở nước ngoài. Có thể nói có 3 nhân tố tạo nên sự chuyển biến trong thái độ và tình cảm của đồng bào ở nước ngoài đối với đất nước. Thứ nhất là tình hình đất nước ổn định, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện.
Thứ hai là quan hệ đối ngoại và vị thế của đất nước được nâng cao, đặc biệt quan hệ tốt đẹp của Việt Nam với các nước mà bà con ta đang sinh sống, nhất là các nước có đông đồng bào ta đang định cư như Mỹ, Australia, Canada, Anh, Pháp, Đức, làm cho bà con ta phấn khởi và tìm thấy nhiều cơ hội mang lại lợi ích cho mỗi cá nhân và cho cả cộng đồng.
Và nhân tố thứ ba hết sức quan trọng, đó chính là chính sách của Đảng và Nhà nước. Điều đáng phấn khởi là từ khi NQ 36 được ban hành, đã có nhận thức chung trong cả hệ thống chính trị và xã hội về vai trò và quyền lợi của đồng bào ở nước ngoài, thể hiện ở các luật: Quốc tịch, Đất đai, Nhà ở, Đầu tư, Doanh nghiệp
Tuy nhiên, nếu chúng ta có nhận thức mạnh dạn và sâu sắc hơn thì đã tránh được tình trạng những luật đó mới thông qua và thực hiện được vài năm đã phải bổ sung và sửa đổi để phù hợp với thực tế.
Xóa tan khác biệt
Một bộ phận đi từ miền Nam vì yếu tố lịch sử có lẽ luôn là trung tâm của nỗ
lực hòa giải dân tộc, theo nghĩa có nhiều khó khăn nhất. Khi làm công tác ngoại
giao và cả kênh liên lạc bây giờ, ông có sự va chạm nào khiến suy tư, trăn trở
khi nghĩ về hòa hợp dân tộc?
Hòa giải, hòa hợp và đại đoàn kết dân tộc luôn là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, do cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài, không tránh khỏi những sự khác biệt về nhận thức, định kiến về những vấn đề quá khứ.
Tôi đã có dịp chuyện trò với một người Việt Nam định cư tại Mỹ. Trong nhiều năm anh rất tận tụy quyên góp trong cộng đồng để mua xe lăn mang về tặng cho những người tàn tật trong nước. Anh tâm sự, gia đình anh có người tham gia quân giải phóng, nhưng cũng có người phục vụ trong chế độ Sài gòn.
Khi đi vận động trong cộng đồng người Việt, có người hằn học bảo anh: Tôi không góp tiền cho anh giúp "cộng sản". Có người nhẹ nhàng hơn: Anh hãy giúp cho những người tàn tật, khó khăn dù là thương binh của bộ đội hay thương phế binh của quân đội cộng hòa nhé. Từ thực tế đó, anh mong muốn không còn ranh giới giữa những người từng ở hai chiến tuyến trong quá khứ.
Bà Phan Thị Bích Thiện, Việt kiều tiêu biểu ở Hungari có nhiều nỗ lực gắn kết cộng đồng người Việt tại Hungari với đất nước. Ảnh: Minh Thăng |
Trong một lần tôi đi thăm Mỹ, tiếp xúc với một số anh em đã từng phục vụ chế độ cũ, một người đã tâm sự: Trong cuộc chiến, chúng tôi là người ngã ngựa, còn các anh là những người chiến thắng, ngồi trên mình ngựa. Nhiều lúc, chúng tôi ước mong, những người ngồi trên mình ngựa hãy cúi xuống chìa bàn tay kéo chúng tôi dậy. Mỗi cử chỉ ấy sẽ xóa tan nỗi hoài nghi của bao nhiêu người ở nước ngoài này.
Những lời tâm sự ấy khiến tôi cứ băn khoăn: Chiến tranh đã kết thúc 40 năm, chúng ta cần làm gì nữa để cho chủ trương nhân văn của Đảng và Nhà nước ta thực sự lan tỏa trong cuộc sống, xóa tan những mặc cảm và những khác biệt về nhận thức trong đồng bào cả trong và ngoài nước.
Ngã xuống vì Hoàng Sa, Trường
Sa đều đáng tôn vinh
Hội do ông làm Chủ tịch có những kiến nghị rất giản dị với MTTQ như lập kênh
liên lạc với thân nhân kiều bào, Hội liên lạc với người Việt Nam ở địa phương.
Ngoài ra còn ý tưởng nào mà Hội với tư cách là tổ chức liên lạc có thể làm?
Tôi nghĩ, nếu MTTQ ở các địa phương hỗ trợ các gia đình thân nhân kiều bào hoặc Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài tại địa phương đó, hỗ trợ họ tập hợp lại đoàn kết giúp đỡ nhau, đồng thời qua Hội, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của họ, cũng như người thân của họ ở nước ngoài, tích cực giúp đỡ giải quyết những khó khăn vướng mắc của bà con đang ở trong nước thì đó chính là cách tốt nhất để những người thân ở nước ngoài hiểu rõ được chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như tình cảm thực sự của đồng bào trong nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Hiện nay, trong lúc chủ quyền và lãnh thổ quốc gia đang đứng trước thách thức mới, vấn đề đại đoàn kết dân tộc lại càng trở nên cấp thiết. Với tinh thần đó, những người đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ, cả Trường Sa và Hoàng Sa đều xứng đáng để Nhà nước và xã hội tôn vinh.
Gần đây công tác liên quan kiều bào có bước đột phá, đó là tổ chức đưa kiều bào ra thăm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, thậm chí có những người chưa từng đặt chân về đất nước nhưng lần đầu tiên trở về lại là thăm Trường Sa. Công việc bảo vệ chủ quyền đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước nêu rõ phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Qua các kênh tiếp xúc của Hội, ông thấy mức độ tâm tư của kiều bào như thế nào về vấn đề chủ quyền và mong muốn đóng góp cho đất nước?
Tổ chức cho bà con đang sinh sống ở nước ngoài, kể cả những người còn định kiến với đất nước được ra thăm Trường Sa là một chủ trương mới, rất hợp lòng dân. Có thể về quan điểm chính trị còn bất đồng nhưng lãnh thổ và chủ quyền quốc gia hết sức thiêng liêng đối với tất cả mọi người. Dù số lượng bà con được ra thăm đảo còn rất ít nhưng việc làm đó lại mang tính biểu tượng rất cao.
Chính vì vậy, năm ngoái, trong sự kiện giàn khoan, hòa cùng làn sóng đấu tranh của nhân dân trong nước, các hội đoàn, cá nhân đồng bào ta ở các nước, đủ các xu hướng chính trị khác nhau đã đồng thanh lên tiếng và vận động chính giới, dư luận nước sở tại, lên án mạnh mẽ hành vi ngang ngược của Trung Quốc, góp phần buộc họ phải di dời giàn khoan khỏi vùng biển đó.
Để đối phó với những thách thức tương tự có thể liên tục xảy ra, càng cần thiết có chủ trương và biện pháp thiết thực và hiệu quả để gắn kết tiếng nói và hành động giữa đồng bào ta trong và ngoài nước.
Xuân Linh