- Giảng viên chính tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có bằng thạc sĩ trở lên và thành thạo ngoại ngữ, tin học. Quy định vừa được Bộ GD-ĐT đưa ra theo dự thảo thông tư liên tịch quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ làm việc, chính sách của giảng viên.

Ngoài ra, giảng viên chính còn phải có đề án hoặc đề tài nghiên cứu khoa học được cấp khoa hoặc cơ sở đào tạo, bồi dưỡng công nhận và áp dụng có kết quả trong chuyên môn và những tiêu chuẩn khác.

Để làm giảng viên, cần có bằng đại học trở lên; nếu là giảng viên được tuyển dụng mới phải có bằng đại học chính quy từ loại khá; có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm ĐH...
Thời gian làm việc của giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp theo chế độ tuần làm việc 40 giờ; tổng quỹ thời gian làm việc hàng năm là 1.760 giờ. Khung định mức giờ chuẩn giảng dạy đối với giảng viên là 280 giờ chuẩn; giảng viên chính là 300 giờ chuẩn giảng viên cao cấp là 320 giờ chuẩn. Mức giờ chuẩn cụ thể cho từng giảng viên không cao hơn hoặc thấp hơn 15% so với khung định mức giờ chuẩn được quy định.
Giờ chuẩn giảng dạy  là đơn vị thời gian quy đổi từ số giờ lao động cần thiết để hoàn thành một khối lượng công việc nhất định thuộc nhiệm vụ giảng dạy đối với mỗi chức danh tương đương với một tiết giảng lý thuyết, thực hành trên lớp, bao gồm thời gian lao động cần thiết trước, trong và sau tiết giảng.
Giảng viên khi thực hiện một số nhiệm vụ khác như báo cáo chuyên đề, hướng dẫn thực hành trên lớp, hướng dẫn thực tập, soạn – chấm đề kiểm tra, đề thi... cũng sẽ được quy đổi thành giờ chuẩn tùy theo từng tính chất công việc.

Vân Phong