Thầy dạy học cho các con vua, họ là ai? Họ trở thành thầy dạy học cho những đứa con của thiên tử như thế nào? Họ dạy những gì cho các con vua? Ngược về quá khứ nhưng những câu chuyện về thầy - trò xưa nay vẫn rất gần gũi, thiết thực cho hậu thế và đẫm tính thời sự!
Tuyển chọn - bổ sung nghiêm ngặt
Minh Mạng là vị vua rất quan tâm đến việc học tập và củng cố thi cử. Năm 1822, ông là người cho mở lại các kỳ thi Hội, thi Đình ở kinh đô để tuyển chọn nhân tài.
Năm 1825, để đáp ứng nhu cầu giảng dạy ở Quốc tử Giám, vua Minh Mạng đã bạn
dụ tuyển 30 người văn hay học giỏi hiểu rộng để đào tạo hiền tài cho đất nước.
Việc tuyển chọn này được giao cho các quan ở Quốc tử Giám chọn lựa kỹ, rồi lập
sớ tiến trình để đích thân vua trực tiếp sát hạch, bổ dụng.
Lều chõng đi thi ngày xưa |
Quy trình nghiêm ngặt gồm 3 kỳ thi, cách một ngày một lần sát hạch, chiểu theo văn lý chia làm các hạng ưu, bình, thứ, liệt làm sớ tâu lên. Thí sinh đạt hạng ưu - bình sẽ được triều đình xem xét bổ dụng. Thứ hạng kém buộc phải về Quốc tử Giám học lại. Hạng "liệt" thì đuổi về quê để tỏ rõ sự trừng phạt.
Đến thời Tự Đức, việc học của hiền tài và nhất là các con em Tôn thất thuộc dòng dõi nhà vua ở Nhà Thái học cũng được xem trọng. Không chỉ trực tiếp sát hạch, tuyển dụng người có tài đức trong Tôn thất làm thầy dạy cho con em dòng dõi hoàng gia, có lần Vua Tự Đức còn răn dạy các viên Sư dạy cho dòng dõi phải chăm chỉ hết lòng, dẫn điều lành, ngăn điều trái, nung đúc dẫn dụ, cốt mong nhân hậu dõi truyền, thành nền nếp để không phụ lòng ủy thác: "Nếu coi văn rộng là quan nhàn, bàn suông tán nhảm, thích rượu ngon, thích đàn hát, không biết giúp lấy điều lễ, chơi chọi gà, chơi đua ngựa, không biết giúp lấy điều nhân nhất định nghiêm trị, không khoan dung tha chút nào".
Không chỉ răn thầy, đích thân vua còn răn cả học trò là các hoàng thân phải noi theo khuôn phép, khiêm tốn tìm hiểu, không được gần gũi với tiểu nhân, chớ rong chơi ở nơi du đãng: "Không có thói một siêng mười làm biếng. Học Kinh lễ, học Kinh thi, mong cho ngày tháng tấn tới ngõ hầu mới gây nên đức nghiệp, giữ được tiếng tốt. Còn nếu đức không tu, học không giảng, làm trái lễ phép thì dùng gia pháp, quốc pháp".
Người thầy Trung chính
Chăm lo cho việc học của dòng dõi Tôn thất bao nhiêu thì các vị vua Nguyễn chú trọng đến việc học và tuyển thầy dạy học cho các hoàng tử bấy nhiêu.
Lời của Vua Thiệu Trị năm 1841 có đề cập đến lòng mong mỏi kỳ vọng ấy. Trước đó, Vua Minh Mạng đã nói với quần thần rằng: "Các hoàng tử tuổi đã lớn dần lên, tất phải có người trung chính làm thầy mới dạy bảo cho thành lập được".
Minh mạng kén chọn trong giới quan Văn những vị có học hành, giữ lấy công chính, đương chức "nhậm làm thầy bạn" của các hoàng tử. Quốc sử quán triều Nguyễn ghi: Vua Minh Mạng cử chọn 2 viên quan Tam phẩm, 4 viên quan Lục Thất phẩm để thường ngày thay mình dạy bảo các hoàng tử "chăm chỉ việc học, đôn đốc tính hiếu đễ, mài giũa rèn luyện cho tiến bộ để cho sự học tập và bản chất tốt đưa đến kết quả đạo đức ngày càng tấn tới, để sẵn cho kén chọn vào địa vị làm chủ tể nối dòng dõi sau này."
Kế tục ngôi báu từ Vua Minh Mạng, Vua Thiệu Trị cũng dành nhiều tâm huyết trong việc chọn thầy cho con. Vua chọn Thượng thư bộ Lại Lê Đăng Doanh giao chức Sư trưởng. Sau đó cũng đích thân vua thiệu trị phong cho Thượng thư bộ Lễ Nguyễn Đăng Tuân làm Sư phó. Vua Thiệu Trị từng nói về Thượng thư Nguyễn Đăng Tuân với lòng tôn kính: "Trẫm từ khi lên ngôi vua, viên ấy dạy bảo trẫm, lời ngay khuyên bảo, giúp ích rất nhiều, đến các hoàng thân, tuổi gần trưởng thành, lại nhờ viên ấy giáo dục, bảo ban tuổi trẻ, dẫn dụ điều hay, rất có thành hiệu...". Viên ấy tuổi cao già cả, mà vốn có uy tín, tinh thần còn khỏe, lại giao cho trách nhiệm hun đúc nhân tài là vốn mong chức sư phó được người xứng đáng".
Thượng thư Nguyễn Đăng Tuân là khai quốc Công thần của triều Nguyễn, trải qua 3 đời vua: Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị. Năm 1838, cảm kích tài học cao hiểu rộng, uyên thâm, cẩn thận, đức độ, trung nghĩa của ông mà Hoàng đế Gia Long đã sung ông làm thầy dạy hoàng tử học.
Thời vua Minh Mạng, đang giữ chức Đại học sĩ biện lý Binh bộ, Nguyễn Đăng Tuân cũng được chọn làm thầy dạy cho con của nhà vua.
Hoàng tử phải xá lạy thầy
Ghi chép trong Khâm Định Đại Nam hội Điển Sự Lệ do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn có dành hẳn một chương nói về khóa trình giảng dạy, học tập của các hoàng tử, hoàng đệ và công tử của các hệ Tôn thất. Theo đó, trước khi vào học, hoàng tử và các giảng quan mặc mũ áo đại triều đến giữa gairng đường có đặt bàn thờ Đúc Tiên Sư Khổng Tử làm lễ.
Tiếp đó hoàng tử kính cẩn lễ lạy các thầy của mình 4 lạy và các thầy cũng lạy đáp lễ ngần ấy, sau đó cả thảy thay thường phục và bắt đầu việc giảng tập: "Buổi sớm 2 khắc sáng giảng quan đến giảng đường khai giảng, Hoàng tử đến nghe giảng, đến 7 khắc thì nghỉ. Buổi chiều thì 5 khắc lại đến học, 10 khắc lại nghỉ".
Theo giáo trình hoàng gia, các hoàng tử mới học thì được thầy dạy Tiểu học và Khai tâm bảo giám. Khi tuổi lớn dần thì được dạy Tứ thư, Ngũ kinh và được được cho học xen các sách sử, học đến đâu phải gấp sách đọc thuộc kỹ càng, còn sách sử không phải đọc thuộc, chỉ cần các thầy giảng giải rõ ràng sự tích mà thôi: "Những ngày dạy học thì lấy ngày lẻ giảng truyện hoặc kinh, ngàu chẵn học sử, học đến khi mặt trời lặn thì nghỉ. Mỗi tháng xứ những ngày 30, mùng 1 cho nghỉ học. Những buổi chiều ngày mùng 6, mười sáu, hai mươi sáu phải đem sách học vào chầu ở điện Quang Minh để vua hỏi lại".
Thời bấy giờ, Hoàng tử từ 10 tuổi trở xuống không phải gò mình vào khuôn khổ, có khi còn được vua đặc cách phái người đến phủ đệ riệng dạy trực tiếp. Chỉ các hoàng tử trên 14 tuổi mới được vua cho vào chầu hầu để hỏi bài. Từ 15 tuổi trở lên, khi văn chương đã thông, hoàng tử được học cưỡi ngựa bắn cung: "Mỗi tháng 3 lần, buổi chiều vào các ngày mồng một, mười một, hai mốt cho đến chỗ tập voi mà tập cưỡi ngựa 3 lần, lại cho đặt một chỗ vắng vẻ làm nơi tập bắn, đều do viên quản thị vệ liệu lấy 1-2 viên quan võ theo đi chỉ bảo".
Trở thành thầy dạy học của các hoàng tử, rõ ràng là niềm vinh dự nhưng cũng là trọng trách với các vị đại thần. Tiếc rằng các thư tịch cổ mà người viết tiếp cận không thấy nhắc gì đến chế độ lương bổng cũng như tâm tư của những người thầy dạy học của các hoàng tử mà một trong số họ mai này sẽ lên ngôi vua.
Chẳng rõ việc dạy học cho con của thiên tử, các vị đại thần có chịu nhiều áp lực khi gặp phải học trò chậm hiểu, lười biếng, ương bướng? Và chẳng rõ các thầy có áp dụng biện pháp trừng phạt như bắt quỳ, khẽ tay hay không? Nhưng điều rất rõ là từ ngày xưa, việc học của con cái luôn là áp lực lớn với những ông bố bà mẹ, nhất là những người thuộc dòng dõi trâm anh. Họ luôn kỳ vọng, mong muốn con em mình được giỏi giang hơn người để làm rạng rỡ gia môn cũng như có được tiền đồ sán lạn.
Các ông bố bà mẹ càng kỳ vọng bao nhiêu, đổ lên vai con trẻ bao nhiêu thì trọng trách của người thầy càng nặng nề, áp lực bấy nhiêu.
(Theo N.Thành Dũng/ báo An ninh thế giới)