Chiều 15/9, sau 2 ngày thi sôi nổi, Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV khu vực miền Bắc do Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương tổ chức tại Hải Phòng đã chọn được 6 đội thi đến từ các tỉnh Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thái Nguyên, Ninh Bình, Hải Phòng đã được lựa chọn để bước vào vòng chung kết toàn quốc.
Giải Nhất thuộc về đội hòa giải của Hà Tĩnh; 2 đội giành giải Nhì đến từ tình Vĩnh Phúc, TP Hà Nội; 3 đội giành giải Ba gồm: Thái Nguyên, Ninh Bình, Hải Phòng.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương chia sẻ, Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV, vòng loại khu vực miền Bắc là Hội thi chuyên nghiệp, các đội thi đến đây đúng với tinh thần giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm.
Trong Hội thi, 26 đội thi của các tỉnh, TP miền Bắc tham gia thi với 3 phần: giới thiệu về các thành viên, đặc thù và tình hình công tác hòa giải ở cơ sở của địa phương bằng các hình thức phù hợp như: kể chuyện, thơ, ca, hò, vè...
Phần 2, các đội tham gia thi lý thuyết với việc trả lời câu hỏi trắc nghiệm và thi hòa giải khéo…
Phần 3 thi tiểu phẩm, các đội thi kịch nói, ca kịch hoặc các hình thức nghệ thuật, sân khấu phù hợp khác về một vụ việc thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở đã xảy ra tại địa phương, được tổ hòa giải tiến hành hòa giải thành công và mang lại hiệu ứng tích cực…
Các đội tham gia thi tập trung vào nội dung chính về các kỹ năng hòa giải của hòa giải viên; pháp luật về hòa giải ở cơ sở; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp; quy định pháp luật trong một số lĩnh vực liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở, như: dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, nhà ở, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ môi trường, phòng chống tham nhũng, tiêu cực...
Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương đánh giá, các hòa giải viên của các đội thi là những người hàng ngày đã thực hiện hòa giải ở các xóm làng, khu phố. Những người góp phần đem lại bình yên, giữ gìn an ninh trật tự cho mọi nhà, giải quyết các mâu thuẫn nội bộ tại địa phương. Giải quyết các tình huống hòa giải rất thấu tình đạt lý, theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, giải quyết tình - lý, lý - tình. Đội thi của Hà Nội đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo TP Hà Nội, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Đội tham gia đúng với tâm thế giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về công tác hòa giải.
Theo Bộ Tư pháp, hòa giải ở cơ sở là phương thức giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn đã hình thành từ rất sớm trong lịch sử Việt Nam, xuất phát từ truyền thống giàu lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, hòa hiếu của con người Việt Nam. Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, công tác hoà giải ở cơ sở ngày càng được phát huy và trở thành phương thức giải quyết tranh chấp chiếm ưu thế trong hệ thống các phương thức giải quyết tranh chấp, xung đột xã hội ngoài tòa án.
Để góp phần thực hiện hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở; tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho các hòa giải viên; đồng thời, biểu dương và tôn vinh những điển hình xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở và hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức Hội thi "Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV".
Ban tổ chức cho biết, để nâng cao nhận thức của xã hội về ý nghĩa, vai trò của công tác hòa giải viên, đồng thời biểu dương, vinh danh và tạo sân chơi giao lưu chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ này ở cơ sở, đến nay, Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công 3 Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc. Các Hội thi đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của cấp ủy, chính quyền, cơ quan thông tin đại chúng, sự hưởng ứng nhiệt tình của các hòa giải viên trên cả nước và có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.
Ông Nguyễn Thanh Tịnh (Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Trưởng ban tổ chức Hội thi) đánh giá, với phương châm giải quyết “thấu tình, đạt lý”, hòa giải ở cơ sở là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý và tình, giữa đạo đức và pháp luật, là phương thức thể hiện tính dân chủ và tư tưởng “lấy dân làm gốc”.
Hòa giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả, triệt tiêu mầm mống dẫn đến tội phạm và những bất ổn xã hội mà còn là một phương thức an dân, vận động nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, góp phần giữ gìn kỷ cương xã hội, tạo lập môi trường thuận lợi để xây dựng đất nước, thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh”.
Để những giá trị tốt đẹp của hòa giải ở cơ sở thực sự đi vào cuộc sống, chắc chắn phải nhờ vào sự cố gắng, nỗ lực, đóng góp trực tiếp của đội ngũ hòa giải viên.