Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, tỉnh Hoà Bình đã tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn. 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 doanh nghiệp (Viettel, Viễn thông Hòa Bình, Mobifone, VietNamobile, FPT, Truyền hình cáp Hòa Bình, SCTV) đầu tư, xây dựng hạ tầng, cung cấp các dịch vụ viễn thông, Internet. Trong đó 2 doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ điện thoại cố định hữu tuyến, vô tuyến; 5 doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định với tổng số trên 510 trạm truy nhập Internet băng thông rộng cố định.

Hạ tầng truyền dẫn băng thông rộng cáp quang đã được triển khai rộng khắp đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn. Mạng lưới được tổ chức thành các mạch vòng Ring để vu hồi, dự phòng cho toàn mạng lưới, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống. 

Hạ tầng mạng thông tin di động có 04 doanh nghiệp (Viettel, Viễn thông Hòa Bình, Mobifone, Vietnammobile) đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ thông tin di động. Từ 01/01/2022 đến nay đã phát triển 57 vị trí trạm BTS, nâng tổng số vị trí trạm BTS hiện nay là 1.360 vị trí với 3.236 trạm (Cụ thể là 853 trạm 2G; 1.207 trạm 3G và 1.176 trạm 4G).

Theo đó, đã phủ sóng đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và hầu hết các thôn, bản, cụm dân cư, tỷ lệ dân số được phủ sóng thông tin di động đạt 99,6% thôn, bản, cụm dân cư. Trong đó mạng băng thông rộng 3G phủ sóng đến 91% thôn, bản, cụm dân cư; mạng băng thông rộng 4G phủ sóng đến 81% thôn, bản, cụm dân cư. Số xã có cáp quang đến trung tâm là 151 xã, đạt tỷ lệ 100% với trên 8.231 km cáp quang.

Hoà Bình tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các dịch vụ hành chính công.

Bên cạnh đó, Hoà Bình tăng cường xây dựng cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở. Ưu tiên phát triển, nâng cấp các đài truyền thanh xã có cụm loa hoạt động đến thôn và tăng cường phương tiện sản xuất các sản phẩm thông tin, tuyên truyền cho cơ sở truyền thanh, truyền hình cấp huyện. Phát triển và duy trì các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính. 

Đến nay, các địa phương đều đã có hệ thống đài truyền thanh theo công nghệ FM không dây. Tỷ lệ điểm phục vụ bưu chính triển khai tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đạt 32,2% (82/240 điểm phục vụ). 

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các dịch vụ hành chính công nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, công khai và hiệu quả ở các cấp (xã, huyện, tỉnh). 

Công bố 1.113 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 745 dịch vụ công trực tuyến một phần trên Cổng Dịch vụ công tỉnh. 

Sở Thông tin và Truyền thông hiện đang tổ chức thiết lập, kết nối các dịch vụ công trực tuyến toàn trình, dịch vụ công trực tuyến một phần lên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh. Thực hiện các thủ tục thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh thay thế giải pháp của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính hiện nay. Từ đó đáp ứng các yêu cầu mới về khai thác dữ liệu dân cư; bảo đảm Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh không bị gián đoạn trong phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến theo yêu cầu và bảo đảm an toàn thông tin.

Cổng thông tin điện tử của tỉnh tại địa chỉ http://hoabinh.gov.vn gồm 1 cổng chính và 180 trang thông tin điện tử thành viên (19 sở, ban, ngành; 10 ủy ban nhân dân cấp huyện và 151 xã, phường, thị trấn) thường xuyên cung cấp, cập nhật thông tin theo đúng quy định. 

Hải Dương và nhóm PV, BTV