Cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một trong những chỉ số đo lường quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử khi lấy người dân là trung tâm, là đối tượng phục vụ của các cơ quan nhà nước. Trong năm 2021, mục tiêu đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên cung cấp trực tuyến mức 4 đã được các bộ, ngành, địa phương cơ bản hoàn thành. Theo thống kê, tính đến ngày 20/1/2022, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ kiều kiện đưa lên mức độ 4 của cả nước là 96,74%. Đây được nhận định là bước tạo đà quan trọng cho chặng đường phát triển Chính phủ số tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hiệu quả của các dịch vụ công trực tuyến mức cao vẫn hạn chế, thể hiện ở tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến còn thấp. Trên toàn quốc, tính đến cuối năm 2021, hai chỉ tiêu này mới đạt lần lượt 36,47% và 29,80%.
Hòa Bình đang cung cấp tổng số 1.493 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 cho người dân và doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: Sở TT&TT Hòa Bình) |
Trong định hướng phát triển ngành TT&TT năm 2022 và giai đoạn 2022 - 2024, Bộ TT&TT tiếp tục xác định cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Mục tiêu đặt ra trong năm 2022 là nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ lên đạt 65% và tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến đạt 50%.
Với Hòa Bình, địa phương này đang cung cấp tổng số 1.493 dịch vụ công trực tuyến mức cao cho người dân và doanh nghiệp, trong đó số dịch vụ công trực tuyến mức 3 là 566 và mức 4 là 927. Để nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu về tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến phát sinh trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho 27 sở, ban, ngành và UBND huyện, thành phố. Theo đó, trong năm nay, cả 17 sở, ban, ngành và 10 UBND các huyện, thành phố của Hòa Bình cần đưa tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến đạt 55%.
Đại diện Sở TT&TT tỉnh nhấn mạnh: Ứng dụng CNTT đã từng bước tạo dựng nền tảng để xây dựng “Chính quyền điện tử” của tỉnh; đã làm thay đổi phương thức điều hành, quản lý của các đơn vị, việc xử lý công việc của cán bộ, công chức được công khai, minh bạch và tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân.
Quyết định giao chỉ tiêu hồ sơ giải quyết trực tuyến mức 3, 4 cho các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn nhằm cụ thể hóa công tác chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến; tăng cường giao dịch điện tử giữa cơ quan nhà nước với người dân, thúc đẩy công tác cải cách hành chính. Đặc biệt là đảm bảo tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh trong năm 2022 đạt từ 50% trở lên.
Trong quyết định mới ban hành, UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp để đạt chỉ tiêu được giao.
UBND các huyện, thành phố căn cứ tình hình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, trình độ tiếp cận Internet của người dân, doanh nghiệp để giao chỉ tiêu cụ thể cho UBND các xã, phường, thị trấn thuộc phạm vi quản lý.
UBND tỉnh Hòa Bình giao Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị, địa phương thực hiện quyết định này; kịp thời phát hiện những khó khăn, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan tổng hợp, thống kê số liệu kết quả thực hiện chỉ tiêu hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 cho các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố phục vụ đánh giá, xếp hạng chỉ số xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số và xếp hạng kết quả công tác cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị.
Vân Anh
Thủ tướng yêu cầu các bộ, tỉnh tập trung nguồn lực nâng tỷ lệ dịch vụ công mức 3, 4
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực nâng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức 3, 4 và tích hợp cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao.