Ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình khẳng định, doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, mặc dù hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp đã cùng chung tay chống dịch với tỉnh, vừa đóng góp cho tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đang có nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp, Chính phủ đã có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ở góc độ địa phương, chính quyền tỉnh Hòa Bình cũng muốn gặp gỡ, lắng nghe doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền của tỉnh.
Vì vậy, ông Bùi Văn Khánh đề nghị các doanh nghiệp đi thẳng vào vấn đề, trình bày các vướng mắc, đồng thời yêu cầu các sở ban ngành trả lời, giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Hòa Bình, trong 5 tháng đầu năm 2023, tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hòa Bình đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
Trong đó, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục được duy trì ổn định. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5/2023 ước tăng 10,76% so với tháng 4/2023. Cụ thể, khai khoáng ước tăng 5,2%, công nghiệp chế biến chế tạo ước giảm 2,37%, ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng… ước tăng 20,63%.
Về thương mại dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tháng 5/2023 ước đạt 5.282 tỷ đồng, tăng 2,07% so với tháng trước, tăng 12,28% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 236,523 triệu USD. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2023 ước tăng nhẹ 0,23% so với tháng trước.
Đến hết tháng 5, thu ngân sách địa phương ước đạt hơn 9.117 tỷ đồng, bằng 46% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 42% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện hết tháng 5/2023 đạt gần 6.617 tỷ đồng, bằng 33% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 30% chi tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao.
Về phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2023, tỉnh Hòa Bình có 162 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng vốn đăng ký 1.830,9 tỷ đồng. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 145 doanh nghiệp, số hoạt động trở lại là 77 doanh nghiệp.
Tỉnh cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư 1 dự án mới với tổng vốn đăng ký khoảng 118 tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 5/2023, trên địa bàn tỉnh có 726 dự án đang hoạt động, trong đó có 37 dự án đầu tư vốn nước ngoài với tổng số vốn đầu tư khoảng 608 triệu USD và 690 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư khoảng 181.392 tỷ đồng.
Về hoạt động thu hút đầu tư trong các khu công nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã tiếp nhận, cấp mới 2 dự án với tổng vốn đăng ký là 27,5 tỷ đồng; điều chỉnh 7 dự án; chấm dứt hoạt động 1 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đăng ký 0,4 triệu USD.
Tính đến nay, tổng số dự án đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh là 107 dự án; trong đó 25 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đăng ký 519,33 triệu USD và 82 dự án đầu tư trong nước, tổng số vốn đăng ký 15.814 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Hòa Bình vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần giải quyết như: Các đồ án quy hoạch của tỉnh chậm triển khai; công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, đặc biệt là công tác xác định giá đất bồi thường, giá thuê đất có nhiều vướng mắc đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai các dự án.
Các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh không có quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là tình trạng điện sản xuất không ổn định gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cho rằng thời gian giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư còn kéo dài, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần...
Vì vậy, các doanh nghiệp, nhà đầu tư kiến nghị tỉnh Hòa Bình sớm hoàn thiện, phê duyệt các đồ án quy hoạch để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục triển khai các thủ tục pháp lý thực hiện dự án. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng, rà soát tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bảo đảm tiến độ đầu tư dự án, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư.
Điều chỉnh giảm giá thuê đất thương mại, dịch vụ ở trung tâm các huyện, thành phố sát với thực tế hiện nay và phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường thu hút đầu tư thuận lợi. Khi quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất, đề nghị cho thành phần đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nghiệp cấp huyện tham gia làm thành viên.
Chỉ đạo giải quyết dứt điểm tình trạng khan hiếm đất đắp để tháo gỡ cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ các dự án. Giảm lãi suất tiền vay do các ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi nhưng việc điều chỉnh lãi vay cho doanh nghiệp còn chậm. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn.
Các doanh nghiệp đề nghị, tỉnh Hòa Bình cần có giải pháp công khai minh bạch các thủ tục đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận được các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh. Khắc phục ngay tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, nâng cao đạo đức công vụ, gắn trách nhiệm cụ thể từng cán bộ, công chức nhằm đẩy nhanh giải quyết thủ tục đầu tư, giảm bớt thời gian thực hiện các thủ tục hành chính.
Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh chỉ đạo, giao Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Hòa Bình tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của ngành, tạo cầu nối cho các nhà đầu tư. Các sở, ngành, địa phương liên quan đến kiến nghị của doanh nghiệp tập trung giải quyết; đẩy mạnh thực hiện giải phóng mặt bằng; cải cách thủ tục hành chính theo hướng nhanh gọn, thông thoáng nhưng phải bảo đảm đúng quy định. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây cản trở đến quá trình đầu tư của các doanh nghiệp.
Nam Yên