Chuyển đổi cơ cấu đáp ứng nhu cầu thị trường

Hòa Bình là tỉnh miền núi phía Bắc có diện tích đất tự nhiên lớn. Diện tích dành cho nông nghiệp chiếm 14,03% tổng diện tích tự nhiên, đóng vai trò quan trọng trong vấn đề đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm cho hơn 80% dân cư nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo số liệu Cục Thống kê, diện tích gieo trồng cây hàng năm 6 tháng đầu 2021 của tỉnh đạt 100% kế hoạch.

Cụ thể, diện tích cây lương thực có hạt 34,08 nghìn ha, vượt 2,9% kế hoạch; diện tích ngô 21,17 nghìn ha, vượt 19,9% kế hoạch. Tổng sản lượng cây lương thực có hạt ước đạt 19 vạn tấn. Cây hàng năm khác như lạc 3,03 nghìn ha, đạt 94,3% kế hoạch; sắn 6.578 ha, đạt 84,8% kế hoạch; khoai lang 2,69 nghìn ha, đạt 96,4 % kế hoạch; rau, đậu các loại 9,7 nghìn ha, vượt 5,4% kế hoạch.

{keywords}
6 tháng đầu năm 2021, Hòa Bình quyết liệt tái cơ cấu ngành nông nghiệp ( Trồng cà chua lấy hạt tại xã Mai Hạ, huyện Mai Châu). Ảnh: Thu Hường

Tổng diện cây ăn quả có múi toàn tỉnh trên 10,8 nghìn ha (diện tích kinh doanh 6.870 ha). Về cây mía, do nhiều diện tích mía đường trước đây đã chuyển đổi sang trồng các cây trồng khác, nên diện tích mía niên vụ 2021 - 2022 giảm mạnh, diện tích trồng mới đạt 5.782 ha, đạt 76,7% kế hoạch.

Các địa phương tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dồn điền đổi thửa. Giai đoạn 2018 - 2020, toàn tỉnh dồn điền đồi thửa được 2.057,4 ha, bước đầu khắc phục tình trạng manh mún về ruộng đất của các hộ dân.

Cơ cấu cây trồng tiếp tục được chuyển đổi theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường, định hướng chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao (như bí xanh, bí đỏ, dưa hấu, dưa chuột...). Ước 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh chuyển đổi được trên 1.500 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác.

Mô hình liên kết sản xuất, chuỗi giá trị trong sản xuất trồng trọt được quan tâm xây dựng, duy trì thực hiện. 6 tháng đầu năm đã chứng nhận 2.528 ha diện tích đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Trong đó, diện tích cây có múi được chứng nhận là 2.079 ha; diện tích rau an toàn các loại 378,6 ha; cây trồng khác được chứng nhận 69,5 ha.

Tái cơ cấu ngành chăn nuôi được các địa phương chú trọng, trong đó tập trung phát triển vật nuôi bản địa trong chăn nuôi nông hộ, phát triển chăn nuôi công nghiệp trong các cơ sở chăn nuôi lớn. Năm 2021, người chăn nuôi tiếp tục tái đàn lợn theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, tổng đàn tăng khoảng 0,5% so với năm 2020.

Toàn tỉnh hiện có 2,7 nghìn ha mặt nước ao, hồ nuôi trồng thủy sản; 33 trang trại và hợp tác xã nuôi trồng thủy sản (có 13 cơ sở hoạt động nông nghiệp kết hợp nuôi trồng thủy sản, 23 cơ sở chuyên nuôi thủy sản); tổng số có 4,7 nghìn lồng cá. Sản lượng thủy sản ước đạt 3,88 nghìn tấn (khai thác 818 tấn, nuôi trồng 3.061 tấn).

Cũng trong 6 tháng, đã kiểm tra, giám sát 6/40 cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp giấy chứng nhận VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ và hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đạt 15% kế hoạch.

Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng an toàn

Giai đoạn 2016 – 2020, Hòa Bình ưu tiên phát triển nhóm cây ăn quả có múi, rau an toàn, mía ăn tươi. Đến nay, tỉnh đã hình thành và mở rộng vùng sản xuất tập trung cây có múi ở các huyện: Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy; vùng mía nguyên liệu ở Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy; sản xuất rau hữu cơ, rau sạch ở Lương Sơn...

Diện tích cây ăn quả có múi đạt 10,5 nghìn ha, trong đó, diện tích kinh doanh trên 6,6 nghìn ha, sản lượng ước đạt trên 120 nghìn tấn. Toàn tỉnh có 14 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ với tổng diện tích canh tác khoảng 271 ha.

Ngành chăn nuôi từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất quy mô lớn, hình thức trang trại, gia trại tập trung, sử dụng giống năng suất cao, thay đổi phương thức chăn nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, để nâng cao hiệu quả rừng trồng, Chi cục Kiểm lâm Hòa Bình, chỉ đạo các hạt kiểm lâm tích cực phối hợp với các địa phương thực hiện tốt các đề án phát triển lâm nghiệp theo hướng tăng diện tích trồng cây bản địa và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, tiến tới đạt Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC)…

{keywords}
Giai đoạn 2021 - 2025, Hòa Bình hướng tới nền nông nghiệp sạch chất lượng cao. (Trồng xoài phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp sạch tại xóm Tiền Phong (Mai Hạ, Mai Châu). Ảnh: Thu Hường

Bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng, ngành nông nghiệp Hòa Bình đã tiến hành định vị những lợi thế cạnh tranh, tái cơ cấu ngành hướng tới nền nông nghiệp sạch chất lượng cao, nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng lớn và nông nghiệp bền vững.

Đặc biệt, tỉnh sẽ phát triển nông nghiệp là nền tảng theo hướng an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đây là mục tiêu được UBND tỉnh đề ra trong Quyết định số 1014/QĐ-UBND, ngày 19/5/2021 về việc Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản bình quân hàng năm đạt 4,5 - 5%. Duy trì tỷ lệ che phủ rừng từ 51,5% trở lên. Tỷ lệ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh của dân cư nông thôn là 95%. Trong đó phấn đấu 60% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Tỷ lệ nông sản hàng hóa qua sơ chế, chế biến đạt trên 30%. Có trên 16 sản phẩm OCOP được chuẩn hóa hoặc nâng hạng.

Tỉnh xác định các nhiệm vụ cụ thể trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp:

Cơ cấu theo các nhóm sản phẩm: Nhóm sản phẩm nằm trong danh mục các sản phẩm chủ lực Quốc gia gồm lúa gạo; cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi), cây chè, cây rau, cây sắn, thịt lợn, chăn nuôi gia cầm. Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh gồm cây mía, cây dược liệu, cá nuôi lồng, gỗ, sản phẩm từ gỗ, chăn nuôi trâu, bò chất lượng cao. Nhóm sản phẩm đặc sản địa phương và lợi thế vùng miền gồm cây ăn quả ôn đới (hồng, mận, đào), cây ăn quả nhiệt đới (na, thanh long, chuối...), cây dược liệu trên đất rừng.

Cơ cấu lại sản xuất theo từng lĩnh vực gồm: Trồng trọt; chăn nuôi; lâm nghiệp; thủy sản; thủy lợi; phát triển chế biến; quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm.

Tại Đề án Phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, ban hành tháng 9/2021, tỉnh tiếp tục xác định phát triển nông nghiệp là nền tảng, trụ đỡ cho nền kinh tế theo hướng hiện đại, an toàn, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến…

Đồng thời, phát triển nhanh, toàn diện nông nghiệp theo hướng hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, hướng đến xuất khẩu và cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác. Đẩy mạnh hoạt động sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP…

Xây dựng Quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh bền vững gắn với công tác bảo vệ môi trường sinh thái. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học và cơ giới hóa vào sản xuất, gắn sản xuất với công nghiệp sơ chế, chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch…

Đẩy mạnh đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu cho các nông sản chủ lực.

Minh Phúc