Lợi thế “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”
Hòa Bình tiếp giáp với các tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng, có tiềm năng về giao thông với mạng lưới giao thông đường bộ thuận lợi, thời gian di chuyển về thủ đô Hà Nội khoảng 1 giờ đồng hồ. Hòa Bình là 1 trong 8 tỉnh nằm trong quy hoạch đường vành đai 5 vùng thủ đô Hà Nội. Hệ thống giao thông đường thủy với Sông Đà chảy qua địa phận tỉnh Hòa Bình 151 km với các cảng lớn như Bích Hạ, Ba Cấp, Thung Nai, Bình Thanh.
Đánh giá về tiềm năng, cơ hội phát triển của tỉnh Hòa Bình, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: Hòa Bình có tiềm năng rất lớn về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ với các đặc sản có tiếng.
Cùng với đó là không gian phát triển du lịch, dịch vụ lý tưởng, Hòa Bình hoàn toàn có thể trở thành "bếp ăn” của Thủ đô, nhất là điểm đến cuối tuần của người dân Hà Nội và các trung tâm kinh tế phía Bắc. Song song với đó là tiềm năng phát triển công nghiệp, trong bối cảnh dịch chuyển rất lớn của dòng vốn đầu tư từ các địa phương khác do quá tải về môi trường, không gian phát triển.
Do vậy, ông Lộc đánh giá, Hòa Bình có cơ hội rất lớn đón nhận làn sóng đầu tư mới để trở thành trung tâm phát triển trong khu vực, có thể trở thành cơ sở hậu cần, nghỉ dưỡng quan trọng đối với phát triển kinh tế. Có thể nói, Hòa Bình có lợi thế lớn, đang đứng trước yêu cầu có sự phát triển đột phá hơn về năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh để thu hút dòng vốn đầu tư mới.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ
Để thực hiện quyết tâm này, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định rõ việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là yêu cầu tiên quyết để thu hút đầu tư.
Một góc thành phố Hòa Bình. |
Thực tế thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, các ngành và chính quyền địa phương đã thực thi đầy đủ điều kiện kinh doanh bãi bỏ, không cơ quan nào tự ý đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hòa Bình cũng định kỳ tổ chức gặp mặt doanh nghiệp, hợp tác xã nhân dịp đầu năm, hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn, làm việc với nhà đầu tư thực hiện các dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.
Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được thời gian qua, tiếp tục cải thiện chỉ số PCI, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2025, Hòa Bình đã đề ra một loạt các giải pháp, như: Khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động của các cơ quan để cải thiện các chỉ số có thứ hạng chưa cao như gia nhập thị trường, tính minh bạch, tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý...
Cùng với việc thực hiện cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, tỉnh sẽ áp dụng thử nghiệm Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh các huyện, thành phố và các sở, ngành (DDCI) trong năm 2021. Trung tâm xúc tiến Đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh là cầu nối đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, liên kết thị trường xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch…
Xác định quy hoạch là "chìa khóa" thu hút đầu tư
Bên cạnh đó, Hòa Bình cũng xác định công tác quy hoạch là "chìa khóa" để thu hút đầu tư. Hiện Hòa Bình đang khẩn trương hoàn thành, công khai Quy hoạch tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất…, trong đó cần xác định rõ các vị trí có lợi thế để kêu gọi, thu hút đầu tư. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, thủ tục pháp lý để nhà đầu tư có thể triển khai ngay dự án sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Kêu gọi đầu tư nhà đầu tư hạ tầng, phân bổ nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp, làm nền tảng cho sự phát triển công nghiệp của tỉnh.
Vừa qua, Sở KH&ĐT tỉnh đã đề xuất bố trí mỗi huyện, thành phố 500 triệu đồng từ nguồn vốn đầu tư công để lập quy hoạch đất đai. Sở Tài chính tham mưu, đề xuất bố trí 20,5 tỷ đồng để các huyện, thành phố lập quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn và lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với các khu đất có giá trị thương mại cao. Tạm ứng ngân sách tỉnh 5 tỷ đồng cho các huyện, thành phố thực hiện công tác lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 cấp huyện.
Trong các cuộc họp, lãnh đạo tỉnh rốt ráo đôn đốc việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong bồi thường, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư. Bố trí cán bộ, công chức có năng lực, có trách nhiệm và khả năng giao tiếp làm việc trong bộ phận tiếp xúc, giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân; Các nhà đầu tư phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, sớm triển khai các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, hoàn thành đầu tư theo tiến độ đã cam kết. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, chuẩn bị đầu tư của các dự án trọng điểm, có tác động lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh việc mạnh tay rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai, không triển khai, Hòa Bình cũng có những chính sách tốt để thu hút các nhà đầu tư chiến lược nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút các nhà đầu tư khác đến nghiên cứu, đầu tư vào tỉnh.
Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, với mục tiêu rõ ràng cùng với sự quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chắc chắn Hòa Bình sẽ sớm trở thành trung tâm phát triển của khu vực.
Minh Phúc - Vũ Anh