Mới đây ngày 28/4, Ban Chỉ đạo CNTT tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Hội thảo "An toàn thông tin mạng trong hoạt động các cơ quan Nhà nước tỉnh Hòa Bình năm 2016". Theo Cổng thông tin điện tử Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Hòa Bình đưa tin, đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo CNTT tỉnh đã phát biểu khai mạc hội thảo, trong đó yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND các cấp cần quyết tâm và quán triệt nhiệm vụ rõ ràng, thể hiện trách nhiệm người đứng đầu trong  công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng nhằm góp phần tạo sự chuyển biến chung trong cả tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Chương nhấn mạnh phải coi an toàn thông tin là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài. Vì thế tỉnh Hòa Bình cần xác định lộ trình kế hoạch ứng dụng chi tiết, xây dựng bước đi cụ thể, hoàn thiện hệ thống văn bản và tổ chức bộ máy, xây dựng và ban hành các quy chế, kế hoạch về bảo đảm an toàn thông tin mạng tại cơ quan, đơn vị, đề xuất xây dựng hệ thống, các bộ phận chuyên trách bảo đảm an toàn thông tin tại đơn vị.

A1-Hoa-Binh-Hoi-thao-An-toan-an-ninh-thong-tin-Tuong-lua-Firewall.jpg

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo CNTT tỉnh, hiện nay hạ tầng, thiết bị, phầm mềm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên địa bàn tỉnh còn thấp. Toàn tỉnh đã có mạng truyền số liệu chuyên dùng kết nối 22 Sở, ban, ngành, 11 UBND huyện, thành phố, cơ bản đảm bảo an toàn bảo mật cho việc truyền dữ liệu, văn bản điện tử của các cơ quan Nhà nước nhưng chưa đưa vào sử dụng. Hệ thống mạng LAN tại một số địa phương chưa đồng bộ, vấn đề an toàn bảo mật thông tin mạng chưa được triển khai đồng bộ khi hiện mới có 8/32 đơn vị trang bị thiết bị tường lửa (firewall), có 6 đơn vị có trang bị hệ thống sao lưu dữ liệu tập trung (SAN, DAS). Thêm nữa là mới chỉ có 55% cơ quan, đơn vị trong tỉnh trang bị phần mềm chống virus, mã độc hại cho máy tính cá nhân có bản quyền.

Tỷ lệ 8/32 đơn vị có trang bị thiết bị tường lửa thực sự là một số liệu đáng lo ngại. Nếu so sánh thì Gia Lai mới đây báo cáo trong năm 2015, UBND tỉnh đã đầu tư thiết bị tường lửa, phần mềm chống virus, thiết bị lưu trữ dữ liệu cho tất cả các Sở, ban, ngành. 100% UBND huyện, thị xã, thành phố ở Gia Lai đều đã được trang bị thiết bị tường lửa nhằm bảo vệ hệ thống mạng máy tính, máy chủ của đơn vị khỏi sự tấn công trái phép từ bên ngoài...

Hiện chưa có sự cố nào xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng ở Hòa  Bình. Tuy nhiên trong thời gian qua có một số hiện tượng, sự cố an toàn, an ninh mạng xảy ra, là vấn đề đáng quan ngại và không thể chủ quan, đó là: Mạng nội bộ của một số đơn vị bị tấn công và để lại dấu hiệu cảnh báo về việc tin tặc đã xâm nhập thành công vào hệ thống, chiếm được quyền điều khiển máy chủ hoặc một số máy trạm trong hệ thống, có thể lấy cắp, thay đổi xóa bỏ dữ liệu của đơn vị, cài mã độc để theo dõi, nằm vùng... Tài khoản email công vụ của một số cơ quan, cá nhân bị chiếm quyền, bị cài mã độc có khả năng tự phát tán email, giả mạo tài khoản email... Website của một số cơ quan có hiện tượng đã bị xâm nhập để lại các thông tin cảnh báo. Tình hình trên đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị phải tăng cường an toàn, an ninh thông tin nhằm đảm bảo tốt hơn nhu cầu công việc.

Tại hội thảo các đại biểu đã được nghe báo cáo tổng quan tình hình an ninh thông tin mạng năm 2015 và xu hướng năm 2016; báo cáo thực trạng công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước tỉnh Hòa Bình; được trang bị kiến thức về chống tấn công DDOS cho Trung tâm tích hợp dữ liệu; mô hình và giải pháp về an toàn, an ninh thông tin; mô hình, giải pháp, công nghệ ứng dụng và triển khai chữ ký số trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước. Đi cùng với đó là buổi diễn tập phòng thủ về an toàn thông tin.