Thu hút đầu tư - nhiệm vụ trọng tâm

Tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội và là cửa ngõ vùng Tây Bắc, Hòa Bình có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng, có thế mạnh phát triển công nghiệp khai khoáng, tuyển luyện quặng kim loại và sản xuất vật liệu xây dựng như vàng, sắt, nước khoáng, đá vôi, than đá...

{keywords}
Hồ Hòa Bình với tiềm năng thu hút đầu tư về du lịch. Ảnh: Thu Hường.

Với nền văn hóa Hòa Bình và các địa danh như suối khoáng Kim Bôi, chùa Tiên (huyện Lạc Thủy), vùng hồ Sông Đà có nhiều phong cảnh núi non, hang động đẹp, bản Lác (huyện Mai Châu)… tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh là rất lớn.

Hòa Bình cũng có lợi thế trở thành vùng hậu cần, cung cấp hàng hóa nông sản, thực phẩm, dịch vụ cho Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tỉnh có nhiều điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng để phát triển lâm nghiệp, thủy sản sạch... Đồng thời rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp sạch và nông nghiệp sạch gắn với phát triển du lịch với diện tích rừng, diện tích trồng cây ăn quả, cây công nghiệp lớn, nguồn nhân lực dồi dào…

Những năm qua, việc đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư luôn được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương.

Giai đoạn trước năm 2003, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình mới có 05 dự án đầu tư, gồm 03 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đăng ký khoảng 13 triệu USD và 02 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký 24 tỷ đồng.

Từ năm 2003 đến tháng 9/2019, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 587 dự án, trong đó có 39 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đăng ký 702,155 triệu USD và 548 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 70.243 tỷ đồng. 

Các nhà đầu tư đến với Hòa Bình từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Hàn Quốc là quốc gia có số dự án đầu tư tại tỉnh nhiều nhất với 19 dự án, Nhật Bản 11 dự án và các quốc gia khác như Ấn Độ, Singapore...

Tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư

Những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Năm 2020 và 2021, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư của tỉnh vẫn đạt được những kết quả nhất định, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

{keywords}
Phát triển nuôi cá dầm xanh ở xóm Củm, xã Vạn Mai (Mai Châu). Ảnh: Thu Hường.

Nhiều chương trình hành động, kế hoạch cụ thể được ban hành, qua đó Chỉ số PCI của tỉnh từng bước được nâng cao, đưa tỉnh Hòa Bình từ nhóm điều hành trung bình lên nhóm điều hành khá theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). 100% doanh nghiệp đang hoạt động thực hiện đăng ký nộp thuế điện tử với ngân hàng thương mại; 97,9% giao dịch nộp thuế hằng tháng thực hiện bằng phương thức nộp thuế điện tử.

Công tác thu hút đầu tư nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh. Nhiều dự án trọng điểm, có sức lan tỏa lớn đã được mời gọi và chấp thuận chủ trương đầu tư (07 dự án có vốn đăng ký trên 300 tỷ đồng, trong đó có 04 dự án vốn đăng ký trên 1.000 tỷ đồng).

Năm 2020, tỉnh Hòa Bình thu hút được một số dự án có vốn đầu tư lớn như: Nhà máy Xi măng Xuân Sơn, vốn đăng ký 4.989 tỷ đồng; Nhà máy Xi măng Hoàng Long Hòa Bình, vốn đăng ký 4.980 tỷ đồng; Nhà máy Lắp ráp pin mặt trời Xuân Thiện Hòa Bình, vốn đăng ký 2.100 tỷ đồng; Sân golf Phúc Tiến, vốn đăng ký 1.137 tỷ đồng và một số dự án khác.,….

Tổng số dự án đầu tư vào các khu công nghiệp là 05 dự án (trong đó có 02 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài). Các dự án đầu tư quan trọng được các cấp tập trung thực hiện, rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục hành chính, tạo thuận lợi để các nhà đầu tư sớm hoàn thành dự án, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư đều được tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời, giao việc cụ thể cho từng cơ quan thông qua các buổi làm việc, đối thoại.

Năm 2021 tỉnh Hòa Bình thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt mục tiêu đề ra tại Quyết định số 97/QĐ-UBND ngày 16/01/2021 và Quyết định 121/QĐ-UBND ngày 19/01/2021 của UBND tỉnh về Kế hoạch tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. 

Xây dựng Quy hoạch tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất... trong đó xác định rõ các vị trí có lợi thế để kêu gọi, thu hút đầu tư. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, thủ tục pháp lý để nhà đầu tư có thể triển khai ngay dự án sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Kêu gọi nhà đầu tư phân bổ nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp, làm nền tảng cho sự phát triển công nghiệp của tỉnh.

Áp dụng Bộ chỉ số DDCI để đánh giá năng lực của chính quyền cấp huyện và các sở, ngành của tỉnh trên góc độ điều hành và tạo môi trường thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh cũng như hoạt động của doanh nghiệp tại địa phương; Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong bồi thường, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư.

Tháng 7/2021, tỉnh đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cho 01 dự án đầu tư trong nước với số vốn khoảng 27,6 tỷ đồng; chấm dứt hoạt động 15 dự án đầu tư và tạm ngừng hoạt động 02 dự án do vi phạm quy định pháp luật về đầu tư. Lũy kế từ đầu năm đến tháng 7/2021 đã quyết định chủ trương đầu tư cho 06 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn là 168,7 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 17 dự án.

Tính đến tháng 8/2021, toàn tỉnh có tổng số 617 dự án đầu tư; trong đó: 40 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 583,8 triệu USD và 577 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 117.256,7 tỷ đồng.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư. Đồng thời, áp dụng nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư với các dự án trên địa bàn phù hợp với thực tế của địa phương. Chọn lọc kỹ, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường. Đảm bảo công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến các thủ tục thu hút đầu tư; tập trung giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để bàn giao cho nhà đầu tư.

Quan tâm tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp đã và đang sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá và tổ chức xúc tiến đầu tư.

Ngoài ra, Hòa Bình sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng và lợi thế như sản xuất vật liệu xây dựng; xây dựng nhà máy thủy điện; xây dựng kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị; công nghiệp chế biến nông lâm sản; công nghiệp chế tạo, cơ khí; đầu tư phát triển du lịch; đào tạo nguồn nhân lực; trồng rừng; thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, chơi gofl, du lịch hội nghị - hội thảo, du lịch văn hóa - di tích lịch sử...

Minh Phúc