Theo Kế hoạch số 02/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024, tỉnh Hòa Bình phấn đấu hoàn thành mục tiêu bình quân tiêu chí nông thôn mới đạt 16,3 tiêu chí/xã; chuẩn hóa thêm trên 16 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Tiếp tục hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế; Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn; Tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân.
Dự kiến, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình trong năm 2024 là 2.963,567 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp cho chương trình 161,706 tỷ đồng; nguồn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện 214,445 tỷ đồng; nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn nông thôn của tỉnh là 527,416 tỷ đồng; vốn tín dụng 2.000 tỷ đồng; vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác 60 tỷ đồng.
Để hoàn thành mục tiêu, UBND tỉnh Hoà Bình đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Truyền thông thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng nông thôn mới; Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống Ban Chỉ đạo và Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới các cấp; Triển khai xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu theo Bộ tiêu chí khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và vườn mẫu của tỉnh; Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho cư dân nông thôn...
Về nguồn lực, ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và tỉnh, các địa phương chủ động cân đối dành một phần nguồn lực từ ngân sách địa phương hỗ trợ cho Chương trình xây dựng nông thôn mới và lồng ghép thực hiện với nguồn vốn của các chương trình khác để hoàn thành kế hoạch đề ra. Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách cho các xã đặc biệt khó khăn, các xã đăng ký đạt chuẩn trong giai đoạn 2021 - 2025.
Các cấp, ngành, địa phương tập trung cải thiện một số tiêu chí còn đạt ở mức thấp, như: huy động nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nước sạch, môi trường... Ưu tiên nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã; mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho cư dân nông thôn.
Các ngành, các cấp thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp phù hợp với khả năng. Phát huy vai trò của lực lượng vũ trang tỉnh Hoà Bình trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động các nguồn lực từ xã hội, doanh nghiệp đóng góp sức lực, của cải vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.