Cuối tháng 11 vừa qua, Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình và Công ty FUSA- Eco Hòa Bình tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô bưởi Hòa Bình đầu tiên theo đường biển sang thị trường EU. Đơn hàng lần này là giống bưởi đỏ Tân Lạc và bưởi da xanh trồng trên đất Hòa Bình.

Ông Nguyễn Ngọc Nam - Phó Tổng Giám đốc Công ty Công ty FUSA- Eco Hòa Bình, cho biết, doanh nghiệp đã có 3 năm tham gia xuất khẩu quả bưởi Hòa Bình. Năm nay, đơn hàng đặt mua bưởi nhiều hơn vì người tiêu dùng quốc tế đánh giá rất cao chất lượng quả bưởi của tỉnh.

Tuy nhiên, để mở rộng thị trường và tăng giá trị xuất khẩu cho quả bưởi, ông đề nghị cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp tỉnh cần quan tâm hướng dẫn nông dân tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, cấp thêm các mã số vùng trồng, giám sát quá trình canh tác để quả bưởi xuất khẩu ngon hơn và mẫu mã ngày càng đẹp hơn.

W-trong buoi.png
Tỉnh Hoà Bình đã cấp 88 mã số vùng trồng cây ăn quả. Ảnh: NN

Là tỉnh miền núi phía Bắc, khai thác tốt lợi thế địa hình đất đồi dốc nên những năm gần đây Hoà Bình được biết đến là “thủ phủ cây có múi” và là một trong những vựa chè lớn ở nước ta. 

Ông Đinh Công Sứ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, chia sẻ, với đặc thù đa dạng về khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng cho phép Hòa Bình có thể phát triển nhiều loại cây trồng khác nhau, đặc biệt là cây ăn quả. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 16.000 ha cây ăn quả các loại, trong đó chủ lực là cam, bưởi, chanh…

Xác định cây ăn quả là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương, tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách như cải tạo vườn tạp, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng đề án tái canh cây ăn quả có múi, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc.

Tất cả đều dựa theo tinh thần xuyên suốt “tập trung nâng cao chất lượng chuỗi giá trị nông sản, không phát triển nóng”, ông nhấn mạnh.

Theo thống kê, toàn tỉnh đã có 88 mã số vùng trồng cây ăn quả, trong đó 53 mã số phục vụ xuất khẩu; hơn 2.400 ha cây ăn quả được cấp các chứng nhận an toàn như GlobalGAP, VietGAP, hữu cơ. Nhiều sản phẩm như chuối, cam, bưởi được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường như Mỹ, Canada, EU…

Còn với mặt hàng chè, tổng diện tích hiện có khoảng 870 ha. Trong đó, 6 huyện có vùng sản xuất chè tập trung với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, lịch sử và các giống chè đặc trưng gồm: Yên Thủy, Lạc Thủy, Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Lương Sơn. 

Đầu tháng 11, ngành nông nghiệp đã triển khai kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển bền vững, đa giá trị cây chè trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2024-2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 sẽ ổn định diện tích chè toàn tỉnh đạt khoảng 1.200 ha; sản lượng đạt 13,8 nghìn tấn. 

Tỉnh Hoà Bình cũng đặt mục tiêu 80% sản xuất theo hình thức hợp tác, liên kết, 20% sản lượng chè đưa vào chế biến sâu; 100% diện tích được quản lý và cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu nhập khẩu; có 5 sản phẩm chế biến, 3 sản phẩm phi vật thể; 1 bộ tiêu chuẩn của một số sản phẩm chè Hòa Bình.

Trước đó, Sở NN-PTNT tỉnh Hoà Bình đã ban hành công văn về việc tăng cường hoạt động cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Sở yêu cầu Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề ra những giải pháp nhằm quản lý tốt việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và duy trì theo đúng quy định.

Sở NN-PTNT tỉnh cũng yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói trên các loại cây trồng chủ lực, có lợi thế. 

Ngoài ra, có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất hoàn thiện các điều kiện về nhân lực, yêu cầu kỹ thuật, cơ sở hạ tầng của các vùng trồng và các cơ sở sơ chế biến, đóng gói sản phẩm xuất khẩu. Huy động, lồng ghép các nguồn lực để tăng cường hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của cơ sở sơ chế, đóng gói và vùng trồng phục vụ xuất khẩu.

Đối với các vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã số, cần thực hiện tốt việc duy trì các điều kiện đối với mã số được cấp theo đúng quy định; thông tin thường xuyên đến cơ quan chuyên môn về việc tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; chủ động cập nhật thông tin kịp thời về yêu cầu của các nước nhập khẩu nông sản để áp dụng thực hiện. Chủ sở hữu mã số được cấp cần lưu trữ, bảo quản hồ sơ, ghi chép nhật ký và cập nhật nhật ký lên phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia theo đúng quy định.

Hà Giang