Phát biểu tại một Diễn đàn về môi trường được tổ chức mới đây, đại diện tỉnh Hòa Bình cho biết: Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện nay, việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) do các đơn vị đơn vị dịch vụ như công ty, hợp tác xã thực hiện. Việc thu gom CTRSH được thu gom bằng xe đẩy tay thu gom rác về các vị trí tập kết, sau đó sẽ được xe tải thu gom theo giờ quy định, vận chuyển về các khu xử lý để xử lý rác.
Về cơ bản, các đơn vị đã thực hiện thu gom cơ bản đáp ứng với thực tế phát sinh, được thu gom hàng ngày về khu xử lý, rác không bị tồn đọng tại gây mất quan, ảnh hưởng tới môi trường. Tại một số xã khu vực nông thôn việc thực hiện thu gom rác là do UBND xã thành lập các tổ, đội thu gom. Tuy nhiên, còn một số xã nông thôn và các xã vùng núi, vùng sâu chưa có dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, chủ yếu là các hộ dân tự xử lý bằng phương pháp đốt, chôn lấp tại chỗ hoặc tại các bãi chôn lấp, đốt rác tự phát.
Đại diện tỉnh Hòa Bình cùng cho biết, hầu hết công nghệ xử lý CTRSH nhập khẩu không phù hợp với đặc thù CTRSH tại Việt Nam do chưa được phân loại tại nguồn, nhiệt trị thấp, độ ẩm của không khí cao... Thiết bị, công nghệ xử lý CTRSH chế tạo trong nước chưa đồng bộ, chưa hoàn thiện, nên chưa thể phổ biến và nhân rộng.
Thực tế, trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, công tác phân loại rác tại nguồn chưa được thực hiện, CTRSH còn lẫn nhiều chất thải xây dựng, chất thải có nhiệt trị thấp, độ ẩm cao, lẫn các vật liệu khó đốt dẫn các lò đốt bị hỏng, phải tạm dừng hoạt động để sửa chữa, bảo dưỡng; công suất xử lý không cao. Ngoài ra, một số bãi chôn lấp đã đầy, không còn khả năng tiếp nhận rác. Do vậy, tại một số thời điểm rác thải được tập kết mà không qua xử lý kịp thời, gây mất mỹ quan và gây bức xúc trong dư luận.
Phương thức xử lý CTRSH tại Hòa Bình chủ yếu vẫn là chôn lấp, các bãi chôn lấp chủ yếu tồn tại từ lâu, tiêu tốn quỹ đất; tỷ lệ chất thải được xử lý kết hợp thu hồi năng lượng còn thấp. Nhiều cơ sở xử lý CTRSH đã được xây dựng và vận hành nhưng chưa đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Trên thực tế, công tác xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình gặp nhiều khó khăn và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó về năng lực (công nghệ, tài chính) của một số chủ dự án xử lý chất thải rắn có ảnh hưởng đến hoạt động xử lý rác gây tồn đọng rác, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Các dự án xử lý CTRSH đòi hòi vốn lớn, thời gian thực hiện dài, thu hồi vốn khó khăn, tính toán thu hồi vốn phức tạp.
Bên cạnh đó, nhận thức của nhân dân về xử lý rác thải còn chưa cao, nhiều nơi nhân dân vẫn chưa đồng thuận hoặc ngăn cản việc triển khai xây dựng, hoạt động của các khu xử lý rác thải. Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách còn khó khăn, các nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực này do lợi nhuận thấp, rủi ro cao.
Để giải quyết được các tồn tại trên, tỉnh Hòa Bình đề nghị Quốc hội và Chính phủ bổ sung và tăng cường nguồn lực đầu tư từ ngân sách, kinh phí sự nghiệp môi trường cho các chương trình mục tiêu, đề án, dự án trọng điểm xử lý, cải tạo phục hồi môi trường các bãi rác không hợp vệ sinh; ban hành các quy định về phí, giá dịch vụ môi trường và cơ chế huy động các nguồn lực trong xã hội nhằm thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong công tác thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý CTRSH. Chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý CTRSH. Đặc biệt là hướng dẫn, tuyên truyền việc tổ chức thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn ở hộ gia đình, khu, cụm dân cư, cơ quan, công sở, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, đảm bảo đồng bộ từ khâu phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển đến khâu tái chế và nơi xử lý.