Bốn đột phá chiến lược

Ông Quách Thế Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết, Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XVII là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa đánh dấu bước phát triển mới của tỉnh Hòa Bình. Đưa Nghị quyết Đại hội vào thực tiễn là một nhiệm vụ rất quan trọng nên Ban Tuyên giáo đã tham mưu Tỉnh ủy lãnh đạo việc cụ thể hóa nội dung Nghị quyết vào kế hoạch thực hiện của từng địa phương, đơn vị.

{keywords}
Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy Hoa Bình tham dự Hội nghị sơ kết công tác tuyên giáo 6 tháng đâu năm của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Trong đó đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị tập trung xây dựng chương trình hành động, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của cấp mình. Xây dựng kế hoạch tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân. Đồng thời hướng dẫn cấp dưới tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và xây dựng chương trình hành động, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết.

Trên cơ sở bám sát, cụ thể hóa chương trình hành động của cấp tỉnh, cấp ủy cấp huyện và cấp cơ sở, tổ chức đảng chọn những nội dung cụ thể, liên quan trực tiếp tới địa phương, đơn vị mình để bổ sung xây dựng chương trình hành động của tập thể cấp ủy. Chương trình hành động gắn với những chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đặt mục tiêu: "Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước; đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực trung du, miền núi Bắc Bộ và đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển của cả nước".

"Để hiện thực hóa mục tiêu mang tính cách mạng này đòi hỏi các cấp, các ngành phải có quyết tâm chính trị, nỗ lực cao nhất thực hiện 4 đột phá chiến lược được Đại hội đề ra", ông Quách Thế Ngọc nói.

Theo đó, 4 đột phá chiến lược bao gồm: 

- Thứ nhất, nâng cao chất lượng xây dựng quy hoạch tỉnh để có tầm nhìn dài hạn và đặc biệt phải quản lý theo quy hoạch. Trước đây, chất lượng quy hoạch rất thấp, tầm nhìn ngắn và một số trường hợp chạy theo nhà đầu tư nên dễ chồng lấn, vụn vặt. 

- Thứ hai là về thể chế, cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nhà đầu tư. Hiện, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh còn thấp - đứng thứ 48. Tỉnh đặt mục tiêu mỗi năm phấn đấu cải thiện tối thiểu 3 bậc để lọt top 30.

- Thứ ba, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông mang tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội như quốc lộ, tỉnh lộ quan trọng có tính đối ngoại, đường đô thị, đường đến các khu, cụm công nghiệp, qua các vùng động lực kinh tế của tỉnh, đường kết nối với Khu du lịch Quốc gia hồ Hoà Bình.  

- Thứ tư là phát triển nguồn nhân lực. Tỉnh đã có chương trình riêng cho giáo dục để nâng cao chất lượng đào tạo. Cùng với đó là quan tâm đào tạo nghề, đào tạo hướng nghiệp, tập trung vào những ngành nghề Hòa Bình sẽ phát triển, như du lịch, công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao...

{keywords}
Ông Quách Thế Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình.

Đến nay, sau gần 1 năm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đi vào cuộc sống, tỉnh đã ghi nhận nhiều kết quả vượt bậc. Dù dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, song,với sự chủ động, quyết liệt, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự đồng lòng ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, đến thời điểm này, Hòa Bình được đánh giá là một trong những tỉnh phòng, chống dịch bệnh hiệu quả của cả nước. Từ đó giúp tỉnh thực hiện khá tốt mục tiêu kép.

Trong 9 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,91%; công nghiệp - xây dựng tăng 12,15% (công nghiệp tăng 13,17%); dịch vụ tăng 5,06%; thuế sản phẩm tăng 10,8%. Cùng với đó là văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo; quốc phòng - an ninh luôn ổn định, giữ vững.

Tỉnh đã thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. Nổi bật là Chương trình Xây dựng nông thôn mới được các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân và cộng đồng doanh nghiệp chung tay góp sức thực hiện.

Năm 2018, TP Hòa Bình đã sớm về đích xây dựng nông thôn mới. Năm 2019 huyện Lương Sơn và năm 2020 là huyện Lạc Thủy được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh đã có 58/131 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. 

Nhiều giải pháp thiết thực

Tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến việc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 thời gian qua. Việc nghiên cứu học tập, quán triệt Nghị quyết chủ yếu là hội nghị trực tuyến trong điều kiện giãn cách chống dịch nên kết quả còn hạn chế. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, Hòa Bình đã có những giải pháp khắc phục để đưa Nghị quyết vào cuộc sống và có những tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh. 

{keywords}
Bằng sự nỗ lực, Hòa Bình đã có những giải pháp khắc phục nhằm đưa Nghị quyết vào cuộc sống trước tác động tiêu cực của dịch Covif-19.

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã tham mưu, hướng dẫn tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII toàn trên địa bàn tỉnh. Việc học tập, quán triệt tập trung vào những nội dung cốt lõi, những vấn đề mới trong các văn kiện, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII; Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030; Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng...

Căn cứ Nghị quyết Đại hội và chương trình hành động đã thông qua tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối chiếu, rà soát với nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để cập nhật, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan. Chỉ đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh bổ sung, sửa đổi kế hoạch thực hiện Nghị quyết của cấp mình đã xây dựng, cụ thể hóa bằng các đề án, kế hoạch theo từng lĩnh vực, có lộ trình rõ ràng để triển khai thực hiện. 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng yêu cầu việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng phải được tiến hành khẩn trương nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả trong suốt cả nhiệm kỳ. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chủ trì và chịu trách nhiệm về chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; xây dựng chương trình hành động của cấp ủy. 

Để đánh giá việc đưa nghị quyết vào cuộc sống, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hòa Bình đã thành lập 03 đoàn kiểm tra công tác quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đối với các huyện, thành ủy, đảng uỷ trực thuộc.

"Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp đều quán triệt, nắm vững và thực hiện đúng đắn, sáng tạo Nghị quyết của Đảng", ông Quách Thế Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình nhấn mạnh. 

Hồng Hạnh