Có thể thấy, dường như "bóng ma" của đại dịch COVID-19 đã phủ lên hầu hết các lĩnh vực của đời sống, các ngành nghề trong xã hội. Hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống của người nông dân cũng đã phải chịu những tác động rất lớn.
Trông trời, trông đất, trông dịch mau qua…
Sáng ngày đầu tháng 9, bà Thanh (phường Tây Tựu, Hà Nội) thoăn thoắt ngắt lứa hoa đồng tiền đến vụ thu. Vậy nhưng, những bó đồng tiền rực sắc đỏ không mang lại thu nhập của người nông dân này.
"Bình thường nếu đắt hàng thì bán được 1.000 đồng/bông, không thì 500 đồng/bông. Giờ không bán được, 100 đồng/bông cũng không ai mua", bà Thanh chia sẻ.
Hoa rực rỡ bao nhiêu, đau lòng bấy nhiêu, bởi hoa không phải là hàng thiết yếu trong những ngày giãn cách phòng chống đại dịch COVID-19, nên người nông dân đành ngắt bỏ do không thể vận chuyển buôn bán.
Không thể bán, nhưng người nông dân cũng không thể buông vườn, bởi để có lứa hoa đến ngày thu bông là 6 tháng vất vả, dồn cả công lẫn của trên mảnh đất thuê mướn.
Hoa rực rỡ bao nhiêu, đau lòng bấy nhiêu (Ảnh minh họa: Dân trí) |
Trong khi đó, những người nông dân ở xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, Hà Nội, lại đứng ngồi không yên bởi đặc sản nhãn chín muộn hiện vẫn trĩu cành. Ước tính, cả xã có tới hơn 2.000 tấn nhãn chờ được tiêu thụ, sau những nỗ lực kết nối cung cầu theo nhiều hình thức.
"Mọi năm có hoa quả thì cây nào bán được cây đấy. Năm nay không bán nổi", bà Nguyễn Thị Kín, xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, cho hay.
Không bán nổi nông sản của mình, nhất là với những hộ gia đình như nhà chị Kiện (tại xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, Hà Nội), khó chồng thêm khó. Nhà cận nghèo, chồng mất gần 10 năm, mình chị Kiện nuôi 4 con bằng số tiền thu được từ bán hoa màu ngắn ngày. Những ngày giãn cách, rau cũng khó bán hơn. Chị cho biết, nếu dịch cứ kéo dài mãi, bữa cơm của 5 mẹ con sẽ không thể có được mớ ốc bươu vàng như hôm nay.
Lứa ngô nhà chị Kiện đang lên tốt, sắp đến ngày trổ bông. Lứa hoa mới nhà bà Thanh đã nhú lá non. Những vụ mùa vẫn phải tiếp tục và trong cái trông trời, trông đất của người nông dân là cả nỗi trông dịch chóng qua, để những tờ giấy đi đường từ nhà đến ruộng sớm không phải dùng tới nữa.
Mong muốn về việc không phải dùng tới những tờ giấy đi đường của người nông dân làng hoa Tây Tựu cũng là mong mỏi đại dịch sẽ sớm được khống chế và đẩy lùi. Mọi hoạt động sinh hoạt cũng như sản xuất sớm trở lại bình thường. Bởi dưới tác động của đại dịch COVID-19, không chỉ có rau màu cần được hỗ trợ tiêu thụ, mà các nông hộ chăn nuôi cũng đang phải xoay xở để cứu lấy chuồng trại của mình.
Trông… xuất chuồng, trông… tái đàn
Gần trưa, khi mẹ gọt dăm quả mướp nấu bữa ăn qua quýt ở trại gà cũng là lúc anh Quân (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) lo bữa ăn cho 2.500 con gà đã đến ngày xuất chuồng của mình.
"Đến giai đoạn này là gà không lớn được nữa. Cám ăn ngày càng nhiều, bây giờ nuôi ngày nào là lỗ thêm ngày ấy, càng nuôi càng lỗ", anh Quân cho biết.
Thời điểm gà đến lứa xuất chuồng lại rơi đúng vào thời gian giãn cách xã hội. Giá gà rớt, rẻ, không đủ hòa vốn, nhưng cũng không có người mua.
May mắn hơn gia đình anh Quân, gia đình nhà chị Oanh (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) chuồng đã trống. Thế nhưng, trống chuồng không có nghĩa là tiền về đầy túi, bởi đàn gà hơn 3.000 con nhà chị cũng đã phải bán lỗ, bán chạy ngay đầu thời gian giãn cách xã hội.
Giá gà rớt, rẻ, không đủ hòa vốn, nhưng cũng không có người mua. (Ảnh minh họa: TTXVN) |
"Cách đây hơn 1 tháng, nhà mình xuất chuồng, chưa phải cầu cứu, nhưng giá quá rẻ. Gia đình phải bán vội, ship cho các hộ dân quanh đây, không đi ra được ngoài kia. Nhà tôi lỗ 70 triệu, nghĩ xót xa quá", chị Oanh chia sẻ.
10 năm nuôi gà, chị Oanh cho biết chưa khi nào lỗ đau như lứa gà vừa rồi, nhưng theo chị, dù lỗ vẫn phải giấu, để còn giữ tiếng, đi vay người ta lấy ít đồng vốn mà nuôi tiếp, gỡ gạc.
Mỗi ngày một lượt, chị Oanh vẫn dọn lại chuồng trại để đỡ ẩm mốc, đỡ chuột phá và vẫn phải cửa đóng, then cài trong cái thở dài: bao giờ chuồng thôi trống. Trong khi, cách đó vài nhà, anh Quân dốc nốt số cám vào máng, một bao cám nữa lại hết trong nỗi mong được trống chuồng của người nông dân này.
Cùng nông dân vượt khó mùa dịch
Ngày 31/8 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ra mắt diễn đàn "Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản". Ngày 1/9, diễn đàn trực tuyến "Hà Nội 2021 - Kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và Nông sản, thực phẩm an toàn" do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội kết hợp với các cơ quan, ban ngành tổ chức. Nhiều chính sách, biện pháp để hỗ trợ kết nối cũng như tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản đang được thực hiện trên cả nước.
Ngay tại mỗi thôn, xã, hoạt động chung tay để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cũng đang được thực hiện tích cực, mang lại những hiệu quả nhất định.
Khoảng 1 tháng nay, mướp, đỗ, ngô, rau màu đủ loại được bà con thu hoạch, tập trung về UBND xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, Hà Nội để tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản của xã thu mua.
Một tháng nay, chị Yến (Bí thư Đoàn xã Vân Côn) cũng tất bật với việc chốt số lượng rau, củ của thôn này, thôn kia và gọi mối này bán mướp, mối kia bán ngô, bán đậu.
"Công việc hàng ngày của chúng tôi thường thường sẽ bắt đầu từ 5h sáng, thuận lợi thì kết thúc trước 10h sáng. Còn không thì phải 7h tối mới xong. Mục tiêu giúp bà con là tiêu thụ hết nông sản thu hoạch của ngày hôm đó. Nếu hôm nào tồn quá nhiều thì chúng tôi phải nghĩ ra mọi cách để kết nối với khách hàng tiêu thụ cho bà con, không để ùn ứ nông sản", chị Yến cho biết.
Hơn 90% hộ dân xã Vân Côn làm rau màu, sản lượng trung bình trên dưới 10 tấn/ngày. Rau màu ngắn ngày nên nếu không tiêu thụ kịp thì chỉ có cách đổ bỏ.
(Theo VTV)
Đặc sản 'tiến vua' giá thấp chưa từng thấy, chỉ ngang ngửa hàng chợ
Thời gian gần đây, do dịch bệnh bùng phát mạnh, nhiều hàng quán đóng cửa dẫn đến không xuất bán được khiến giá cá lăng giảm mạnh.