Thời điểm ngừng phát sóng chính thức truyền hình tương tự (analog) mặt đất tại 4 tỉnh, thành phố lớn gồm Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM và Cần Thơ vừa được Ban chỉ đạo số hóa truyền hình Việt Nam thống nhất quyết định là ngày 15/8/2016. Trước đó, Ban chỉ đạo đã quyết định thời điểm tắt sóng mềm 7 kênh truyền hình analog không thiết yếu ở Hà Nội, Cần Thơ và TP.HCM,

Ban chỉ đạo mới chỉ quyết định thời điểm tắt mềm 7 kênh truyền hình analog không thiết yếu ở Hà Nội, Cần Thơ và TP.HCM là vào ngày 15/6/2016.

Khi ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ và TP.HCM, sẽ có 19 tỉnh lân cận của 4 thành phố này bị ảnh hưởng đến việc thu xem truyền hình. Trong đó, có tỉnh bị ảnh hưởng toàn bộ, có tỉnh bị ảnh hưởng một phần, do người dân tại các tỉnh lân cận đang thu xem nhiều kênh truyền hình được phát sóng từ 4 thành phố nêu trên.

Cụ thể, 19 tỉnh lân cận bị ảnh hưởng do ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM và Cần Thơ gồm có: Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Vĩnh Long, Hậu Giang Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Nai và Long An. Như vậy, ước tính sẽ có khoảng 50% dân số nằm trong vùng số hóa truyền hình của giai đoạn 1

Theo Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam, tại phiên họp lần thứ 7 vào ngày 21/1/2015, Ban chỉ đạo Đề án đã quyết định ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất theo nguyên tắc ngừng phủ sóng analog đến đâu thì phải phủ sóng truyền hình số mặt đất các kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu và hỗ trợ đầu thu truyền hình số đến đó.

Tại phiên họp thứ 10 của Ban chỉ đạo, Tiểu ban giúp việc cũng đã cho biết, Bộ TT&TT phối hợp cùng UBND 4 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, TP.HCM và 19 tỉnh lân cận xác định được dự kiến khoảng 454.673 hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn Trung ương (theo Quyết định 1294/QĐ-LĐTBXH  ngày 10/9/2015) theo vùng bị ảnh hưởng khi tắt sóng truyền hình tương tự  mặt đất tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương sẽ được hỗ trợ đầu tư STB trong thời gian tới. Đồng thời, Bộ TT&TT đã giao Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích làm chủ đầu tư xây dựng dự án hỗ trợ đầu thu truyền hình số.

Đại diện Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích cho biết, thời gian qua, Quỹ đã thực hiện công tác đấu thầu, lựa chọn các đơn vị phân phối, lắp đặt đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo theo đúng các quy định của pháp luật. Đến thời điểm hiện tại, đã lựa chọn được các doanh nghiệp phân phối, lắp đặt đầu thu  truyền hình số, đó là: VNPT Technology, Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện  VTC và TECAPRO.

Về tiến độ, đại diện Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích cho hay, đến nay Quỹ đã ký xong với các nhà thầu, đồng thời cũng đã tiến hành làm việc sơ bộ với các Sở TT&TT tỉnh, thành phố. Dự kiến, việc hỗ trợ, lắp đặt đầu thu truyền hình số DVB-T2 cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại 4 thành phố lớn sẽ đảm bảo hoàn tất trước ngày 15/5/2016.

Liên quan đến công tác hỗ trợ đầu thu, Tiểu  ban giúp việc Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam cho biết, ngày 19/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 59/2015/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 có hiệu lực từ ngày 5/1/2016. Theo đó, tiêu chuẩn về thu nhập đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo cao hơn so với tiêu chí áp dụng cho giai đoạn 2011-2015. Bên cạnh đó, Quyết định 59 còn bổ sung thêm quy định về tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. Số lượng hộ nghèo, cận nghèo dự kiến tăng khoảng 20-30% so với số liệu hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2014.

Với giả định mức tăng từ 20-30%, số hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện hỗ trợ  đầu  thu truyền hình số trong giai đoạn 2 sẽ khoảng 660.000 - 715.000 đầu thu, thay vì hơn 550.000 đầu thu như ước tính hiện nay. Như vậy, kinh phí hỗ trợ đầu thu sẽ  bị đội lên. Do đó, Tiểu ban giúp việc đề nghị Ban chỉ đạo giao Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ TT&TT) chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất vấn  đề điều chỉnh kinh phí cần thiết để hỗ trợ đầu thu cho các giai đoạn tiếp theo.

Ngoài ra, theo kế hoạch, trước ngày 31/12/2016 sẽ thực hiện ngừng phủ sóng tuyền hình tương tự mặt đát tại 25 tỉnh nhóm II (gồm Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang và Hậu Giang). Theo Tiểu ban giúp việc, dự kiến tổng thời gian triển khai công tác chuẩn bị hỗ trợ đầu thu truyền hình số và thời gian triển khai hỗ trợ, lắp đặt đầu thu cho các hộ nghèo, hộ cần nghèo khoảng 6-7 tháng. Vì vậy, để đảm bảo triển khai đúng tiến độ số hóa và ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất giai đoạn 2 vào ngày 31/12/2016, Tiểu ban giúp việc đề xuất các thủ tục liên quan đến việc hỗ trợ đầu thu phải được khởi động vào tháng 6/2016.

Trong phát biểu kết luận phiên họp thứ 10 của Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã lưu ý các đơn vị về công tác hỗ trợ đầu thu. Thứ trưởng nhận định,

Rút kinh nghiệm từ việc tắt sóng analog tại Đà Nẵng phải lùi thời gian, cũng như việc 4  thành phố lớn phải điều chỉnh thời hạn nguyên nhân là do công  tác  hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo bị chậm, không kịp thời, Thứ trưởng yêu cầu Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích khẩn trương xây dựng kế hoạch và quy trình các bước tiến hành hỗ trợ đầu thu để đẩy nhanh tiến độ.

Đối với việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số ở giai đoạn 2, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn giao Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích phối hợp với Cục Tần số vô tuyến điện để tiến hành hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc các tỉnh nhóm II.