Trong bối cảnh nhiều thành phố, khu đô thị phong tỏa trên diện rộng, nhiều hộ kinh doanh, đặc biệt là những người buôn bán nhỏ, tiểu thương chật vật tìm cách xoay sở để tiếp tục bán hàng, đảm bảo thu nhập.

{keywords}
Việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa là hết sức quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp hiện nay. Ảnh Hoài Linh

Tính đến đầu tháng 7, để phòng chống dịch, trên địa bàn TP.HCM đã có hơn 100 chợ truyền thống tạm dừng hoạt động, chưa kể các chợ tự phát. Các chợ còn lại hoạt động cầm chừng, thu hẹp gian hàng, lượng khách giảm sút.

Trong bối cảnh này, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã đề xuất Sở Công Thương TP.HCM xây dựng kênh bán hàng thương mại điện tử cho chợ truyền thống.

Theo đó, VECOM sẽ hỗ trợ tiểu thương xây dựng dữ liệu nhà cung cấp, số điện thoại mặt hàng, giá cả, hình ảnh. Bên cạnh đó, hiệp hội sẽ giúp tiểu thương kết nối, sử dụng điện thoại thông minh liên kết với các đơn vị vận chuyển, doanh nghiệp công nghệ ứng dụng cùng tham gia.

“Chúng tôi sẽ phối hợp với ban quản lý các chợ được chọn thí điểm tập huấn cho tiểu thương kỹ năng cơ bản để bán hàng trên môi trường số. Tiểu thương có thể liên kết với nhau, kết hợp hàng hóa theo thực đơn gồm rau, cá, gia vị... để người tiêu dùng dễ dàng chọn lựa. Để triển khai hiệu quả cần sự phối hợp của tất cả đơn vị liên quan. Nếu triển khai thành công, sẽ là một kịch bản để ứng phó khi dịch bệnh xảy ra bất cứ lúc nào” - ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch VECOM, cho hay.

Tại cuộc họp sáng 6/7 với Sở Công Thương, các hội cho rằng nếu áp dụng, đề án này có thể triển khai thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 giải quyết nhanh với mô hình đơn giản theo quy trình "traffic - bán hàng - vận hành - thanh toán". Trong đó, với "traffic" (lưu lượng giao dịch buôn bán -PV), theo ông Bảo, bước này, người bán đột ngột bị mất kết nối với người mua. Vì vậy, giải pháp đặt ra là dùng các kênh thông tin từ các cơ quan, tổ chức để kết nối cho người bán và người mua gặp nhau.

Cụ thể, cần tập hợp danh sách tiểu thương và hàng hoá cung cấp (danh sách này được tiểu thương xác nhận). Sau đó, Ban quản lý các chợ triển khai truyền thông tại chợ bằng cách: Dán thông tin mã QR Code để người mua lấy dữ liệu; Gửi thông tin đến các hộ dân trong khu vực bằng tờ rơi, hệ thống loa đài hoặc cho đăng tải trên các fanpage, mạng xã hội của các quận, huyện để người dân dễ tiếp cận; Thống kê thông tin các chợ và cho truyền thông trên hệ thống phương tiện thông tin đại chúng, giúp người mua dễ dàng lấy được danh sách cung cấp từ tiểu thương các chợ; Hệ thống biển quảng bá thông tin để người mua dễ tiếp cận và truy cập, có QR code tải dữ liệu.

Còn đối với khâu bán hàng, các tiểu thương sẽ bán hàng thông qua điện thoại thông minh với các hình thức nghe gọi, ứng dụng chat. Tiểu thương sẽ được đào tạo cách sử dụng ứng dụng chat, gọi video (video call), tạo nhóm khách hàng, đăng tải tệp (file) và hình ảnh.

Việc vận hành sẽ được giải quyết tốt qua 2 khâu bằng cách đóng gói hàng an toàn và tương tác với nhà vận chuyển, sẽ đào tạo và kêu gọi chính sách hỗ trợ từ các nhà vận chuyển. Cuối cùng, việc thanh toán sẽ thông qua các hình thức: Chuyển khoản qua ngân hàng; Thanh toán qua ví; Thanh toán COD thông qua kênh các nhà vận chuyển. 

Đối với công tác truyền thông cho giai đoạn một, theo kiến nghị của Hội Quảng cáo TP. HCM, để cả cộng đồng tiêu dùng Hồ Chí Minh nhận biết và truy cập và liên hệ, cần tổ chức truyền thông mạnh trên các phương tiện bản biển, báo điện tử, mạng xã hội. Đồng thời, khi truyền thông mạnh thì trang cổng thông tin tiểu thương cần phải phong phú nhiều chợ.

Bên cạnh đó, nếu triển khai thí điểm chỉ cho một chợ thì sẽ không truyền thông mạnh được. Khi đó sẽ không nhiều người biết và không nhiều người truy cập và khó đo được độ hiệu quả. Vì thế, Hội Quảng cáo nên đề xuất triển khai đồng loạt ở tương đối nhiều chợ để truyền thông hiệu quả nhất. Còn trong trường hợp thí điểm một chợ thì chỉ chia sẻ trên các kênh nội bộ và hoàn thiện quy trình là chủ yếu.

Thúy Hạnh