Nhằm mục đích nâng cao hiệu quả, củng cố năng lực phát triển của các tổ đoàn kết gắn với sản xuất trên biển mang tính bền vững, mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt "Phương án củng cố và phát triển tổ đoàn kết sản xuất trên biển từ nay tới năm 2030".
Theo đó, từ nay tới năm 2025, tỉnh Thanh Hóa đưa ra mục tiêu sẽ có 100% tàu cá hoạt động vùng khơi tham gia tổ đoàn kết trên biển. 50% thuyền trưởng, chủ tàu tham gia tổ đoàn kết được tham gia các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực, kiến thức về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU, bảo vệ an ninh biển đảo, các kỹ năng ứng phó với sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Những thuyền tham gia tổ đoàn kết đều được hỗ trợ thông tin cảnh báo ngư trưởng, diễn biến thời tiết, tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ các tàu về công tác tìm kiếm cứu nạn, khai thác an toàn, tránh ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên của biển, bảo tồn hệ sinh thái biển.
Với mô hình tổ đoàn kết trên biển, dự tính đến năm 2030, 80% tàu tham gia tổ sản xuất được trang bị kiến thức khai thác, bảo vệ thủy sản, chống IUU, bảo vệ chủ quyền, tìm kiếm cứu nạn. Ứng dụng các mô hình sản xuất nâng cao sản lượng thủy sản, hỗ trợ cùng nhau phát triển.
Các phương án hoạt động của tổ đoàn kết nhóm tàu này được ứng dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường nâng cao chất lượng hoạt động. Đẩy mạnh chuyển đổi phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ sang hoạt động liên doanh, liên kết, tiêu thụ sản phẩm khai thác. Tạo thành chuỗi liên kết từ cung ứng, khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo hài hòa lợi ích của các thành phần trong chuỗi, nguồn gốc thủy sản truy xuất dễ dàng hơn.
Các tàu ứng dụng công nghệ bảo quản, giảm tổn thất sau khai thác, nâng cao chất lượng hải sản, cơ giới hóa đội tàu, áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, tự động hóa trong hoạt động của tổ đoàn kết.
Cùng với đó, Thanh Hóa cũng đưa ra các chính sách hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi nghề khai thác thủy sản mang tính tận diệt, ảnh hưởng tới môi trường biển.
Tỉnh còn thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới hầm bảo quản bằng vật liệu tiên tiến đối với tàu cá hoạt động tại khơi xa. Hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi để các nâng cấp tàu cá, phát triển khai thác, chuyển đổi các nghề khai thác bị cấm sang khai thác theo hướng thân thiện với môi trường. Các thành viên trong tổ đoàn kết đóng quỹ để duy trì hoạt động.
Các địa phương ven biển, tổ, đội nghề cá tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền mục đích nghĩa và hiệu quả của việc tham gia ổ đoàn kết nhằm nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản. Mô hình giúp ngư dân khai thác bền vững, an toàn, đúng quy định của pháp luật.
Các mô hình được ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa triển khai như:
Thứ nhất, mô hình tàu mẹ - con: Tổ đoàn kết thành lập và có ít nhất 5 tàu cá tham gia hoạt động khai thác cùng 1 ngư trường sẽ được một tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản (tàu mẹ) thu mua sản phẩm và cung ứng lương thực, nguyên liệu… cho tàu khai thác (thuyền con). Quy trình thu mua khép kín trên biển, các tàu liên lạc với nhau qua thiết bị thông tin liên lạc tầm trung, tầm xa, tổ chức tìm kiếm, xác định vị trí qua rada hàng hải, định vị vệ tinh tích hợp nhận dạng.
Thứ hai, luân phiên vận chuyển sản phẩm về bờ: Các tàu khai thác cùng ngư trường, các tàu thành viên trong mô hình sẽ luân phiên vận chuyển sản phẩm, cung ứng nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho các tàu thành viên. Tổ đoàn kết này hoạt động theo quy chế của tổ đoàn kết. Nếu tàu thành viên có nhu cầu về bờ cần thông tin cho các tàu bạn được biết, thống nhất với các tàu trong tổ và được ưu tiên vận chuyển sản phẩm về bờ.