Các nhà quản lý và chuyên gia trong lĩnh vực tư pháp cho rằng, hoạt động hỗ trợ pháp lý giúp doanh nghiệp nắm bắt và áp dụng pháp luật, tránh những rủi ro và khó khăn pháp lý trong kinh doanh. Điều này tăng năng lực cạnh tranh và hiệu quả thực thi pháp luật của doanh nghiệp.
Đồng thời hỗ trợ pháp lý cũng hướng cho các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, tạo nền tảng pháp lý vững chắc, ổn định, bền vững và lâu dài cho sự phát triển của từng doanh nghiệp nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung.
Theo Tiến sĩ Trần Minh Sơn - Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp (Bộ Tư pháp), Đề án “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp 2021 - 2030” theo Quyết định số 345/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có 5 mục tiêu: Hoàn thiện khung pháp lý, thông tin đầy đủ quy định pháp luật, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp; hỗ trợ pháp lý cho tất cả doanh nghiệp có nhu cầu; thí điểm và nhân rộng 2 mô hình hỗ trợ pháp lý hiệu quả; chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ pháp lý tại 63 tỉnh, thành phố.
Trong đó, Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp được nhiều bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong xã hội công nhận và lan truyền.
Đồng thời ông Sơn nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp như Hội luật gia các cấp, Trung tâm tư vấn pháp luật, Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Liên đoàn luật sư Việt Nam và các đoàn luật sư địa phương trong việc tham gia, phối hợp, thực hiện và xã hội hóa việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp hội viên của mình.
Chương trình cũng đảm bảo sự tập trung, thực tế, phù hợp với nguồn lực và hướng dẫn các hoạt động hỗ trợ pháp lý của các cơ quan nhà nước. Ngoài ra, Chương trình còn giúp nâng cao nhận thức, tuân thủ pháp luật, giảm thiểu rủi ro, vướng mắc pháp lý, tham gia cải tiến chính sách, pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả thi hành pháp luật.
Còn theo Luật sư Nguyễn Duy Lãm - Chủ nhiệm CLB Pháp chế doanh nghiệp, Nhà nước cần hoàn thiện thể chế hỗ trợ pháp lý cho DN; rõ ràng hóa về các quy định về thủ tục hành chính, thuế, hải quan, tín dụng.
Đồng thời, các đơn vị cần quan tâm tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho lao động và chủ sử dụng lao động, đặc biệt là các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN. Hỗ trợ pháp lý cho DN cần có trọng tâm, trọng điểm, theo nhu cầu của từng DN theo ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, dựa trên điều tra, khảo sát về nhu cầu hỗ trợ pháp lý. Ngoài ra, cần đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp hỗ trợ; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác này.
"Các tổ chức đại diện DN cần phát huy vai trò, làm cầu nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng DN; chủ động lắng nghe, tập hợp ý kiến, kiến nghị của DN trong xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật để phản ánh với cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật", vị luật sư này nêu ý kiến.
Theo các chuyên gia, để có thể thực hiện tốt công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, điều đầu tiên đến từ tư duy, nhận thức của chính các doanh nghiệp đó. Người đứng đầu doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư "chất xám" cho đội ngũ nhân sự, nhất là người làm công tác pháp chế, pháp lý cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, cần tăng cường mối quan hệ gắn bó và phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương; giữa cơ quan nhà nước với tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và các tổ chức hành nghề luật sư trong việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.