Đối với phát triển nông nghiệp hiện nay, việc phát triển các mô hình kinh tế tập thể, các chi tổ hội nghề nghiệp được xem như xu hướng tất yếu, hoạt động mở rộng các chi tổ hội nghề nghiệp trong giai đoạn mới được các địa phương quan tâm.
![anh bai 3.png](https://static-images.vnncdn.net/files/publish/2024/1/3/anh-bai-3-1415.png?width=0&s=dijFo3UjMNn8QrWOVKsAlQ)
Các cấp hội nông dân với vai trò của mình đang hỗ trợ các mô hình hoạt động hiệu quả. Tính đến thời điểm hiện tại, các cấp hội nông dân thành phố đã vận động, hướng dẫn xây dựng được 1990 mô hình kinh tế có hiệu quả, vận động hướng dẫn thành lập được 44 HTX, 1135 THT trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và kinh doạnh dịch vụ với 28.832 thành viên. Các cấp hội nông dân cũng tích cực vận động các hộ mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh theo mô hình trang trại và những mô hình kinh tế tập thể, HTX kiểu mới. Đồng thời, hỗ trợ hội viên vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố Hà Nội để đầu tư phát triển sản xuất.
Thông qua việc vận động, hỗ trợ nông dân tham gia các mô hình kinh tế tập thể, HTX đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế xã hội ở Thủ đô. Cũng từ đây, bộ mặt khu vực nông thôn Hà Nội thay đổi rõ rệt, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới.
Tại huyện Chương Mỹ, thông qua chi, tổ, hội nghề nghiệp đã phát triển nhiều mô hình hay, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung, phù hợp với quy hoạch, chú trọng việc nâng cao chất lượng vật nuôi, thủy sản, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến tiêu thụ. Huyện đã khai thác hiệu quả các ứng dụng công nghệ số trong điều hành và sản xuất công nghiệp, hỗ trợ đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.
Thời gian qua, việc triển khai các dự án vay vốn từ các nguồn ưu đãi và thực hiện công tác dồn điền đổi thửa đã tạo điều kiện cho các cấp hội nông dân trên địa bàn thành phố thực hiện tốt việc vận động hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung tham gia chuỗi giá trị trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Điển hình như HTX dịch vụ nông nghiệp Khánh Phong, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh đã phát triển được hàng chục hecta theo quy trình hữu cơ đem lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay HTX đang xây dựng mô hình sản xuất theo quy trình tuần hoàn, trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi sinh học tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. HTX đã xây dựng được 4 sản phẩm OCOP 4 sao là ổi, đu đủ, táo, bưởi diễn đạt OCOP 3 sao.
Sau khi được gắn sao, sản phẩm của HTX Khánh Phong có chỗ đứng ổn định trên thị trường. Hiện nay việc hỗ trợ xúc tiến thương mại, liên kết với các doanh nghiệp chế biến sâu đang giúp HTX yên tâm sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị kinh tế.
Ông Nguyễn Thế Lâm - Giám đốc HTX Khánh Phong cho biết: "Với mô hình phát triển nông nghiệp tổng hợp của xã được như ngày hôm nay, HTX rất cảm ơn sự đồng hành của các cơ quan đoàn thể, nhất là Hội Nông dân xã Tiến Thịnh cũng như Hội Nông dân huyện Mê Linh đã tạo điều kiện cho chúng tôi xây dựng mô hình cũng như tiếp cận nguồn vốn".
Thời gian tới, Hội Nông dân thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển kinh tế HTX trong hội viên nông dân, hỗ trợ giúp HTX tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi theo quy định, khuyến khích HTX ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất và kinh doanh, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại kết nối thị trường, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý nhằm hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế tập thể một cách hiệu quả.