Địa phương đồng hành cùng nông dân

Tỉnh Yên Bái đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.

Chỉ tính riêng năm 2022, Sở Công Thương Yên Bái đã hỗ trợ cho 27 doanh nghiệp xây dựng và hoàn thiện hạ tầng TMĐT, đồng thời duy trì hoạt động của Sàn TMĐT Yên Bái tại địa chỉ sctyenbai.com. Đến thời điểm hiện tại, có gần 1.000 lượt doanh nghiệp và hơn 600 lượt sản phẩm chào bán trên sàn.

Sở Công Thương Yên Bái cũng phối hợp với các doanh nghiệp đăng tải nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn giao dịch thương mại điện tử www.voso.vn và www.postmart.vn với mục tiêu đổi mới, đa dạng phương thức hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế và năng lực của các doanh nghiệp trong tỉnh tới các đối tác trong nước và quốc tế để liên kết sản xuất, kinh doanh.

Đến nay, trên cơ sở danh sách các hộ sản suất, kinh doanh giỏi do Hội Nông dân cung cấp, Bưu điện tỉnh Yên Bái đã tạo được trên 30.000 tài khoản mua, bán cho các hộ nông dân trên sàn TMĐT Postmart.vn, giới thiệu được 3.550 sản phẩm; trong đó, có 108 sản phẩm OCOP, giá trị giao dịch thương mại đạt trên 1 tỷ đồng.

mien-dao-gioi-phien-1.jpg
Miến đao Giới Phiên được làm hoàn toàn bằng dong riềng nguyên chất, không trộn các loại bột khác, không sử dụng hóa chất để tẩy trắng nên sợi miến có màu trong hơi xám.

Đơn cử, để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, từ năm 2022, dưới sự giúp đỡ của Bưu điện tỉnh Yên Bái, Hợp tác xã Miến đao Giới Phiên đã đưa sản phẩm sàn TMĐT Postmart.vn. Nhờ đó nhiều người biết đến sản phẩm miến đao Giới Phiên hơn, sản phẩm tiêu thụ tốt hơn.

Mỗi năm, sản lượng tiêu thụ miến đao Giới Phiên qua sàn TMĐT Postmart đạt hàng trăm tấn, trong đó chủ yếu tiêu thụ tại các tỉnh bạn qua kênh bán hàng online, sàn TMĐT. 

Bà Phạm Thị Thu Hà - HTX Sản xuất, kinh doanh miến đao Giới Phiên cho biết khi đưa sản phẩm miến lên sàn TMĐT, HTX thấy có sự chuyển biến rõ rệt trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Có nhiều khách hàng ở các địa phương khác trên cả nước gọi điện đặt hàng.

Đây là phương tiện truyền thông, thông tin đến người tiêu dùng nhanh, gọn gàng, chính xác nhất. Trên sàn TMĐT, người tiêu dùng được biết quy trình sản xuất, thông tin về sản phẩm, chứng nhận của Nhà nước về sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong cả nước. 

Trong khi đó, theo thống kê của Sở Công Thương Thanh Hóa, tính đến hết tháng 8/2023, toàn tỉnh đã có trên 5.568 tài khoản hoạt động trên các sàn thương mại điện tử; 188 website bán hàng được duyệt điện tử; trên 10.000 hộ sản xuất, kinh doanh được đào tạo kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên không gian mạng; gần 500 sản phẩm nông sản của Thanh Hóa đã được đưa lên sàn bán hàng trực tuyến. Các sản phẩm của tỉnh tham gia sàn thương mại điện tử ngày càng phong phú, đa dạng. 

Đặc biệt, hiện đã có hơn 50 sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm nông sản được đăng tải lên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Dự kiến, đến hết tháng 10/2023, sẽ có thêm 100 sản phẩm của tỉnh được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Tại Bình Dương, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia trên các sàn TMĐT. Đến nay, đã có hơn 2.000 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia sàn TMĐT và hơn 350 tổ chức, cá nhân đã được cấp tài khoản giao dịch.

nong-san-2-binh-duong-1.jpg
Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản ở Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Bình Dương.

Các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia giao dịch mua bán trên các sàn TMĐT sẽ được đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; được hướng dẫn đăng ký tài khoản kinh doanh, ký tài khoản thanh toán trực tuyến, thực hiện quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận để tác nghiệp trong quá trình kết nối mua bán trên các sàn TMĐT.

Các sản phẩm nông nghiệp sẽ được quảng bá, giới thiệu thông qua sàn TMĐT và các kênh phân phối của doanh nghiệp bưu chính sở hữu sàn; mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số.

Vẫn còn nhiều thách thức

TMĐT tuy mang lại nhiều cơ hội mới, thúc đẩy phát triển kinh tế số khu vực nông nghiệp, nông thôn nhưng thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, việc bảo quản, thu gom, phân phối hàng hóa manh mún, thiếu tính kết nối. 

Một trong những trở ngại lớn trong chuỗi hoạt động TMĐT nằm ở khâu logistics, vận chuyển nông sản, nhất là đối với các loại tươi sống. Sản phẩm dễ bị dập nát, hư hao, không bảo đảm chất lượng trong quá trình vận chuyển. 

4 năm qua, cửa hàng rau, quả sạch của nhóm anh Huỳnh Tiến Giàu (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đã sử dụng các mạng xã hội như: Zalo, Facebook làm kênh mua bán các loại trái cây đặc sản như: Xoài cát Hòa Lộc, mít, sầu riêng. 

Anh Giàu cho biết ban đầu, cửa hàng được lập ra trên mạng xã hội chủ yếu để bán xoài. Về sau, lượng khách hàng ngày càng đông và yêu cầu thêm nhiều loại trái cây khác nên cửa hàng mới cung ứng thêm các nông sản khác. Trung bình mỗi mùa, cửa hàng của nhóm anh Giàu bán được khoảng 7 tấn xoài và 20 tấn sầu riêng.

Anh Giàu cho biết: "Việc bán hàng qua mạng xã hội thuận lợi hơn so với bán qua thương lái, đầu mối truyền thống. Chúng tôi có thể chủ động đơn hàng và có thêm nhiều khách hàng mới. Tuy nhiên, bán hàng qua mạng xã hội yêu cầu mình phải tự làm thêm các khâu tuyển chọn, đóng gói và giao hàng. Cùng với đó, chất lượng nông sản cũng phải được đảm bảo gần như tuyệt đối để đảm bảo uy tín của cửa hàng."

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương, cho biết sàn TMĐT không chỉ là kênh tiêu thụ sản phẩm an toàn, hiệu quả, mà còn giúp xây dựng thương hiệu nông sản cho các hợp tác xã, doanh nghiệp... Tuy nhiên, hiện số lượng nông sản tiêu thụ trên các sàn TMĐT còn khiêm tốn. Các tổ chức, cá nhân mới tiếp cận sàn TMĐT nên còn nhiều bỡ ngỡ, việc chăm sóc gian hàng chưa được chú trọng... 

Mặt khác, việc ứng dụng nền tảng số, bán hàng thông qua phương thức phát hình ảnh trực tiếp (livestream) cũng như cách thức tham gia và hoạt động trên nền tảng sàn TMĐT… cũng chưa được triển khai thường xuyên.

Ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số-Cục Thương mại điện tử và Công nghệ số (Bộ Công Thương) nhận định, tuy không còn xa lạ với hình thức kinh doanh trực tuyến, nhưng thực tế, việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nông dân vẫn còn rất nhỏ lẻ, khiêm tốn.

Những khó khăn đến từ nhận thức và nguồn lực của doanh nghiệp còn hạn chế đối với phương thức kinh doanh này. Hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản còn thiếu nhân lực hiểu biết về công nghệ thông tin, quy trình bán hàng, marketing...

Bên cạnh đó, việc đăng ký gian hàng và đưa sản phẩm lên các gian hàng thương mại điện tử là việc doanh nghiệp có thể làm. Dù vậy, để sản phẩm đến tay người tiêu dùng, doanh nghiệp cần phải được hướng dẫn và đào tạo bài bản về cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm và thực hiện quy trình đóng gói, bảo quản sản phẩm hay cách thức chăm sóc khách hàng, những dịch vụ sau bán hàng.