Để HTX thực sự là điểm tựa giảm nghèo
Kết quả 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản năm 2022 của Bộ KH&ĐT cho thấy, các hộ gia đình Việt Nam thiếu hụt nhiều nhất về việc làm (39,8%), trình độ giáo dục người lớn (33,6%), dinh dưỡng (24,1%) và bảo hiểm y tế (22,4%). Và theo chuẩn nghèo mới, toàn quốc có 4,3% hộ nghèo đa chiều.
Trong khi đó, nếu tính về tỷ lệ hộ nghèo (không theo giảm nghèo đa chiều), Trung du miền núi phía Bắc là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước (12,1%). Do đó, giảm nghèo cho người dân vùng núi phía Bắc được coi là nhiệm vụ chính trị của Chính phủ và các địa phương trong giai đoạn tới. Và một trong những hướng đi thoát nghèo chính là hình thành các HTX sản xuất nông nghiệp, dịch vụ.
Theo TS. Trần Văn Ơn, chắc chắn không còn cách nào khác là thành lập các HTX. Bởi, HTX hình thành, phát triển góp phần nâng cao sinh kế cho đồng bào dân tộc miền núi thông qua tạo việc làm và thu nhập. Có HTX thì người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ có sức mạnh. Hỗ trợ HTX phát triển sẽ thúc đẩy giảm nghèo bền vững.
Đứng ở góc độ quản lý, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân đồng tình với quan điểm này và cho rằng: “Kinh tế tập thể, HTX có vai trò vô cùng quan trọng trong thúc đẩy giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng bền vững. Bởi kinh tế tập thể là một hình thức kinh tế chia sẻ, phát triển gắn với chuỗi giá trị. Kinh tế tập thể với nòng cốt là các HTX hoạt động có sự công bằng, không phân biệt người giàu, người nghèo. Điều này khác với mô hình công ty cổ phần, ai đóng góp nhiều thì có quyền năng nhiều”.
Dẫn chứng cho nhận định của mình, bà Vân cho biết, tính đến hết năm 2022 khu vực kinh tế tập thể, HTX đang đóng góp trực tiếp khoảng 4,8% vào GDP của cả nước, đóng góp gián tiếp trên 30% GDP cả nước thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên. Do vậy, mô hình HTX đang trở thành đòn bẩy, bệ đỡ và điểm tựa cho nông dân nói chung, cho người dân các khu vực khó khăn, miền núi nói riêng trong thời gian tới. Tuy nhiên, từ khi hình thành chủ trương cho tới thành lập được các HTX đủ mạnh là cả một chặng đường gian nan, nhất là khâu đào tạo nhân lực.
“Khi chú trọng đào tạo bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của cán bộ, thành viên HTX một cách đồng bộ sẽ giúp các HTX ứng dụng khoa học vào sản xuất kinh doanh thuận lợi và hiệu quả, từ đó giúp địa phương và cả xã hội đi nhanh hơn trong công tác giảm nghèo đa chiều cũng như cải thiện các chỉ số về việc làm, sức khỏe, bảo hiểm, trình độ giáo dục…”, bà Vân tin tưởng. Tuy nhiên, nhân lực cho các HTX, nhất là khu vực miền núi lại đang là mắt xích yếu nhất.
Tập trung phát triển các HTX vùng miền núi
Để kinh tế tập thể, HTX thực sự trở thành đòn bẩy, “bà đỡ mát tay” trong thực hiện các mục tiêu giảm nghèo khu vực miền núi ngoài yếu tố ngoại lực (nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức thiện nghuyện) thì vai trò của người dân địa phương là rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển các HTX.
Theo TS Trần Văn Ơn, dư địa phát triển kinh tế tập thể, HTX vùng miền núi còn rất lớn, nhưng để phát triển các HTX thì lại không hề dễ dàng. Đơn cử, để đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp thông qua mô hình HTX (ví dụ các HTX dịch vụ du lịch), điểm yếu lớn nhất của người dân nơi đây là họ không biết mình đang có trong tay nguồn lực lớn về các tài nguyên bản địa, không biết được những thứ mình đang có sẵn là những điều kiện vô cùng thuận lợi để khởi nghiệp. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số với người dân, HTX ở thành thị đã khó; với người dân, HTX vùng dân tộc thiểu số còn khó hơn.
Cùng quan điểm với TS Ơn, bà Lý Thị Quyên (người dân tộc Dao), Giám đốc HTX chuối sấy Thiên An - người thành lập HTX và giúp hàng chục hộ dân ở xã Vy Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn nâng cao thu nhập, giảm nghèo nhận định: Thiếu vốn, kinh nghiệm, công nghệ, đầu ra thị trường khiến nhiều người như chị không dám khởi nghiệp, khởi nghiệp rồi thì cứ loay hoay không biết phát triển ra sao. Ví dụ, khi muốn xây dựng một dây chuyền chế biến và thiết kế bao bì riêng cho HTX, chị và các thành viên lại không biết làm như thế nào dù việc thiết kế và in ấn bao bì dưới Hà Nội được thực hiện trong "phút mốt".
Thấu hiểu được những khó khăn mang tính "nội tại" của các HTX nông nghiệp miền núi, bà Cao Xuân Thu Vân cho rằng, trước tiên cần phát huy vai trò nòng cốt của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam trong việc bảo vệ quyền, lợi ích cho HTX thành viên. Đi liền với đó là chú trọng phát triển các HTX theo hướng chuỗi giá trị để mang lại giá trị lớn về chất lượng, số lượng nông sản. Muốn vậy, cần hỗ trợ các HTX về nguồn lực cũng như hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, vì nội lực HTX còn mỏng.
Riêng khâu hỗ trợ HTX tiêu thụ sản phẩm, Liên minh HTX Việt Nam đang đẩy mạnh việc đưa nông sản vào hệ thống siêu thị dù việc này cũng đang gặp khó khăn do cơ chế của chính các siêu thị yêu cầu rất nghiêm ngặt chất lượng sản phẩm và thường lập ra những "hàng rào" đối với nông sản Việt Nam (nhất là các siêu thị có yếu tố nước ngoài). Ngoài ra, Liên minh HTX Việt Nam cũng đang kiến nghị các cơ quan liên quan đẩy mạnh bằng các cơ chế, chính sách cho vay ưu đãi để hỗ trợ HTX đa dạng đầu ra, đầu tư máy móc, bao bì, xây dựng thương hiệu…
Riêng các địa phương vùng miền núi, chúng tôi đề xuất các địa phương nên đẩy mạnh mô hình tổ hợp tác vì đây là mô dễ hình thành hơn HTX, phù hợp với đặc thù dân cư thưa thớt nhưng vẫn đảm bảo tính cộng đồng cao. Sau đó, khi tổ hợp tác ổn định sẽ phát triển lên HTX, như vậy nền tảng của HTX sẽ vững vàng và thuận lợi trong thu hút thành viên, mở rộng quy mô...