Trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, hỗ trợ sinh kế tại chỗ cho người nghèo là việc làm rất cần thiết, là giải pháp tốt để tạo thu nhập, tận dụng sức lao động để phát triển sản xuất. Vì theo ông Ngô Trường Thi nguyên Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, "không phải lao động nào cũng đi làm việc ở nơi khác được".  

Theo ông Ngô Trường Thi, "vấn đề cần quan tâm là làm gì, làm như thế nào phải do người dân đề xuất, chính quyền không thể làm thay. Vai trò của chính quyền rất cần thiết nhưng chỉ dừng ở mức hướng dẫn, hỗ trợ những thủ tục cần thiết để người dân, cộng đồng thực hiện theo quy định nhà nước; hỗ trợ hình thành các tổ nhóm, đóng vai trò “bà đỡ”..."

Trước đây và bây giờ vẫn có quan điểm là phải hỗ trợ tiền cho người nghèo mới giải quyết được vấn đề. "Tiền là quan trọng nhưng không phải tất cả. Nên hỗ trợ để người nghèo tự tin về năng lực của mình, dám nghĩ, dám làm. Liên kết hợp tác xã, sản xuất có hiệu quả bền vững hơn rất nhiều", ông Thi khẳng định.

Theo chia sẻ của ông Thi, thời gian vừa qua đã có rất nhiều các mô hình sinh kế đã hỗ trợ thành công và phát triển ở rất nhiều địa phương như Bắc Kạn, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Nông, Kon Tum, Lào Cai…

Ví dụ, ở Bắc Kạn khi tổ chức hoạt động hỗ trợ, ban đầu chỉ là tổ, nhóm nhưng sau này các ban, ngành phải vào cuộc để hỗ trợ người dân làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu, sản phẩm… vừa hình thành tổ hợp tác. Đến giờ đã thành lập được Liên hiệp Hợp tác xã ở Bắc Kạn. Khi chúng tôi quay lại, mọi người trên đó cho biết giờ Liên hiệp oai lắm, thu nhập của hợp tác xã lên đến 8-10 tỷ/năm. Các sản phẩm của tổ nhóm ở Bắc Kạn đã có mặt ở các siêu thị, hội chợ. 

Hay ở Sa Pa (Lào Cai), cô gái người H’Mông tên Thào Thị Sung là người thành lập tổ trồng cây lanh để dệt vải. Hồi tham gia cuộc thi của Bộ LĐTBXH, cô ấy còn run, không nói được. Sau này chúng tôi có chuyên gia hỗ trợ, giúp cô ấy hình thành được hợp tác xã. Giờ cô đi dạy cho những người khác, vùng khác, rồi còn lên mạng, dùng smartphone để liên hệ, tìm đầu ra…

Ông Thi còn ấn tượng, ở Con Cuông (Nghệ An), có một phụ nữ dân tộc Thái tham gia một hội thi của chúng tôi và đạt giải 3. Sau hội chợ, chúng tôi cử người hỗ trợ chị. Sản phẩm đan lát mây, tre của chị giờ đã vào được khách sạn 4 sao, rồi còn xuất khẩu được sang Nhật và châu Âu. 

"Đây chính là phương thức hỗ trợ sinh kế, kích thích năng lực tự vươn lên của người nghèo với sự hỗ trợ của các ban, ngành và phải tin ở người dân, cộng đồng", ông Thi quả quyết. 

Trong mấy câu chuyện ông Thi vừa dẫn ra, có những người phụ nữ, người cao tuổi không ra nơi khác làm mà tự tạo sinh kế trên mảnh đất họ sống. Họ vẫn tiếp cận được thị trường, tiếp cận nền tảng về công nghệ và biến nó thành công cụ phục vụ cho công việc, sinh kế. Ban đầu hầu như họ không biết sử dụng máy tính nhưng bây giờ nhiều người đã thành thạo...

W-mohinhtrongnam.png

Những đúc kết của ông Thi nhận được sự tán thành từ ông Hoàng Xuân Lương, Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc. Ông Lương cho biết, mỗi vùng đất có điều kiện đất đai, khí hậu khác nhau nên lại có những sản phẩm gắn liền với mảnh đất đó. Ta hay gọi là phát huy truyền thống bản địa. Vì thế chủ trương tạo sinh kế tại chỗ để phát huy những giá trị truyền thống đó là hoàn toàn đúng. 

Thực tiễn đã chứng minh, thời gian qua, chúng ta quan tâm đến việc kết hợp giữa hiện đại với truyền thống. Từ đó các giá trị trong truyền thống của người DTTS được phát huy. 

Chẳng hạn, người DTTS phải trải qua hàng ngàn đời mới tích lũy được bộ giống cây con hiện tại, chúng sống ở vùng đất đó là phù hợp nhất. Nếu ta biết phát huy, phát triển chúng, từ cây ngô, cây lúa cho đến con giống, con bò, con lợn... ở vùng người H’Mông, người Thái, người Khơ Mú... ngay tại địa bàn thì hiệu quả kinh tế sẽ rất tốt. 

Ông Lương cho hay, bản thân rất mừng là thời gian qua những vùng DTTS đã xuất hiện những mô hình kinh tế kết hợp được cả yếu tố văn hóa bản địa, yếu tố văn hóa du lịch. Chẳng hạn, mô hình của người H’Mông, người Thái hình thành lên những homestay, các nhóm về du lịch, kết nối được từ địa phương này sang địa phương khác, để tiêu thụ ngay những sản phẩm của người bản địa đó. 

Vừa rồi ông Lương có dự một hội thảo quốc tế do Nhật Bản và CHLB Đức tổ chức về phát huy giá trị sản phẩm truyền thống của dân tộc Thổ ở Việt Nam. Nhờ chủ trương của Đảng và Nhà nước phát huy những giá trị truyền thống sản phẩm cây, con bản địa, nên người dân tộc Thổ mới có những sản phẩm nổi tiếng như: sản phẩm dệt, bánh gai, trống đồng… 

Những sản phẩm đó đi ra thế giới, người ta quan tâm thì mới tổ chức hội thảo quốc tế như vậy. Sau hội thảo, họ hình thành một hệ thống để tiêu thụ sản phẩm.

Từ những trải nghiệm trong hành trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo khi còn đương nhiệm, ông Lương cho rằng cái khó nhất để phát triển các mô hình sinh kế tại các địa  bàn vùng DTTS chính là tìm đầu ra. Nhà nước nên có chính sách khuyến khích để tạo thị trường đầu ra cho sản phẩm của đồng bào DTTS. 

Hoài Linh và nhóm PV