Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai (Sở NN & PTNT), năm 2024, tổng nguồn vốn sự nghiệp của Tiểu dự án 1 - Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh là hơn 28,8 tỷ đồng. Đây được xem là "đòn bẩy" giúp hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên.

Phát huy tiếng nói của người dân

Đơn vị phối hợp với các địa phương xây dựng phương án hỗ trợ theo hình thức tổ cộng đồng giúp hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, giống cây trồng, vật nuôi và vật tư nông nghiệp được lựa chọn hỗ trợ được thực hiện theo đề xuất của nhóm cộng đồng thụ hưởng.

Tại huyện Đak Đoa, xã Ia Băng, qua rà soát, số hộ nghèo tại xã chủ yếu do thiếu đất sản xuất, hộ người già neo đơn. Năm nay được phân bổ 300 triệu đồng thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 3. Xã đã họp dân, chọn hộ thành lập tổ cộng đồng chăn nuôi bò sinh sản ở các thôn, làng. 

Năm trước, xã Ia Băng được phân bổ 263 triệu đồng để hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất. Để thực hiện hiệu quả dự án, xã công khai, minh bạch trong việc họp lấy ý kiến người dân trong việc lựa chọn vật nuôi, cây trồng để hỗ trợ sản xuất. Tại làng O Ngó, tổ cộng đồng được thiết lập, ngoài 16 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia, còn có 2 hộ có kinh nghiệm chăn nuôi tự nguyện tham gia giúp đỡ.

Trong quá trình thực hiện, các thành viên trong tổ xây dựng chuồng trại nuôi nhốt đảm bảo và tham gia tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho bò. Đặc biệt, UBND xã Ia Băng đưa các hộ đến nơi cung cấp bò giống để bà con tự lựa chọn bò. Đến nay, số bò này phát triển tốt, một số con sắp sinh sản.

W-nong-thon-moi-ng-hue-19-3.jpg
Diện mạo nhiều làng quê thay đổi nhờ triển khai hiệu quả chương trình giảm nghèo.

Các xã, thị trấn tại huyện Đak Pơ 3 năm nay đã xây dựng dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò sinh sản phù hợp với thực tế của địa phương. Ngoài 2,1 tỷ đồng được Nhà nước hỗ trợ, người dân đối ứng xây dựng chuồng trại và mua thức ăn gia súc khoảng 700 triệu đồng. Các địa phương còn mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh trên đàn bò giúp hộ nghèo, cận nghèo nắm bắt để áp dụng hiệu quả vào chăn nuôi, sớm vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tại huyện Kbang, đầu năm 2024, toàn huyện còn 2.059 hộ nghèo, tương đương 11,26%. Thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 được xem là giải pháp hỗ trợ sinh kế giúp nhiều hộ gia đình từng bước vươn lên.

Năm 2024, huyện Kbang được phân bổ hơn 1,6 tỷ đồng để thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 3. Huyện phân bổ nguồn vốn này cho 10 xã, thị trấn xây dựng 12 dự án. 10 trong số 12 dự án này là hỗ trợ giống, phân bón, máy móc nông nghiệp. 2 dự án còn lại hỗ trợ chăn nuôi. Các địa phương thành lập tổ hợp tác sản xuất để hỗ trợ 155 hộ nghèo, 374 hộ cận nghèo và 7 hộ mới thoát nghèo phát triển kinh tế.

Điểm đặc biệt tại đây là huyện triển khai Dự án theo hình thức hỗ trợ sinh kế cộng đồng thông qua tổ hợp tác theo nhu cầu của người dân. Nhờ vậy, hầu hết các hộ đều đồng tình và đối ứng thêm vốn để sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, các xã ưu tiên chọn những hộ cận nghèo có đất sản xuất để hỗ trợ máy móc, thiết bị, giống cây trồng, phân bón... để bà con sớm vươn lên thoát nghèo.

Không lựa chọn vật nuôi là bò cái sinh sản, xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang) lựa chọn triển khai Dự án trồng lúa nước và thành lập Tổ hợp tác sản xuất lúa. Tổng cộng, trong 2 năm 2023 và 2024, xã được xã Kông Lơng Khơng được cấp 268 triệu đồng để hỗ trợ hàng tấn lúa giống, phân bón cho 516 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo canh tác.

Việc lựa chọn lúa nước để phát triển sản xuất tại xã Kông Lơng Khơng được cho là phù hợp với điều kiện phát triển, đặc điểm thổ nhưỡng và tập quán sản xuất, trình độ canh tác của người dân. 

Thoát nghèo nhờ được hỗ trợ trúng đích, đúng mục tiêu

Tại huyện Đak Pơ, các xã, thị trấn chủ động xây dựng dự án hỗ trợ bò lai sinh sản theo nhóm cộng đồng để giúp hộ nghèo và cận nghèo phát triển chăn nuôi. Từ đây, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo chỉ sau 1-2 năm tham gia dự án. Điển hình như xã Hà Tam. Năm 2022 đến nay, thôn 5 có 8 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ bò sinh sản từ nguồn vốn Tiểu dự án 1 - Dự án 3. Đến nay, 2 hộ đã thoát nghèo.

Hiện toàn xã còn 29 hộ nghèo và 94 hộ cận nghèo, xã tiếp tục tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi nhằm giúp hộ nghèo phát triển kinh tế.

Tại huyện Kbang, giống lúa nước Đài Thơm 8 và RVT được hỗ trợ thuộc nhóm chất lượng cao, cho năng suất vượt trội. Do đó, bà con rất phấn khởi, thêm niềm tin vào sinh kế giảm nghèo này. Không những thế, giống lúa này thân cứng không bị ngã đổ khiến việc trồng trọt thuận lợi hơn.

Vụ mùa vừa qua, các hộ được hỗ trợ đã thu hoạch lúa với năng suất đạt 4,2 tấn/ha. Theo đánh giá của tổ trưởng tổ cộng đồng xã này, năng suất giống lúa nước được hỗ trợ cao hơn các giống lúa truyền thống 1-1,2 tạ/sào. Bà con sẽ tiếp tục gieo sạ giống lúa này trong vụ Đông Xuân 2024-2025.

Ông Đinh Văn Xóa, làng Mơ Hven-Ôr, xã Kông Lơng Khơng, cho hay gia đình ông có 1,6 sào lúa nước và 7 sào mía. Những năm trước, năng suất lúa đạt thấp. Vụ mùa 2024, gia đình được hỗ trợ 80 kg phân bón cùng giống lúa Đài Thơm 8.

"Giống lúa mới cùng phân bón được hỗ trợ là động lực để gia đình tôi chăm chỉ canh tác, cho năng suất cao. Chúng tôi phấn đấu ra khỏi danh sách hộ cận nghèo trong những năm tới”, ông nói.