- Cái gì đo được thì mới làm được: Công cụ giám sát từng địa phương, bộ ngành trong việc hỗ trợ doanh nghiệp.

LTS: Nhóm chuyên gia toàn cầu thuộc Sáng kiến Việt Nam (trụ sở tại ĐH Indiana, Hoa Kỳ) khuyến nghị một hệ thống giám sát quốc gia để phát triển doanh nghiệp. VietNamNet giới thiệu cùng bạn đọc:

Không phải ngẫu nhiên mà một trong những việc lớn đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chọn làm sau khi nhậm chức là tiến hành một hội nghị lớn với doanh nghiệp.

{keywords}

Đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe những khó khăn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt doanh nghiệp vào trung tâm đổi mới của nền kinh tế.

Sự có mặt của nhiều ủy viên Bộ Chính trị, các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng hùng hậu cho thấy Chính phủ gửi đi một tín hiệu quan trọng: quyết tâm đổi mới kinh tế và đặt doanh nghiệp là yếu tố trung tâm để đạt được sứ mệnh này.

Nhưng việc này đầy thách thức, chỉ quyết tâm thôi thì không đủ. Vậy cách nào thực hiện?

Cần một hệ thống giám sát tin cậy

Tổ sư của ngành quản lý hiện đại Peter Drucker có một câu nói nổi tiếng là “Cái gì mà không đo được thì sẽ không làm được”. Nghĩa là, nếu chúng ta không đo và công bố chỉ số môi trường biển đều đặn, thì biển của chúng ta sẽ dễ thành bãi rác thải.

Nếu Chính phủ không đo và công bố định kỳ chỉ số về phát triển doanh nghiệp của địa phương, bộ ngành nào, thì sẽ khó hỗ trợ doanh nghiệp ở đó.

Do vậy, Chính phủ cần xây dựng một hệ thống đánh giá, giám sát đáng tin cậy cho việc hỗ trợ doanh nghiệp của từng địa phương, bộ ngành. Mỗi địa phương, bộ ngành cũng cần có thước đo hiệu quả để biết các đơn vị trực thuộc phục vụ doanh nghiệp thế nào.

Nếu không đo được, thì nơi làm tốt cũng như nơi nhũng nhiễu, không ai phải chịu trách nhiệm với doanh nghiệp. Trách nhiệm của người đứng đầu vì thế cũng rất khó thực hiện.

Có 7 nguyên tắc của hệ thống giám sát phát triển doanh nghiệp

Nguyên tắc 1 - Chọn chỉ số đúng:

Chỉ số đúng là chỉ số thể hiện trung thực sự phát triển doanh nghiệp, dễ đo, và khó bị thổi phồng. Chỉ số phải chuẩn thì cố gắng của các bộ ngành, địa phương mới đúng hướng. Mỗi bộ cần có bộ chỉ số riêng dựa trên chức năng của mình, và khác với bộ chỉ số dành cho các tỉnh.

Nguyên tắc 2 - Đo đầu ra:

Thay vì dùng các chỉ số đầu vào chúng ta quen sử dụng (như tổng số tín dụng được cấp, số giấy phép được duyệt, vv.) nên dùng các chỉ số đầu ra (như doanh thu, số việc làm, lợi nhuận doanh nghiệp tạo ra).

Nếu ta dùng chỉ số đầu vào làm căn cứ đánh giá thì chính quyền có thể tăng các đầu vào này một cách lãng phí, không hiệu quả cho doanh nghiệp. Nếu ta dùng chỉ số đầu ra thì chính quyền sẽ tìm mọi giải pháphiệu quả để tăng đầu ra cho doanh nghiệp như doanh thu, lợi nhuận, và việc làm. Đó chính là cái doanh nghiệp cần.

Nguyên tắc 3 - Doanh nghiệp tham gia:

Đối tượng phục vụ của hệ thống này giám sát là doanh nghiệp nên họ cần được tham gia vào việc thiết kết hệ thống và chọn chỉ số. Sự thống nhất của Chính phủ với từng bộ ngành về bộ chỉ số, cùng với sự đóng góp của các chuyên gia độc lập là rất cần thiết.

Nguyên tắc 4 - Đánh giá độc lập:

Việc thu thập số liệu đánh giá không nên để cho đơn vị bị giám sát báo cáo lên, mà cần để một cơ quan trung ương, hoặc một tổ chức độc lập có uy tín khảo sát, đánh giá. Cái này chúng ta đã có kinh nghiệm thành công từ Chỉ số Cạnh tranh tỉnh.

Nguyên tắc 5 - Công bố công khai:

Minh bạch, công khai là chìa khóa cho kỷ luật, kỷ cương, và là cách tốt nhất để gây dựng niềm tin từ cộng đồng doanh nghiệp. Chỉ cần công khai kết quả chỉ số thì tự địa phương, bộ ngành có động lực mạnh phấn đấu.

Nguyên tắc 6 - So sách với chính nó:

Không thể so sánh chỉ số của Hà Nội với Cà Mau vì các điều kiện đặc thù của mỗi địa phương. Cũng không thể so sánh kết quả thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tài chính với Bộ Công thương do những chức năng khác nhau. Do vậy, Chính phủ sử dụng bộ chỉ số này để giám sát sự tiến bộ của từng đơn vị qua thời gian, so sánh với kết quả của chính đơn vị đó qua các năm.

Nguyên tắc 7- Trách nhiệm của người đứng đầu:

Chính phủ giao cho người đứng đầu bộ ngành, địa phương quyền và trách nhiệm cải thiện chỉ số đầu ra này. Họ có trách nhiệm phát triển doanh nghiệp, và quyền huy động mọi nguồn lực trong đơn vị để thực hiện mục tiêu này.

Ứng dụng hoàn cảnh Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế có thể cho ta một số bài học. Tại Trung Quốc, Chính phủ trung ương giao trách nhiệm cho lãnh đạo các tỉnh phải phát triển GDP cấp tỉnh.

Các nghiên cứu gần đây chỉ ra là lãnh đạo các tỉnh ở Trung Quốc thổi phồng GDP khá dễ dàng. Hơn nữa, một số lãnh đạo tỉnh còn đầu tư ồ ạt, thiếu hiệu quả để tăng GDP.

Ngược lại, các nước OECD thì thường sử dụng số việc làm tạo ra, và mức lương trung bình. Hai chỉ số này này có điểm mạnh là tập trung vào thu nhập của người lao động nhưng có nhược điểm là bỏ qua thu nhập của doanh nghiệp.

Dựa trên kinh nghiệm quốc tế như vậy, nghiên cứu của chúng tôi đưa ra 2 đề xuất.

- Với các địa phương:

Việt Nam nên sử dụng tổng số giá trị gia tăng (bao gồm cả lương và lợi nhuận) do doanh nghiệp trong tỉnh tạo ra làm chỉ số đánh giá sự phát triển của doanh nghiệp của địa phương đó. Chỉ số này Tổng Cục thuế hoặc Tổng cục Thống kê có thể cung cấp dễ dàng và có độ tin cậy khá cao.

- Với các bộ:

Chính phủ có thể đưa ra bộ chỉ số dựa trên thời gian, chi phí và sự hài lòng mà các doanh nghiệp về các chức năng nhiệm vụ của mỗi bộ. Chính phủ có thể xây dựng chương trình Doanh nghiệp chấm điểm chính quyền tương tự như chương trình Dân chấm điểm chính quyền đã có thành công.

Tóm lại, đưa ra các chính sách hỗ trợ hay cho doanh nghiệp là xây cái ngọn, rất cần thiết. Tuy nhiên, tạo được động lực cho từng đơn vị, cán bộ hết lòng phục vụ doanh nghiệp mới là sửa cái gốc.

Khi công bố đều đặn kết quả phục vụ của từng bộ ngành, địa phương, thì lãnh đạo các đơn vị sẽ có động lực và trách nhiệm mạnh mẽ để phát triển doanh nghiệp. Xây dựng được một hệ thống thông tin, giám sát hiệu quả như vậy là đi đến cái gốc của vấn đề. Vì thông tin là sức mạnh.

PGS Trần Ngọc Anh (Đại học Indiana, Hoa Kỳ), TS Nguyễn Lan Hương (Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Nhóm Sáng kiến Việt Nam