Tại Cao Bằng, IFAD có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội những năm qua, đặc biệt thông qua Chương trình phát triển doanh nghiệp với nông thôn nghèo do IFAD hỗ trợ.
Mục tiêu của IFAD là thúc đẩy nền nông nghiệp thích ứng với khí hậu, định hướng thị trường để giúp các cộng đồng này phát triển. Dựa trên kiến thức phong phú được tích lũy thông qua dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP), IFAD mong muốn tận dụng các phương pháp tiếp cận đổi mới và các bài học được đúc kết để tạo ra sự thay đổi sâu sắc.
Chương trình phát triển doanh nghiệp với nông thôn nghèo có tổng kinh phí 24 triệu USD, trong đó vốn vay IFAD là 16,4 triệu USD. Dự án hoàn thành mục tiêu “góp phần giảm nghèo bền vững và công bằng ở nông thôn”; theo đó, tỷ lệ nghèo tại khu vực dự án giảm từ 49% (năm 2010) xuống 31,6% (năm 2013).
Dự án CSSP tỉnh Cao Bằng khởi động từ tháng 8/2017, đến nay đã ghi nhận gần 7 năm hoạt động, tiếp nhận tổng ngân sách 36,27 triệu USD.
Tính đến tháng 12/2023, kết quả giải ngân kế hoạch ngân sách năm 2023 đã thực hiện giải ngân được hơn 44,6 tỷ đồng, đạt 51,9% tổng mức ngân sách năm được phê duyệt.
Trong năm 2023, Dự án CSSP đã duy trì và củng cố 678 trên tổng số 800 nhóm CIG, tổ hợp tác, hỗ trợ 8.840 hộ gia đình, trong đó đa số là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo và cận nghèo, thông qua việc huy động tiết kiệm trước khi cấp vốn.
Ngoài ra, Quỹ Phụ nữ phát triển đã được triển khai tại 27/30 xã thuộc 3 huyện dự án, thành lập được 322 tổ tiết kiệm tín dụng với số thành viên là 3.911 thành viên, đạt 118% chỉ tiêu đề ra. Trong đó, số thành viên nghèo và cận nghèo vay vốn chiếm 41%. Năm 2023, Dự án cũng đã có 44 công trình cơ sở hạ tầng, trong đó có 26 công trình mới và 18 công trình chuyển tiếp từ năm 2022.
Kế hoạch hành động biến đổi khí hậu CCAP cấp tỉnh 2021 - 2030 với tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND tỉnh xây dựng và phê duyệt. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội định hướng thị trường MOP-SEDP được triển khai tại 161 xã với sự tham gia của hơn 103.000 hộ gia đình.
Dự án CSSP cũng đã đạt được 85% mục tiêu với 678/800 nhóm đồng sở thích CIG được thành lập. Tổng dư nợ cho vay của Quỹ Phát triển phụ nữ Cao Bằng tại 52 xã là hơn 40 tỷ đồng với hơn 2.890 khách hàng vay vốn. Tại các vùng dự án, đã có 145/187 công trình hạ tầng cộng đồng được hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng. Riêng năm 2023, có 44 công trình hạ tầng, trong đó có 26 công trình mới và 18 công trình được chuyển giao từ năm trước.
Tiếp nối thành công của dự án, Chính phủ Việt Nam và IFAD mở rộng hỗ trợ cho các nhóm dân tộc thiểu số ở Cao Bằng thông qua Chương trình hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) đang được triển khai nhằm giới thiệu Chiến lược hợp tác sản xuất công - tư nhân (hoặc 4P) toàn diện hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp đáng kể của IFAD tại Cao Bằng trong hơn 15 năm qua, có nhiều sáng kiến hữu ích được áp dụng với mục tiêu vì sự tiến bộ bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để Cao Bằng kết nối với các nhà tài trợ quốc tế; hỗ, trợ thủ tục để tỉnh tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Các tổ chức quốc tế và Đại sứ quán các nước quan tâm, cung cấp nguồn vốn ODA, nhất là các nguồn vốn viện trợ không hoàn lại để hỗ trợ Cao Bằng có cơ hội hợp tác phát triển kinh tế nông nghiệp theo định hướng tăng trưởng xanh và bền vững.